Ngày 16/4, tại Cần Thơ đã diễn ra Tọa đàm “Thị trường nào cho bánh dân gian?”. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các Ban, ngành, đoàn thể TP Cần Thơ, đông đảo các nghệ nhân làm bánh, các doanh nghiệp tham gia Lễ hội bánh dân gian lần 8.
Xây dựng “bản đồ bánh dân gian Nam bộ”
Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ 8 diễn ra tại Cần Thơ thu hút hàng trăm nghìn lượt khách ở khắp các tỉnh, thành đến tham dự, trải nghiệm và thưởng thức. Để một thương hiệu bánh dân gian phát triển cần 3 yếu tố: Tinh thần, hay còn gọi là “hồn” của chiếc bánh; Kỹ thuật làm và bảo quản bánh; yếu tố thị trường.
Tuy nhiên, do đặc điểm nhiều loại bánh dân gian có nguyên liệu tươi, chế biến thủ công, không sử dụng chất bảo quản… nên việc tiêu thụ các sản phẩm độc đáo này phần lớn chỉ thu hẹp ở thị trường nhỏ lẻ, ngắn ngày.
Ông Đoàn Hữu Đức, Phó Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Việt Nam cho biết, bánh dân gian len lỏi từ miền quê sông nước đến hang cùng ngõ hẻm mọi đô thị. Bánh dân gian là một phần của ẩm thực đường phố Việt Nam, là điểm đến của các tour tuyến du lịch, ngoài phong cảnh và công trình văn hóa.
Tọa đàm tìm “lối đi” cho bánh dân gian Nam Bộ |
Theo ông Đức, siêu thị chỉ là “sân chơi” của các nhà công nghiệp, việc phát triển bánh dân gian cần quan tâm đến phần “hồn” chiếc bánh. Người dân cần được hỗ trợ và bồi dưỡng kiến thức kinh doanh và kỹ thuật cần thiết để họ tự thành công”, ông Đức đề nghị.
Trong khi đó, ông Vũ Thống Nhất, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ cho biết, vấn đề “thật, giả” của các loại bánh dân gian là điều khó tránh khỏi. Vậy nên, cần nhận diện, chọn lọc, phân loại, tìm ra những loại bánh tiềm năng đưa ra thị trường, sau đó hỗ trợ những cơ sở này định danh thành thương hiệu vững vàng.
Ông Nhất đề nghị, chọn ra 2-3 “địa chỉ đỏ” đạt các tiêu chí từ một Hội đồng có chuyên môn, uy tín để trao bằng công nhận và gắn biển ngay tại cơ sở sản xuất sẽ góp phần xây dựng được “Bản đồ bánh dân gian Nam Bộ”. “Chắc chắn, bánh dân gian Nam bộ sẽ đi xa hơn nếu mọi người đồng lòng chăm sóc”, ông Vũ Thống Nhất tin tưởng.
Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ 8 diễn ra tại Cần Thơ thu hút hàng trăm nghìn lượt người đến trải nghiệm và thưởng sức chứng tỏ bánh dân gian rất có “sức hút” đối với người dân |
Hướng đến mở rộng thị trường và xuất khẩu ra nước ngoài
Bàn về “lối vào” của bánh dân gian trong hệ thống các siêu thị, bà Nguyễn Kim Cương, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opMart Cần Thơ cho biết, hiện siêu thị đã và đang kinh doanh một số loại bánh dân gian Nam bộ đặc trưng như: bánh chuối, bánh mặn, bánh bò, bánh da lợn, bánh bột bán… thu hút được lượng khách hàng nhất định.
“Cần tạo ra nhiều sân chơi không chỉ quảng bá các loại bánh dân gian Nam bộ mà còn là nơi để các nghệ nhân chia sẻ kinh nghiệm trong nghề, nhằm đưa các sản phẩm bánh dân gian Nam bộ từng bước tiếp cận, phát triển ra khu vực, xuất khẩu ra các quốc gia lân cận”, bà Cương nhấn mạnh.
Theo bà Cương, tiêu chuẩn đưa bánh vào siêu thị đơn giản chứ không rắc rối. Quan trọng là xác định cung đường vận chuyển như thế nào để đảm bảo chất lượng bánh.
Điều đáng quan ngại là bánh dân gian chỉ phục vụ thị trường nhỏ lẻ chưa “vươn ra biển lớn”. |
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, có rất nhiều mong muốn lẫn rào cản khiến bánh dân gian khó phát triển xa hơn, rộng hơn. Theo ông Toại, thị trường bánh dân gian nội địa rất mạnh, nhưng xuất khẩu yếu. Hiện nay, bánh dân gian có xuất hiện ở thị trường nước ngoài, tuy nhiên không phải Việt Nam xuất khẩu sang mà do bà con sản xuất tại chỗ.
“Những người làm bánh cần chú ý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, chúng ta cần thay đổi tập quán về vệ sinh an toàn thực phẩm nếu muốn tiếp cận khách nước ngoài hay xuất khẩu; để chinh phục nhiều khách hàng hơn cần chú ý về khẩu vị, chẳng hạn bánh ở Cần Thơ quá ngọt, trong bối cảnh mọi người đang hướng đến xu hướng ăn uống lành mạnh”, ông Toại nói.
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ:
“Bánh dân gian của chúng ta có thể đến quốc tế, nhưng phải kèm theo yếu tố con người. Chúng cần tính toán xây dựng một chuỗi khép kín từ xây dựng, đào tạo con người, đến việc tính toán về nguyên liệu, thị trường… phục vụ việc đưa chiếc bánh dân gian đi xa”.
Nghệ nhân Phan Kim Ngân (Bảy Muôn) - người biết làm 50 loại bánh dân gian Nam bộ:
“Tôi theo nghề bánh từ truyền thống gia đình, tiệm bánh của tôi được khách ưu ái yêu thích vì chiếc bánh đậm đà, mang đúng hương vị ngày xưa. Khách nhắn nhủ hãy luôn cố gắng giữ nguyên chất liệu và hương vị này. Vì vậy tôi và các hộ gia đình ở Cồn Sơn đang tính mở “Phiên chợ bánh dân gian” ở Cồn Sơn. Tôi mong muốn địa phương hỗ trợ thêm về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tìm đầu ra và quảng bá sản phẩm”.
Nghệ nhân Trương Thị Chiều:
“Muốn đi xa hơn trong thị trường bánh dân gian, tôi nghĩ cần giữ được hồn quê, đồng tâm hiệp lực giữ hồn quê hương từ chiếc bánh. Điều quan trọng là bánh làm bằng tay nhưng vẫn phải giữ được vệ sinh, giữ được đúng hương vị truyền thống của chiếc bánh. Cuối cùng, tôi nghĩ rằng nếu có tâm huyết và tình cảm thì chiếc bánh dân gian miền Nam sẽ ngày càng đi xa hơn”.