Vẫn còn văn bản trái nội dung, thẩm quyền ban hành
Trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ triển khai thi hành Hiến pháp trong năm 2017 tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, công tác triển khai thi hành Hiến pháp trong 8 tháng năm 2017 đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao và được các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc. Công tác tuyên truyền, phổ biến các đạo luật được tiến hành kịp thời, khẩn trương và sâu rộng trong phạm vi cả nước, qua đó tuyên truyền quy định nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Trong năm 2017, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đặt công tác xây dựng pháp luật là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các bộ, ngành đã tích cực hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua 13/14 dự án luật, nghị quyết, cho ý kiến đối với 5/5 dự án khác, trong đó có nhiều dự án liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, như: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Công tác xây dựng pháp luật đã gắn kết hơn với công tác thi hành pháp luật, tập trung vào một đầu mối là tổ chức pháp chế, góp phần rút ngắn quy trình ban hành văn bản, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Số văn bản nợ ban hành đã giảm 22 văn bản so với cùng kỳ năm 2016.
Thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Báo cáo của Chính phủ đã cơ bản phản ánh được thực trạng tình hình triển khai thi hành Hiến pháp trong 8 tháng năm 2017. Các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết do Chính phủ trình cơ bản đều bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, chất lượng ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Công tác ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết có những chuyển biến rõ rệt.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng chỉ ra một số mặt tồn tại hạn chế chưa được khắc phục. Đó là nhiều vấn đề cần được Chính phủ lưu ý, rút kinh nghiệm như: tình trạng thường xuyên không thực hiện đúng, không hoàn thành Chương trình chưa được khắc phục, Chương trình phải điều chỉnh quá nhiều trong thời gian ngắn. Tình trạng văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành, văn bản sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày vẫn còn nhiều…
Chú ý vấn đề tổng kết thực tiễn
Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cần làm rõ một số hạn chế thời gian qua để có hướng khắc phục. Đó là tình trạng một số nội dung đã có chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị hay trong luật đã quy định nhưng khi làm các luật còn khúc mắc vẫn làm khác. “Vẫn còn tình trạng luật sinh ra nhiều thủ tục, sinh thêm nhiều bộ máy. Có một số luật chưa được tổng kết, đánh giá nhưng vẫn cố đưa vào. Ví dụ: Luật Thủy sản, nghị định về lực lượng kiểm ngư đã có nhưng chưa sơ kết, tổng kết gì mà Ban soạn thảo vẫn khăng khăng đưa vào khi làm luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ dẫn chứng. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra rằng một số Ủy ban hiện vẫn còn nể nang trong việc thẩm định. Một số dự án luật không đạt yêu cầu vẫn trình.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Lê Thị Nga cho rằng cả Ủy ban thẩm tra cũng có dấu hiệu nể nang, không rõ chính kiến gây khó cho UBTVQH khi xem xét. “Nên kiên quyết trả các dự án luật không đảm bảo chất lượng”, bà Nga nói. Theo bà Nga, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này là do chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều quy trình thủ tục còn hình thức, chủ quan nhất là tổng kết thực tiễn và đánh giá tác động của văn bản pháp luật. “Nếu xem kỹ các luật trình UBTVQH và dò các luật thì việc tổng kết thực tiễn có nhiều vấn đề như tổng kết thực tiễn được trình lên mà Bộ trưởng không ký, không đóng dấu hay còn có vấn đề nội dung tổng kết một đường, sửa luật một nẻo. Mà tổng kết này cực kỳ quan trọng trong vấn đề làm luật”, bà Nga nêu quan điểm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chỉ ra rằng, thời gian qua, nhiều dự thảo luật không có tổng kết, tổng kết không đầy đủ, không bảo đảm hồ sơ theo yêu cầu của luật định, đánh giá tác động chủ quan, đánh giá theo hướng mình chọn, kỷ luật, kỷ cương trong quá trình soạn thảo không bảo đảm dẫn đến chất lượng dự án luật không cao. Vì vậy, theo bà Nga, cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới để hoàn thiện quy trình xây dựng luật, pháp lệnh khắc phục những bất cập hiện nay, xác định rõ thiết kế tổng thể hệ thống pháp luật, kiểm soát tính ổn định của hệ thống pháp luật.