Khởi nguồn từ lòng dân, vì Nhân dân phục vụ
Ngày 22/12/1944 là một cột mốc quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chính thức ra đời tại khu rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân gồm 34 chiến sĩ, biên chế thành 3 tiểu đội, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy được trang bị vũ khí thô sơ nhưng mang trong mình ý chí quyết tâm cao độ. Đây không chỉ là sự kiện đánh dấu sự ra đời của một lực lượng vũ trang cách mạng mà còn là khởi đầu của QĐND Việt Nam - một đội quân từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh quan điểm xây dựng quân đội cách mạng lấy chính trị làm nền tảng, đặt yếu tố con người lên trên hết, với tư tưởng “người trước, súng sau”. Quân đội không chỉ có nhiệm vụ chiến đấu mà còn là cầu nối giữa Đảng, Nhân dân và cách mạng, đóng vai trò hạt nhân trong công cuộc kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc. Điều này thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng về việc xây dựng QĐND mang bản chất cách mạng và tinh thần dân tộc.
Từ khi thành lập đến nay, QĐND Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, chiến đấu và trưởng thành, với những chiến công vang dội ghi vào lịch sử dân tộc. Một trong những chiến thắng mang tính biểu tượng là Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, một đội quân nhân dân đã đánh bại đội quân thực dân Pháp hùng mạnh, kết thúc ách đô hộ kéo dài gần một thế kỷ. Chiến thắng này không chỉ làm rạng danh dân tộc mà còn gây tiếng vang lớn trên toàn cầu, được nhân dân thế giới ngợi ca là “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, là nguồn cổ vũ, nguồn cảm hứng mạnh mẽ đối với các nước thuộc địa khác trên thế giới trong công cuộc chống quân xâm lược, giành độc lập.
Tiếp nối tinh thần Điện Biên, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), QĐND Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của một đội quân cách mạng. Đỉnh cao là chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào tháng 4/1975, đưa dân tộc Việt Nam đến ngày toàn thắng, thống nhất đất nước. Đây là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và sự mưu trí, anh dũng của quân đội dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Không chỉ chiến đấu và chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, QĐND Việt Nam còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ biên giới trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở phía Bắc và Tây Nam từ năm 1979 đến những năm tám mươi. Các chiến sĩ không chỉ bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ mà còn thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp Nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng Khmer Đỏ.
Mãi mãi sáng ngời phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ bản chất cách mạng của QĐND Việt Nam là “đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất”. Chính nhờ vào sự gắn bó mật thiết với Nhân dân, mà QĐND Việt Nam đã tạo dựng được sức mạnh vượt trội, trở thành “bức tường thành” bảo vệ đất nước trong mọi tình huống. Tư tưởng “người trước, súng sau” của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ định hướng cho cách xây dựng quân đội mà còn phản ánh sâu sắc quan điểm “lấy dân làm gốc”. Nhờ vậy, QĐND Việt Nam không chỉ là lực lượng chiến đấu mà còn là cầu nối giữa Đảng và Nhân dân, trở thành biểu tượng cho tinh thần đoàn kết dân tộc.
Các chiến sĩ vận chuyển lương thực, thực phẩm đến các khu dân cư trong thời Covid-19. (Ảnh: mattran.org.vn) |
Trong thời kỳ hòa bình, QĐND Việt Nam đã phát huy vai trò đội quân công tác và lao động sản xuất, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là sứ mệnh gắn kết giữa Quân đội với Nhân dân, giữ vững bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Quân đội trong thời bình là tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Điển hình, chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp đã mang lại những thay đổi tích cực trong đời sống người dân. Các đơn vị quân đội đã trực tiếp góp phần xây dựng hàng nghìn cây cầu, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa ở các vùng khó khăn, giúp hàng triệu người dân có điều kiện sống tốt hơn.
Quân đội cũng đóng vai trò chủ lực trong giảm nghèo bền vững thông qua các hoạt động hỗ trợ sản xuất, chuyển giao kỹ thuật canh tác, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả. Tại các vùng biên giới phía Bắc và Tây Nam, các đoàn kinh tế - quốc phòng đã trở thành "cánh tay nối dài" của Đảng và Nhà nước, không chỉ đảm bảo an ninh, ổn định chính trị mà còn nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Những mô hình này góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Quân đội đã đóng vai trò tuyến đầu, thể hiện trách nhiệm cao cả trước những thách thức chưa từng có đối với con người. Các cơ sở cách ly tập trung do quân đội quản lý đã đón nhận hàng triệu người từ vùng dịch trở về. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ không quản khó khăn, hiểm nguy, hy sinh lợi ích cá nhân để đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân. Cùng với đó, các Bệnh viện Dã chiến Quân đội được triển khai nhanh chóng, góp phần kiểm soát tình hình dịch bệnh trong nước. Hình ảnh người lính nhường cơm, sẻ áo, lo từng bữa ăn cho người dân trong các khu cách ly đã để lại ấn tượng sâu sắc, nâng cao niềm tin yêu của Nhân dân đối với Quân đội.
Đặc biệt, khi thiên tai xảy ra, hình ảnh các chiến sĩ Quân đội có mặt tại hiện trường bất kể hiểm nguy, giúp dân sơ tán, cứu hộ và khắc phục hậu quả đã trở thành biểu tượng của lòng tin yêu trong Nhân dân. Hằng năm, Quân đội tham gia hàng nghìn lượt cứu hộ, cứu nạn trên cả nước, từ lũ lụt miền Trung đến sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc. Sự tận tụy của các chiến sĩ không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại mà còn củng cố mối quan hệ quân - dân bền chặt. Gần đây, hình ảnh xúc động người dân Làng Nủ bịn rịn chia tay gần 400 trăm người lính đã không quản gian khổ, nắng mưa, ngày đêm giúp đỡ Nhân dân tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của cơn bão số 3 Yagi càng tô đậm thêm hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” “đi dân nhớ, ở dân thương”.
Bên cạnh các nhiệm vụ kể trên, QĐND Việt Nam vẫn luôn duy trì và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động khó lường, đặc biệt là những xung đột ở Biển Đông vẫn còn hiện hữu, nhiệm vụ này càng trở nên cấp thiết. Quân đội đang được hiện đại hóa toàn diện, từ cơ sở vật chất đến phương thức tác chiến. Các trang bị hiện đại như radar, tên lửa phòng không, tàu ngầm Kilo và máy bay chiến đấu thế hệ mới đã được bổ sung nhằm đảm bảo khả năng phòng thủ hiệu quả. Song song, công tác huấn luyện được đổi mới với phương châm “Cơ bản - Thiết thực - Vững chắc”, kết hợp giữa kinh nghiệm chiến đấu truyền thống và công nghệ hiện đại. QĐND Việt Nam cũng không ngừng nâng cao khả năng tác chiến không gian mạng, xây dựng lực lượng tác chiến điện tử đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại.
Trong những năm gần đây, QĐND Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, khẳng định vai trò, trách nhiệm của Việt Nam đối với an ninh và hòa bình quốc tế. Các sĩ quan Việt Nam đã được cử đến nhiều khu vực xung đột trên thế giới như Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, với vai trò là sĩ quan liên lạc, chuyên gia tham mưu và lực lượng y tế.
Những kết quả đã đạt được trong thời gian qua là nền tảng vững chắc để Quân đội viết tiếp trang sử vẻ vang, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời bình, các chiến sĩ không chỉ là người lính nơi trận địa mà còn là những người bạn, người đồng hành của Nhân dân trên con đường phát triển đất nước. QĐND Việt Nam, với tinh thần “Vì Nhân dân phục vụ”, sẽ tiếp tục là lực lượng nòng cốt, bảo vệ sự bình yên và ổn định của đất nước trong mọi hoàn cảnh.