Thiên tai nặng nề
Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) nói rằng đây lần đầu tiên, toàn ngành nông nghiệp không có tăng trưởng trong 6 tháng. Theo đó, 6 tháng qua, đóng góp của lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đã giảm 0,18%, trong đó riêng nông nghiệp giảm tới 0,78%. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 397.400 tỷ đồng, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, trong thời gian này, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng từ tình hình xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hạn hán gay gắt xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Nhóm nguyên nhân này đã làm nhiều diện tích gieo trồng không thể sản xuất do thiếu nước. Thống kê cho thấy, sản xuất trồng trọt bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, dẫn đến tăng trưởng giảm. Vụ lúa Đông Xuân, cả nước đạt 19,37 triệu tấn, giảm 1,326 triệu tấn (-6,4%) so với vụ Đông Xuân năm 2015; riêng ĐBSCL giảm 1,14 triệu tấn so với cùng kỳ (-10,2%).
Bên cạnh đó, các loại cây trồng ngắn ngày cũng có diện tích và sản lượng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Các loại cây công nghiệp dài ngày, chủ yếu tập trung thâm canh diện tích sẵn có, trồng mới không nhiều; tập trung trồng tái canh cây cà phê, cải tạo vườn điều, vườn cao su.
Ngoài ra, sự cố cá chết bất thường ở các tỉnh ven biển miền Trung… cũng được cho là nguyên nhân tác động mạnh đến kết quả hoạt động và thực hiện kế hoạch của ngành nông nghiệp.
Dồn lực kéo tăng trưởng
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, nhưng 6 tháng qua nhờ tập trung thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và khuyến khích tiêu dùng trong nước nên xuất khẩu vẫn duy trì được đà tăng trưởng.
Trước thực trạng lần đầu tiên ngành Nông nghiệp không có tăng trưởng trong 6 tháng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu 6 tháng còn lại phải thực hiện các giải pháp đồng bộ để sản xuất nông nghiệp có khả năng cạnh tranh cao hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn gắn với xây dựng nông thôn mới. Các lĩnh vực cần tận dụng mọi khả năng để phục hồi, duy trì tăng trưởng sản xuất, triển khai có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
“Trong chỉ đạo điều hành phải luôn sâu sát, quyết liệt, đặc biệt lưu ý luôn thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ quản lý nhà nước, trong đó chú trọng xây dựng, triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách, nhất là các cơ chế chính sách có tính chất động lực. Chỉ đạo giải quyết các vấn đề tình thế nhưng cũng phải chú ý đến vấn đề dài hạn, phương châm là suy nghĩ chiến lược, hành động cụ thể”, Bộ trưởng Phát nhấn mạnh.