Làm gì để tránh xây luật “trên trời”?

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet
(PLO) - Làm rõ việc tiếp thu các ý kiến, phản hồi, phản biện của người dân; mời các chuyên gia có uy tín tham gia đóng góp ý kiến; đổi mới tư duy và quy trình làm luật… là những đề xuất được đưa ra nhằm chấm dứt tình trạng xây dựng luật xa rời thực tế, “luật trên trời mà cuộc đời ở dưới đất”.

Làm luật chưa chú trọng tới tính hợp lý, khả thi

Thông tin tại Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật và cải cách tư pháp” do Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức mới đây, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội Lê Văn Tâng cho biết, từ tháng 6/2016 đến tháng 8/2017, chính quyền thành phố đã ban hành 117 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Hội đồng nhân dân thành phố ban hành 30 nghị quyết, UBND thành phố ban hành 87 quyết định. Các văn bản này được ban hành phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý của thành phố, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản khi được ban hành.

Báo cáo khẳng định quy trình xây dựng và ban hành đã được các sở, ban, ngành được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản thực hiện đúng các quy định về lấy ý kiến góp ý của các cá nhân và tổ chức chịu tác động, ý kiến thẩm định của cơ quan tư pháp trước khi trình UBND thành phố. Đối với các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chế độ, chính sách có tác động đến quyền và lợi ích của nhân dân, mang tính nhạy cảm cao như Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, UBND thành phố đã quan tâm lấy ý kiến rộng rãi bằng nhiều hình thức phù hợp và Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội tổ chức phản biện xã hội.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng thừa nhận chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở một số sở, ngành còn hạn chế đã ảnh hưởng tới chất lượng dự  thảo văn bản. Bên cạnh đó, chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật dù đã được nâng cao nhưng tinh thần và nội dung thẩm định vẫn còn nặng về tính pháp lý, một số trường hợp chưa chú trọng đúng mức đến tính khả thi, tính hợp lý của các quy định trong dự thảo văn bản. Đối với việc lấy ý kiến góp ý vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, theo báo cáo, các cá nhân, tổ chức là đối tượng chịu sự tác động lại chưa quan tâm góp ý. Báo cáo cũng thừa nhận chưa có cơ chế huy động hiệu quả trí tuệ của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý hay các luật sư có uy tín tham gia vào quá trình nghiên cứu, soạn thảo và thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật.

Tại sao “luật trên trời, cuộc đời ở dưới đất?”

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Tô Văn Hòa, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, trong những năm gần đây, hoạt động xây dựng pháp luật ở nước ta có sự đổi mới, chất lượng được nâng cao, công tác cải cách tư pháp cũng đã có khởi sắc và đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng vẫn còn có rất nhiều vấn đề cần phải làm để nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật và cải cách tư pháp. Điều này thể hiện ở việc trong xã hội vẫn có nhiều bức xúc. “Cảm nhận đầu tiên của tôi là vai trò của pháp luật trong xã hội hiện nay đang gặp nhiều vấn đề, không được đề cao. Trong đó, nhiều biểu hiện “tự xử” của người dân cho thấy người dân chưa thật sự tin tưởng vào sự bảo vệ của pháp luật”, ông Hòa nhận xét. 

TS. Tô Văn Hòa cho rằng, nói đến xây dựng pháp luật hiện nay người ta mới chỉ nghĩ đến công tác xây dựng pháp luật chứ không phải xây dựng pháp luật để quản trị xã hội, quản trị nhà nước, tạo yếu tố để duy trì trật tự, hòa bình, ổn định, yên bình trong xã hội. Bên cạnh đó, qua nghiên cứu, ông nhận thấy các bộ luật “có vẻ như mang tính chất hướng dẫn cho cơ quan nhà nước làm công việc của mình nhiều hơn là cụ thể hóa quyền, nêu rõ trong lĩnh vực đó quyền của người dân theo Hiến pháp được thực hiện ra sao”. Do đó, theo ông, cần có cách tiếp cận mới trong xây dựng chính sách, phải làm sao để đưa được cách tiếp cận quyền của người dân vào công tác này.

Về phía QH, ông Hòa cho rằng cần đề cao vai trò lập pháp của QH, QH phải có trách nhiệm chính trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật. “QH làm luật không có nghĩa là ngồi viết ra luật hay góp ý từng điều, từng khoản cụ thể mà QH xem xét, đánh giá sự lựa chọn chính sách điều chỉnh của cơ quan soạn thảo có hợp lý hay không”, TS Tô Văn Hòa nêu quan điểm.

GS.TS Nguyễn Đăng Dung, nguyên Trưởng Bộ môn Luật Hành chính Hiến pháp, Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng nếu cứ tiếp cận việc xây dựng pháp luật như hiện nay thì chúng ta có hệ thống pháp luật rất xấu. “Tôi từng phát biểu “luật trên trời mà cuộc đời ở dưới đất” là vì chúng ta làm luật thoát ly với thực tế. Bên cạnh đó, quy định thể hiện rõ trách nhiệm của các bộ, ban ngành trong việc soạn luật là không có. Cần có cách tiếp cận mới và học tập thế giới trong cách làm luật”, ông Dung nhấn mạnh. 

Ngoài ra, thảo luận tại phiên họp, một số đại biểu cũng tỏ ra không đồng tình với thực tế xây dựng luật không trên nền tảng đạo luật cũ đang có. Các đại biểu cho rằng, thay vì mỗi lần sửa luật là sửa đổi gần như hoàn toàn bộ luật cũ, sửa cả những quy định không cần sửa như thực tế xây dựng một số đạo luật hiện nay thay cần giữ nguyên những quy định còn đúng và chỉ sửa những quy định cần sửa để đảm bảo tính ổn định của luật. Do đó, các ý kiến này đề nghị đổi mới tư duy và quy trình làm luật, cử người theo dõi suốt quá trình làm luật để nâng cao chất lượng các luật ở nước ta. 

Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội: Hệ thống pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo

“Nhiều nhiệm kỳ gần đây, mỗi nhiệm kỳ QH thông qua khoảng 100 luật và pháp lệnh. Các đạo luật được ban hành nói chung đã phát huy tác dụng trong đời sống, điều chỉnh các mối quan hệ ngày càng phong phú, phức tạp của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với việc hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp đã được tập trung đẩy mạnh, hướng tới một nền tư pháp công bằng, dân chủ và hiện đại đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. 

Tuy nhiên, so với yêu cầu của hệ thống pháp luật, hiệu quả cải cách tư pháp của nước ta còn xa với mong đợi của nhân dân và quá trình phát triển. Rõ nhất là hệ thống pháp luật còn thiếu, mâu thuẫn, chồng chéo, nhiều quy định lạc hậu, xa cuộc sống, thậm chí có những quy định cản trở sự phát triển, có những biểu hiện của lợi ích nhóm. Quá trình làm luật còn có những bất cập hoặc không được thực thi theo các quy trình luật định. Luật được ban hành nhưng còn đợi nghị định, thông tư thì mới đi vào cuộc sống hay có những thông tư trái với quy định của luật, bổ sung cả những quy định mà luật không quy định”. 

GS.TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý: Làm rõ việc tiếp thu các ý kiến góp ý văn bản luật

“Trong công tác xây dựng pháp luật, không rõ những ý kiến, phản hồi, phản biện được tiếp thu ra sao, ý kiến nào được chấp nhận? Rõ ràng chúng ta cứ làm, cứ góp ý, cứ phản biện nhưng ban soạn thảo vẫn vậy, không thay đổi. Vậy góp ý có vô thưởng vô phạt không? Cần làm rõ vấn đề này”.

TS. Nguyễn Văn Huyên – nguyên Phó Giám đốc Học viện Tư pháp: Chú ý huy động những ý kiến thiết thực và công minh

“Nhiều luật hiện nay tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước quá nhiều. Vì thế, cần phải đổi mới tư duy làm luật, trước hết là người được giao xây dựng pháp luật, sau đó là ĐBQH, cần phải làm luật theo hướng làm sao để đảm bảo quyền lợi của đa số dân chứ không theo hướng tạo thuận lợi về cơ quan nhà nước còn nghĩa vụ chấp hành thuộc về nhân dân. Giải pháp đề ra ở đây là phải phát huy vai trò lập pháp, các sáng kiến lập pháp của ĐBQH. Bên cạnh đó, cần hết sức chú ý việc đưa vào các ban soạn thảo những người hoạt động trong ngành mà luật điều chỉnh và mở rộng ra những nhà khoa học để họ đưa ra những ý kiến thiết thực và công minh. Trong quá trình làm luật, ban soạn thảo cần hết sức tôn trọng, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân. Khi giải trình phải mời những cơ quan, cá nhân tham gia góp ý những ý kiến xác đáng đến để họ tiếp tục phản biện”.

Phó trưởng Ban Dân nguyện QH Đỗ Văn Đương: Luật có cả rừng nhưng dân vẫn hành xử theo “luật rừng”

“Quy trình xây dựng pháp luật và chất lượng xây dựng pháp luật hiện nay thực sự có vấn đề. Pháp luật thường xuyên thay đổi thì tính ổn định của xã hội cũng thay đổi nhiều. Ví dụ, trong lĩnh vực đất đai, cứ mỗi lần thay đổi thì khiếu kiện lại nhiều thêm, càng thu hồi nhiều thì càng khiếu kiện nhiều. Điều đó đặt ra câu hỏi về cả chất lượng pháp luật lẫn việc tổ chức thi hành pháp luật không nghiêm túc, dẫn đến ý kiến cho rằng mình có cả rừng luật nhưng dân hành xử theo “luật rừng”. 

Việc viết các điều luật phải là chuyên gia vì cái gì tập thể là “cha chung không ai khóc”. Quốc hội mà còn để các bộ, ngành soạn luật thì rất nguy hiểm, nhất là các vấn đề về kinh tế. Trước đây các bộ, ngành soạn luật phải chịu trách nhiệm đến cùng nhưng hiện nay quy trình làm luật đang bị cắt khúc, Chính phủ trình dự án luật xong là xong, sau đó, QH tiến hành thẩm tra, tức “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Các quy trình khác như báo cáo đánh giá tác động, tiếp thu ý kiến… cũng mới chỉ là hình thức, khi không gắn được với trách nhiệm”.

Đọc thêm

Hà Nội: Những bước tiến lớn trong cải cách hành chính

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải chia sẻ về cải cách hành chính.
(PLVN) - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải chia sẻ, một trong những vấn đề rất quan trọng trong cải cách hành chính là, xác định nhận thức với một tâm thế, tinh thần, tư tưởng phục vụ, điều này đã lan tỏa từ người đứng đầu xuống đến hệ thống, xuống đến cán bộ bên dưới. 

Trưởng Văn phòng luật sư Hạnh Nguyễn: Nỗ lực bảo vệ trẻ em, phụ nữ bị xâm hại, bạo hành

Luật sư Nguyễn Thị Bích Hạnh, Trưởng Văn phòng luật sư Hạnh Nguyễn.
(PLVN) - Trên con đường thực hiện ước mơ của mình, luật sư Nguyễn Thị Bích Hạnh, Trưởng Văn phòng Luật sư Hạnh Nguyễn luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình. Có những vụ án, dù đã “đóng sổ” song luật sư Hạnh vẫn là chỗ dựa tinh thần, là “người mẹ”, giúp đứa trẻ bị tổn thương “chữa lành”.

"Bạn xứng đáng được an toàn và hạnh phúc”

"Bạn xứng đáng được an toàn và hạnh phúc”
(PLVN) - Hơn 20 năm làm luật sư, cơ duyên của nghề đã đưa tôi đến với nhiều thân chủ là phụ nữ. Mỗi người có cuộc đời và hoàn cảnh khác nhau, nhưng chung một nỗi đau từ sự bạo hành trong hôn nhân

Sự việc hộ dân mở lối đi thứ 2 tại Hà Nội: Huyện ủy Gia Lâm giao UBND huyện xác minh, giải quyết

Sự việc hộ dân mở lối đi thứ 2 tại Hà Nội: Huyện ủy Gia Lâm giao UBND huyện xác minh, giải quyết
(PLVN) - Mới đây, Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) có bài phản ánh việc ông Nguyễn Xuân Hoa và Nguyễn Xuân Nho (ngụ số 4, số 6 ngách 8/74 đường Dương Đình, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) có đơn phản ánh về việc mới đây một cá nhân ngụ hẻm 8/64/1 Dương Đình đã đập tường phía sau nhà cũ, mở lối đi vào ngách 8/74 đường Dương Đình có dấu hiệu chưa phù hợp quy định.

UBND phường Thảo Điền (Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) trả lời một số phản ánh của cư dân chung cư Thảo Điền Pearl

Chung cư Thảo Điền Pearl. (Ảnh trong bài: Trần Tiến)
(PLVN) - Báo PLVN vừa nhận được Văn bản 750/UBND của UBND phường Thảo Điền (Thủ Đức, TP HCM) đề ngày 18/10/2024 trả lời một số vấn đề xảy ra tại chung cư Thảo Điền Pearl (số 12 đường Quốc Hương; do Cty CP Địa ốc và Xây dựng SSG2 làm chủ đầu tư (CĐT)). Tại chung cư này, thời gian qua giữa Cty SSG2, Ban quản trị tòa nhà (BQT) và cư dân đã phát sinh một số bất đồng, mâu thuẫn cần giải quyết.

Dự án 307 tỷ đồng xây xong rồi “nằm chờ” giấy phép môi trường ở Quảng Nam: “Bác” đề nghị gia hạn

Dự án 307 tỷ đồng xây xong rồi “nằm chờ” giấy phép môi trường ở Quảng Nam: “Bác” đề nghị gia hạn
(PLVN) - Theo Bộ KH&ĐT, việc UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục xin gia hạn thời gian thực hiện dự án Hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Núi Thành (dự án vốn vay ODA) đến năm 2025 là không có cơ sở. Tỉnh cần làm rõ nguyên nhân không hoàn thành đúng tiến độ, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong phối hợp thực hiện.