Đột phá nhờ đẩy mạnh dứng dụng công nghệ
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã trải qua 16 năm hình thành và phát triển nhanh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; thu hút được nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau, hoa.
Cùng với các ngành dịch vụ đầu vào vật tư nông nghiệp, công nghệ, trang thiết bị phục vụ sản xuất và đầu ra cho sản phẩm đã tạo nên một ngành nông nghiệp ngày càng hiện đại về công nghệ ứng dụng, phát triển theo cách tiếp cận đa ngành tạo nên chuỗi giá trị và có thương hiệu của tỉnh.
Bên cạnh nhà lưới, nhà kính, tưới nước tiết kiệm, đã ứng dụng công nghệ sinh học vào tạo giống, chọn giống, công nghệ xử lý điều tiết môi trường, công nghệ thủy canh. Nhiều mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ đạt hiệu quả cao với doanh thu 1 - 3 tỷ đồng/ha/năm.
Các công nghệ tiên tiến như công nghệ giống của các nước Âu, Mỹ, Nhật, công nghệ tưới của Israel, quy trình canh tác hiện đại, cơ giới hóa trong sản xuất, công nghệ sau thu hoạch đã được áp dụng phổ biến.
Toàn tỉnh đã có 173 HTX nông nghiệp, 249 tổ hợp tác, 949 trang trại sản xuất nông nghiệp, hình thành nên các vùng chuyên canh có quy mô sản xuất lớn, tập trung; thu nhập của người nông dân tăng lên, góp phần xây dựng nông thôn mới, đưa xuất khẩu nông sản chiếm 80% tổng giá trị xuất khẩu của cả tỉnh.
Từ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị, năng suất và giá trị nông sản tăng từ 30 - 50% so với sản xuất thông thường; cho thu nhập bình quân từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/ha/năm, có những mô hình điển hình đạt đến 5 tỷ đồng/ha/năm. Hiện tại giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng đạt giá trị cao nhất so với cả nước.
ứng dụng công nghệ cao vào trồng ớt chuông tại Lâm Đồng. |
Trên thành quả phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Lâm Đồng không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp đưa nền nông nghiệp phát triển thêm một bước mới - Nông nghiệp thông minh.
Thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã đầu tư đồng bộ các thiết bị để phát triển nông nghiệp thông minh 4.0. Đã mở rộng quy mô ứng dụng đồng bộ hóa công nghệ cao gắn với kết nối Internet vạn vật (IoT) trong quản lý sản xuất tại các doanh nghiệp, HTX, trang trại; tưới tự động gần 16 ngàn ha; công nghệ canh tác rau thủy canh tăng nhanh từ 1 ha năm 2015, đến nay hơn 80 ha.
Hiện toàn Lâm Đồng tỉnh đã có 21 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ IoT, big data, Blockchain, gắn camera theo dõi sự sinh trưởng của cây; các loại thiết bị cảm biến môi trường, nhà kính có hệ thống tự động điều chỉnh, hệ thống cảm biến kết nối máy tính, điện thoại quản lý đồng bộ, điều khiển tự động về độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, nước tưới, dinh dưỡng...
Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) Lâm Đồng cho biết, ngành KHCN đã có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp nông nghiệp thông minh như: Tư vấn, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ chi phí áp dụng công nghệ mới, đổi mới công nghệ, hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp, Quỹ Phát triển KHCN nhằm tạo bước đột phá cho nông nghiệp thông minh 4.0. Nhờ các chính sách sát với thực tế, Lâm Đồng ngày càng có nhiều đề án khởi nghiệp hiệu quả, có nhiều trang trại nông nghiệp thông minh 4.0 phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Vườn cà chua công nghệ cao. |
Với định hướng ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh; ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, thông minh trong dự báo, giám sát thiên tai, dịch bệnh; công nghệ tự động hóa trong nông nghiệp; đã mở ra hướng đi mang tính đột phá cho ngành nông nghiệp của tỉnh, đưa Lâm Đồng thành tỉnh đi đầu cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển nông nghiệp.
Cũng nhờ ứng dụng công nghệ cao, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng đã được chứng nhận nhãn hiệu, liên kết sản xuất theo chuỗi và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, đã tạo nên bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Việc lựa chọn đối tượng cây trồng, công nghệ ứng dụng phù hợp với điều kiện tự nhiên đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, đã nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trên một đơn vị diện tích sản xuất.
Tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ kinh tế
Tháng 4/2021 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc Sở NN&PTNT về kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành năm 2020 và quý 1/2021. Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, năm 2020, trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh phức tạp, toàn ngành đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tiếp tục khẳng định là trụ đỡ nền kinh tế của tỉnh với mức tăng trưởng 4,38%, đóng góp 78,6% trong tăng trưởng chung toàn tỉnh. Diện tích nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ đạt trên 60.200 ha; trên 16.500 ha cây trồng mới được chuyển đổi.
Qua đó đã góp phần giảm trên 6.000 ha đất canh tác kém hiệu quả và tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 185,6 triệu đồng/ha. Tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch hiện chỉ còn khoảng 10-15%, tăng khoảng 20% giá trị nông sản gắn thương hiệu Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành.
Toàn tỉnh phát triển 165 chuỗi; có 16.621 hộ tham gia liên kết, sản lượng nông sản tiêu thụ qua liên kết tăng 16%. Cũng theo báo cáo của Sở NN&PTNN, trong Quý I/2021, hầu hết diện tích cây trồng chủ lực đều tăng so với cùng kỳ. Đàn vật nuôi phát triển an toàn về dịch bệnh. Các công trình thủy lợi đảm bảo nhu cầu nước cho sản xuất và sinh hoạt.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Sở NN&PTNN. |
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S lưu ý, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cần tập trung các giải pháp “3 phòng”: Phòng chống cháy rừng, phòng chống thiên tai, phòng chống dịch bệnh vật nuôi, cây trồng; và “5 bám”: Bám rừng, bám đồng ruộng, bám công trình, bám nông dân, bám thị trường để tăng tỷ lệ nông sản xuất khẩu, nông sản tiêu thụ theo hợp đồng, đạt tỷ lệ tăng trưởng cao hơn nữa trong năm 2021.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cũng ghi nhận các kết quả hoạt động của ngành nông nghiệp tỉnh về tỷ lệ tăng trưởng, mở rộng chuỗi liên kết, tăng giá trị nông sản trên thị trường, đặc biệt từng bước siết chặt kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Đồng thời chủ tịch tỉch yêu cầu ngành nông nghiệp tiếp cận kịp thời kỹ thuật công nghệ tiên tiến trên thế giới để áp dụng vào sản xuất tập trung đối với các loại nông sản chủ lực của tỉnh Lâm Đồng.
Cùng với đó là tiếp tục rà soát, triển khai đầu tư kiên cố các công trình thủy lợi; mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định, bền vững. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, ban quản lý bảo vệ rừng, các đơn vị chủ rừng trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Định hướng trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh về yêu cầu phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại và bền vững. Trong đó, chú trọng nâng cao năng lực dự báo thị trường, nâng cao tỷ lệ xuất khẩu nông sản, phát triển thị trường mới. Tăng cường chuyển đổi giống, cây trồng, vật nuôi phù hợp, giá trị cao. Ưu tiên tiêu chí phát triển sản xuất, thu nhập, nâng cao đời sống người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp. Rà soát thủ tục hành chính, gỡ bỏ những thủ tục phiền hà Nhân dân, doanh nghiệp; Tiếp tục sắp xếp bộ máy hành chính đảm bảo gọn nhẹ, chất lượng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó, tạo sức mạnh tổng hợp, sự đồng thuận thống nhất toàn Đảng bộ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong mọi hoạt động, tiếp tục khẳng định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế tỉnh.
Cùng với chuyển đổi cây trồng, ngành nông nghiệp Lâm Đồng cũng đã xác định các giải pháp chuyển đổi biện pháp canh tác hiện đại để gia tăng giá trị sản phẩm hàng năm. Vận hành đồng bộ giải pháp công nghệ mới vào sản xuất, Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2025 đạt các mục tiêu: Trên 30% diện tích đất canh tác được chứng nhận an toàn, bền vững; 99% mẫu nông sản kiểm nghiệm đạt chất lượng an toàn; 60% nông sản tiêu thụ qua hợp đồng; 20% nông sản tươi và 40% nông sản chế biến được gắn tem truy xuất nguồn gốc...
Đến năm 2025, giá trị thu nhập bình quân cây trồng trên địa bàn Lâm Đồng đạt 220 triệu đồng/ha/năm. Riêng diện tích nông nghiệp công nghệ cao đạt giá trị trung bình 400 triệu đồng/ha/năm; trong đó, nhiều diện tích cây trồng chuyển đổi, áp dụng công nghệ mới có thể gia tăng thu nhập lên hơn 2 tỷ đồng/ha/năm. Các mục tiêu này sẽ đạt sớm hơn kế hoạch khi các nhiệm vụ và giải pháp phát huy lợi thế, tiềm năng trên 300.000 ha đất nông nghiệp được phối hợp tích cực, hiệu quả hơn.