Lắng nghe trẻ em nói

Một kỳ họp của Hội đồng Trẻ em.
Một kỳ họp của Hội đồng Trẻ em.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều vấn đề vốn là nỗi bức xúc của người lớn như tình trạng kẹt xe, ngập nước, rác thải ô nhiễm môi trường, phương tiện giao thông công cộng chưa đảm bảo tiêu chuẩn môi trường… rất được trẻ em quan tâm.

Nếu người lớn dành thời gian để lắng nghe sẽ thấy trẻ em không ngây thơ, ham ăn, ham ngủ như vẫn nghĩ. Nhiều vấn đề vốn là nỗi bức xúc của người lớn như: Tình trạng kẹt xe, ngập nước, rác thải ô nhiễm môi trường, phương tiện giao thông công cộng chưa đảm bảo tiêu chuẩn môi trường… rất được trẻ em quan tâm. Bên cạnh đó là vấn đề của chính các em như: Mong muốn được sống trong môi trường an toàn, có nhiều sân chơi, ít bị cha mẹ mắng mỏ, so sánh… cũng khiến trẻ em trăn trở.

Các bác có kế hoạch, biện pháp gì để hạn chế tình trạng bạo lực ở học đường? 

Tháng 4/2019, tại tỉnh Quảng Trị đã diễn ra sự kiện lần đầu tiên Đại biểu Quốc hội tiếp xúc, đối thoại với trẻ em. Sự kiện do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, Hội đồng đội tỉnh và Tổ chức Plan International Việt Nam hợp tác thực hiện nằm trong khuôn khổ chương trình nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong quá trình xây dựng và hoạch định các chính sách liên quan đến trẻ em, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa. 

Tham dự sự kiện là 150 trẻ em trai và gái từ 9 huyện thị trong toàn tỉnh Quảng Trị, từ các dân tộc Vân Kiều, Paco và Kinh. Tại buổi tiếp xúc, 25 câu hỏi, nguyện vọng của trẻ em, liên quan đến việc thực trạng thực hiện quyền trẻ em theo Luật Trẻ em đã được các em trình bày với Đoàn Đại biểu Quốc hội.

Qua các câu hỏi có thể thấy các em đặc biệt quan tâm đến vấn đề rất nhiều học sinh bỏ học khi đang là học sinh cấp II để đi làm rẫy, kiếm tiền giúp gia đình hoặc lấy chồng; nguy cơ bị xâm hại tình dục và thiếu các chương trình trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa cho các em cũng như kiến thức của cha mẹ trong vấn đề an toàn của trẻ em, thực trạng về tai nạn thương tích và thiếu các sân chơi cho trẻ em. 

Lắng nghe trẻ em nói.
Lắng nghe trẻ em nói.

“Hiện nay ở nơi chúng cháu sinh sống đang xảy ra tình trạng tảo hôn ngày càng nhiều. Người lớn và trẻ em đều biết việc làm đó là trái quy định của pháp luật, tuy nhiên tình trạng đó vẫn tiếp tục xảy ra. Vậy các bác lãnh đạo phải có chính sách và biện pháp nghiêm khắc hơn để giải quyết tình trạng tảo hôn trên không ạ?” - em Hồ Thị Hữu ở huyện Hướng Hóa, Quảng Trị hỏi. 

Quan tâm đến vấn nạn bạo lực học đường, em Đỗ Hoàn Gia Trí ở thành phố Đông Hà đặt câu hỏi: “Hiện tại những vụ bạo lực học đường xảy ra rất nhiều, nghiêm trọng và ngày càng phổ biến tại các trường học. Các bác có kế hoạch, biện pháp như thế nào để hạn chế tình trạng bạo lực ở học đường không ạ?”.

Đến từ huyện Đakrông xa xôi, em gái người dân tộc Pako Hồ Thị Vai cho biết ở nơi em sinh sống xảy ra hiện tượng các bạn nam có hành vi quấy rối tình dục đối với các bạn nữ khiến cho các bạn nữ cảm thấy sợ hãi và xấu hổ nhưng lại không dám nói với ai. “Theo Điều 25 Luật Trẻ em thì trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục. Cho cháu hỏi chúng cháu nên làm gì để bảo vệ mình khi gặp các trường hợp đó?”.

Quan tâm đến quyền được vui chơi, giải trí của trẻ em, một em gái khác đến từ huyện Đakrông Hồ Thị Thang nhận xét vì điều kiện kinh tế khó khăn nên nơi các em sinh sống không có điều kiện để được vui chơi, giải trí tại các khu vui chơi dành cho thiếu nhi. Em Hồ Thị Thang muốn biết, liệu có thể tạo điều kiện, quan tâm xây dựng nhiều sân chơi cho trẻ em ở vùng cao để các em có thể vui chơi như các bạn bè khác được không…

Chúng em thấy, chúng em bàn

Là điều có thể thường xuyên thấy tại Hội đồng Trẻ em (HĐTE) – một mô hình thí điểm giai đoạn 2017 – 2020 được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành lập theo tinh thần Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 – 2020, đồng thời nhằm thực hiện Luật Trẻ em và thực hiện có hiệu quả việc phát huy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em.  

TP HCM là đơn vị đầu tiên của cả nước chính thức ra mắt HĐTE và tổ chức kỳ họp lần thứ nhất vào ngày 22/6/2017. HĐTE TP HCM gồm 55 đại biểu trẻ em thuộc nhiều đối tượng, lĩnh vực có thành tích học tập tốt, đạo đức tốt, tài năng trẻ… được bình chọn từ các đơn vị cơ sở. HĐTE họp mỗi năm hai lần với từng chủ đề riêng cho từng kỳ họp. Ở kỳ họp đầu tiên ngày 22/6/2017, các thành viên cùng trao đổi xoay quanh chủ đề “Thành phố tương lai của em”. Nhiều nhóm vấn đề đã được các đại biểu HĐTE nêu lên tại kỳ họp thứ nhất cũng là nỗi bức xúc của người dân TP HCM hiện nay như: Tình trạng kẹt xe, ngập nước, rác thải ô nhiễm môi trường, phương tiện giao thông công cộng chưa đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, chưa đáp ứng kỳ vọng của người sử dụng…

Thông điệp Diễn đàn trẻ em 2019 được trao cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành.
Thông điệp Diễn đàn trẻ em 2019 được trao cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành.

Em Đồng Vân Anh cho rằng không chỉ phân loại rác đầu nguồn mà còn phải phân loại rác cuối nguồn. “Chúng ta khuyến khích phân loại rác đầu nguồn nhưng lại thu gom chung trên một xe rác thì có khác gì chưa phân loại” - Vân Anh nêu ý kiến. Độc đáo hơn, các em còn nêu ý kiến cho phép các bạn nhỏ tham gia quét dọn rác để thấu hiểu nỗi vất vả của công nhân vệ sinh, để từ đó tự ý thức không xả rác bừa bãi.

Bên cạnh đó, các em còn nêu ra những vấn đề rất trẻ em, rất thiếu nhi như: Sân chơi, nhà sách, cha mẹ hạn chế mắng mỏ, so sánh… Em Linh Đan phát biểu: “Chúng em muốn có một nhà sách ở huyện Cần Giờ vì ít khi có điều kiện lên thành phố mua sách. Trước đây Cần Giờ đã từng có nhà sách nhưng hiện đã dẹp rồi và vị trí này giờ trở thành tiệm game”…

Đừng để lời kêu gọi chỉ ở trên giấy

Qua hai ví dụ trên có thể thấy, trẻ em không ngây thơ, ham ăn, ham ngủ như người lớn vẫn nghĩ. Ngược lại các em cũng có nhận thức xã hội, cũng có nhu cầu bày tỏ những vướng mắc, muốn tham gia, đóng góp, xây dựng để cuộc sống tốt đẹp hơn. Được biết, tính từ ngày thành lập đến nay, HĐTE TP HCM đã có 6 kỳ họp với chủ đề riêng cho mỗi kỳ. Những chủ đề này do chính các đại biểu hội đồng chọn dựa trên tỉ lệ phần trăm lĩnh vực trẻ em bình chọn sau khi kết thúc kỳ họp lần này và chuẩn bị chủ đề cho kỳ họp lần tiếp theo. Chủ đề các kỳ họp đã qua phong phú và rất thời sự: Ô nhiễm môi trường, học lịch sử, phòng chống bạo hành trẻ em, hoạt động văn hóa cho trẻ... 

Ngày 17/8/2019 diễn ra phiên đối thoại của Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 6 với chủ đề “Trẻ em với các vấn đề về trẻ em”. Trong suốt phiên đối thoại, 169 em nhỏ cùng trao đổi các nhóm vấn đề: Phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; an toàn trên môi trường mạng; giáo dục đạo đức lối sống và kỹ năng sống cho trẻ em.

Từ góc nhìn của mình, các em đã thẳng thắn đưa ra các giải pháp xử lý. Ví dụ việc đề xuất đưa ra mô hình hồ bơi di động để mở rộng điều kiện dạy và học bơi cho trẻ em khắp mọi miền. Hay như việc trẻ em mong muốn bố mẹ trở thành tấm gương cho con cái học hỏi, để trẻ em không phải phân vân sao bố mẹ cấm con dùng smartphone mà bố mẹ vẫn dùng mỗi tối ở nhà. Các em tham gia diễn đàn cũng bày tỏ về yêu cầu không được kỳ thị đối với trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục, vì đó không phải là lỗi của trẻ em…

Các em quan tâm như thế, vậy trách nhiệm của người lớn là gì? Tại phiên đối thoại của Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết đã tiếp thu các khuyến nghị, thông điệp của các bạn trẻ đưa ra tại diễn đàn và tổ chức thực hiện các khuyến nghị đó là trách nhiệm của tất cả mọi người. “Hãy bằng việc làm thật cụ thể, thiết thực, đừng để lời kêu gọi thông điệp chỉ ở hội nghị, chỉ ở trên giấy mà hãy đi vào cuộc sống” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà mong muốn thông qua diễn đàn, các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, gia đình, nhà trường, cộng đồng tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn Luật Trẻ em và các Nghị định, Chỉ thị, Đề án của Chính phủ trong việc cụ thể hóa thực hiện Luật Trẻ em. Bộ LĐ-TB&XH tổng hợp các ý kiến, khuyến nghị của trẻ em tại Diễn đàn trẻ em quốc gia và Diễn đàn trẻ em các địa phương; cùng phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức có liên quan xem xét, giải quyết trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án liên quan tới trẻ em, đặc biệt cho giai đoạn 2021 – 2025 và đến năm 2030.

Cuối tháng 1/2021 đã diễn ra hội nghị tổng kết triển khai thí điểm mô hình HĐTE giai đoạn 2017 – 2020.  Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH nhận định mô hình HĐTE đã thành công vượt hơn cả mong đợi. Ban đầu chỉ chọn thực hiện thí điểm tại 5 tỉnh, nhưng nay bên cạnh TP HCM là đơn vị ra mắt và đi vào hoạt động HĐTE đầu tiên của cả nước thì sau 3 năm triển khai cả nước đã xây dựng được 14 mô hình HĐTE cấp tỉnh và 17 mô hình HĐTE cấp huyện.

Mô hình HĐTE đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng; tạo cơ hội, môi trường, diễn đàn để trẻ em được phát huy quyền tham gia đến các vấn đề liên quan đến trẻ em. 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.