“Đếm lá lấy tiền”
Vừa ngồi xếp lá trầu không cho một số thương lái từ thị xã Cửa Lò, TP Vinh…đến thu mua, bà Nguyễn Thị Hoa (47 tuổi, ngụ xóm 5, xã Nghi Ân, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) tiếp chuyện: “Mấy ngày nay do thời tiết mưa rét nên vợ chồng tôi không hái bán cho thương lái nước ngoài được. Sáng nay, vì một số khách hàng liên tục thúc giục nên gia đình mới tranh thủ hái một ít”.
Những lá trầu không bà Hoa chọn lựa cẩn thận được xếp đều đẹp, bỏ vào thùng xốp. Người phụ nữ này chia sẻ, hiện nay, mỗi cân lá trầu không được bán với giá 70 nghìn đồng/kg. Nếu bán theo xấp thì dao động từ 10 - 12 nghìn đồng/xấp/20 lá.
Có thời điểm vào các dịp áp Tết, rằm tháng giêng và rằm tháng 7, giá trầu được bán theo lá với giá 2 nghìn đồng. Bởi vậy, nhiều người dân nơi đây còn nói đùa với nhau rằng, trầu không là cây trồng “đếm lá lấy tiền”.
Ông Nguyễn Hồng Thái (51 tuổi, chồng bà Hoa) chia sẻ thêm, gia đình trồng trầu không từ những năm 1990. Lúc đầu chỉ vài trăm mét vuông, chủ yếu hái ra chợ bán kiếm tiêu hàng ngày. Ít năm sau, nhận thấy đây là loại cây trồng chăm sóc nhẹ nhàng mà năng suất cao, gia đình đã mạnh dạn mở rộng diện tích.
Hơn chục năm trở lại đây, thương lái đến mua với số lượng lớn nên họ tiếp tục phát triển mô hình. Không những nhân rộng mô hình trong vườn, vợ chồng ông còn đưa trầu không ra trồng ngoài đồng, nâng tổng diện tích trồng trầu không lên trên 1.300m2.
Sở dĩ trầu không Nghi Ân được nhiều thương lái lựa chọn bởi có vị thơm, cay nồng, mùi vị đặc trưng. “Tôi không rõ lý do vì sao, nhưng có thể là do chất đất nơi đây nên lá trầu không mới được khách hàng đánh giá cao như vậy”, ông Thái nói.
Nhiều năm nay, nhà ông và một số hộ gia đình khác trong vùng là địa chỉ tin cậy của các thương lái đến lấy hàng. Thậm chí, nhiều người sẵn sàng vượt quãng đường xa, đến tận Nghi Ân nhập trầu không dù gần đó nguồn hàng không hề thiếu.
Cách nhà vợ chồng ông Thái không xa là vườn trầu rộng chừng 800m2 của gia đình ông Nguyễn Khắc Long (44 tuổi). Nhận thấy giá trị kinh tế của cây trầu không nên gia đình đã mạnh dạn vay vốn, nhân rộng mô hình. Hiện hai vườn trầu không đã được gia đình thu hoạch bán hàng ngày với khoản thu không hề nhỏ.
Cụ Nguyễn Thị Xuân (82 tuổi, mẹ ông Long) vừa ngồi nhai trầu, vừa cho biết: “Tui trồng vườn trầu này đã nhiều năm. Lúc trước chủ yếu hái đi bán ngoài chợ. Mấy năm nay, vợ chồng con trai trồng thêm nhiều cây mới, năng suất cao hơn. Hiện thương lái đến mua tận nhà, “tiền trao cháo múc”, không phải đi bán ngoài chợ nữa”.
Từ một loại cây bình dân, chủ yếu sử dụng trong mỗi gia đình để ăn và cúng vào dịp lễ Tết, người dân nơi đây đã nắm bắt cơ hội, mở rộng phát triển. Ông Nguyễn Đình Trúc, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Ân cho biết, hiện chưa có số liệu cụ thể về diện tích trồng trầu không trên địa bàn xã
“Có khoảng trên một trăm hộ dân trồng trầu không bán lá, nhà ít thì vài chục gốc, nhà nhiều cũng phải đến cả nghìn mét vuông. Loại cây trồng này cho thu hoạch thường xuyên nên thu nhập tương đối. Có thời điểm giá rét, hàng khan hiếm nên giá thành rất cao. Loại cây này cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa và hoa màu”, ông Trúc cho biết.
Cụ Xuân cho hay, gia đình trồng trầu không từ lâu, mấy năm gần đây mới mở rộng để “xuất ngoại” |
Lá trầu không “xuất ngoại”
Nếu như trước đây lá trầu không của nông dân Nghi Ân chỉ có thể đi ra chợ hoặc đổ mối cho các thương lái thì từ gần nửa năm nay, những chiếc lá có vị thơm, cay nồng này đã trở thành hàng hóa xuất khẩu sang nước ngoài. Bà Hoa cho hay, lần đó, một nhóm người nước ngoài đã trực tiếp đến khảo sát tại vườn. Sau khi ăn lá trầu không, ai cũng tấm tắc khen ngon. Do vậy, họ quyết định đặt mua hàng dài hạn.
Tuy vậy, để những chiếc lá được “xuất ngoại” chúng phải đảm bảo đầy đủ các yêu cầu khắt khe hơn, như lá phải to, dày, đẹp, mặt nhẵn bóng không tỳ vết, lá không non, cũng không quá già. “Lá trầu không được bán theo cân, mỗi cân 70 nghìn đồng. Nhà tôi mỗi tháng thu hoạch 2 đợt cho thương lái, mỗi đợt 2 tạ, vị chi cũng được 13-14 triệu đồng. Lá nào không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thì bán trầu ăn cho thương lái trong nước”, ông Thái cho biết.
Theo chia sẻ của gia đình, những lá trầu được xuất khẩu sang Đài Loan. “Chúng tôi có hỏi thì được biết qua bên đó họ dùng để ăn trầu và làm thuốc. Cái quan trọng là lá trầu không có giá hơn và đầu ra cũng ổn định hơn trước”, bà Hoa tâm sự.
Theo số điện thoại của vợ chồng bà Hoa cho, người viết liên lạc được với thương lái. Người này cho biết, cơ sở thu mua của họ đặt tại Hà Tĩnh. Số trầu không sau khi gom đủ sẽ được xuất khẩu sang Đài Loan qua đường hàng không. Hiện nhu cầu về lá trầu không ở Đài Loan đang lớn nên có bao nhiêu họ mua bấy nhiêu, đảm bảo dài hạn.
Từ mô hình của gia đình ông Thái và một số hộ dân trong xã, nhiều người ở các nơi đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Ông Thái cho biết, cách đây không lâu có một người ở tận Hà Nội tìm về xin được mua giống và thuê ông với giá cao để trồng diện tích 1 ha. Tuy nhiên vì công việc luôn bận nên ông chưa thể giúp đỡ họ được.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng cây này, ông Thái không ngần ngại bật mí: “Cây này vừa khó, vừa dễ. Nếu mình nắm rõ kỹ thuật, tuân thủ nghiêm ngặt những điều cấm kỵ thì rất khỏe, cho thu nhập cao”.
Cụ thể, cây trầu không khá khó tính, tốn công làm đất, chăm sóc, hay bị sâu bệnh và khả năng chống chịu với thời tiết kém. Cây dễ rụng lá rồi chết khi bị ngập úng, sương muối, nắng nóng. Vì vậy, phải có nhà sàn để che nắng nóng vào mùa hè và các tấm bạt che gió lạnh vào mùa đông. Bù lại, người trồng chỉ cần đầu tư một lần, có thể sử dụng nhiều năm tiếp theo”.
Chưa hết, người trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt việc “kiêng” hơi người lạ, trong đó có cả người có hơi đám tang. Do vậy, các thương lái đến mua trầu không một ai được ra vườn hái. Họ chỉ được đứng trong sân đảm nhận việc chọn lựa lá và cân kéo.
Thời gian gần đây, do không đáp ứng đủ nhu cầu nguồn hàng cho thương lái nên vợ chồng ông Thái phải gom lá từ các hộ trồng trầu trong xóm. Ngoài tiền lá, mỗi đợt thương lái thu mua, vợ chồng ông còn được trả thêm 300 nghìn đồng/ngày công hái.
“Giá trị kinh tế tương đối, đầu ra hiện tại thì không phải lo vì thương lái bảo có bao nhiêu họ thu mua bấy nhiêu, miễn là đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng của họ. Tuy nhiên từ giờ tới ra Tết, thời tiết lạnh, sương muối, sương giá nhiều, để đảm bảo được nguồn lá đẹp, to, bóng mượt thì cũng rất khó”, ông Thái cho hay.
Ngoài phục vụ nhu cầu ăn trầu theo tập tục hay để thờ cúng các ngày lễ, Tết, hiện cây trầu không ở Nghi Ân đã trở thành một trong những đề tài khoa học ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp sạch tại địa phương. Đề tài chiết xuất chế phẩm từ lá trầu không để trừ sâu cho cây lạc đã được triển khai nghiên cứu và tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia cũng như bà con nông dân trong xã.
Theo cán bộ khuyến nông xã Nghi Ân, giá trị kinh tế của cây trầu không trên địa bàn xã đã được khẳng định. Đã xuất hiện những mô hình phát triển kinh tế bằng loại cây lấy lá này với mức thu nhập bình quân 200-400 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, việc phát triển diện tích cây trầu không vẫn đang được chính quyền địa phương cân nhắc để đảm bảo hài hòa giữa cung và cầu, tránh trường hợp mở rộng diện tích ồ ạt nhưng không có đầu ra ổn định.