Tai nạn ngày giáp Tết
Gần 2 tháng trường kỳ điều trị trên giường bệnh ở khoa Bỏng (BV Chợ Rẫy, TP HCM), anh Nguyễn Đức Thanh (32 tuổi, ngụ tổ 14, khu phố 2, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) đã may mắn qua cơn kịch thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Đối với anh và những thành viên trong gia đình, đó đã là một kỳ tích sau những chuỗi ngày khổ sở điêu đứng.
Đứng bên ngoài phòng bệnh, chị Nguyễn Thị Thanh Trâm (chị gái của anh Thanh – PV) xót xa “dù trước mắt em nó đã may mắn thoát chết nhưng bác sĩ nói, nếu không có kinh phí để tiếp tục điều trị lâu dài thì chẳng nói trước được điều gì”.
Trên giường bệnh, anh Thanh được quấn băng trắng vùng đầu và kín hai chân, những vùng da khác hoặc đang mưng mủ hoại tử hoặc đang lên da non. Những tổn thương trên cơ thể quá nặng nề khiến anh cho đến nay vẫn chưa thể ngồi hay đi lại được, chỉ nằm bất động trên giường, chốc chốc gương mặt lại tối sầm vì đau đớn.
Anh Thanh thều thào, giọng lúc rõ lúc không, run run hồi ức: “Tui chỉ nhớ khoảng trưa ngày 17/12/2016 (âm lịch), cả đoàn thợ hồ khẩn trương tô cho xong mảng tường phía trên lầu. Ai cũng vội cho xong việc. Khi chỉ còn lại một rãnh tường nhỏ, tui đứng lên đưa cây thước nhôm lên cao để trở lại thì vướng vào dây điện cao thế ngay phía trên.
Trong tích tắc tui không còn biết gì, chỉ nhớ cả người cứng đờ lăn đùng xuống đất. Khi tỉnh lại thì cả người đau đớn dường như chỉ còn một phần sống. Bên cạnh rất đông người, ai cũng hét lên bên tai tui “cố gắng gượng lên... cố thêm chút nữa... sắp đến bệnh viện rồi”. Hai mắt tui lại cụp xuống, tưởng mình đã chết”.
Chứng kiến nạn nhân bị dòng điện khét lẹt phóng qua người, lóe sáng cả một vùng khiến toàn thể những nhân chứng ai nấy đều thất kinh. Tin tức về tai nạn từ trên trời rơi xuống đốt cháy anh Thanh được tức tốc báo về phía gia đình. Ngồi ở dãy ghế bên ngoài hành lang, ông Tâm quên cả đi dép, nước da cháy nắng kể lại, những ngày giáp tết, ông phải cật lực chạy xe để có thêm đồng ra đồng vào mong lo được cho gia đình có được cái tết ấm cúng đủ đầy hơn.
Buổi trưa oi ả, người cha đã quá tuổi lao động nhưng vẫn gắng sức mưu sinh đang chở khách thì nhận được cuộc điện thoại, phía đầu dây bên kia giọng người hàng xóm run bần bật: “Thằng Thanh đi làm bị điện giật, nguy kịch lắm, ông về nhanh còn kịp...”. Nghe con bị nạn thập tử nhất sinh, người cha hoảng hốt vội vàng thả khách xuống đường, nói chưa rõ câu xin lỗi thì đã phóng đi.
Ông nhớ lại: “Tui chạy về chỗ nó làm chỉ thấy mọi người tụm năm tụm ba bàn tán, còn con đã được đưa đến bệnh viện. Nhiều người thấy tui liền chạy đến trấn an, tui cũng bụng bảo dạ chắc chỉ bị sơ sơ. Khi tới bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, đúng lúc các bác sĩ bước ra từ phòng cấp cứu.
Ai nấy giọng gấp gáp nói nó bị bỏng hơn 85%, thông báo phải chuyển viện ngay lập tức, nếu còn chần chừ sẽ mất mạng. Vợ tui nghe vậy cứ khóc riết rồi ngất. Tui vét hết sạch trong túi chỉ có vài chục nghìn, hai anh chị của nó chạy đi vay mượn được 3 triệu, thêm gần 2 triệu được người dân góp nhau mỗi người một ít giúp đỡ mới đủ để đưa nó lên Sài Gòn cấp cứu”.
Nguy cơ lấy da của cha ghép cho con
Nói về hoàn cảnh gia đình, giọng người cha càng thêm phần xót xa. Vợ chồng ông vốn cùng quê, sớm quen biết và lập gia đình khi mới 18, đôi mươi. Tiếng là dân quê, nhưng vợ chồng ông không có lấy một mảnh đất cắm dùi.
Ông làm nghề chạy xe thồ ngày ngày rong ruổi đường phố, còn người vợ Nguyễn Thị Biển (57 tuổi) ở nhà bóc vỏ hạt điều thuê hoặc ai thuê gì làm nấy. Cả ông lẫn bà Biển từ nhỏ đều không được đi học nên cả 5 người con từ nhỏ đến lớn cũng thất học từ sớm. Chị Trâm ngồi bên cạnh cha thêm lời “trong số anh em tui, người học cao nhất chỉ đến lớp 3. Giờ chỉ có thể viết và đọc được vài từ thông dụng”.
Anh Thanh học chưa trọn lớp 1 đã phải đứt buổi vì không có tiền nộp học phí. Hai người em của anh là Nguyễn Đức Bình và Nguyễn Đức Toản cũng sớm cùng cảnh ngộ. Từ nhỏ chăn trâu, cắt cỏ, kiếm củi thuê, lớn lên anh Thanh đi làm thợ hồ kiếm sống.
Cha nạn nhân thất thần ở hành lang bệnh viện |
“Anh chị của nó đã lập gia đình sớm, ai cũng nghèo nên không giúp được gì. Trong nhà nó là trụ cột lao động chính, làm được đồng nào nó cũng đưa về lo cho vợ chồng tui. Nhiều khi vợ chồng tui giục nó cưới vợ lo cho hạnh phúc riêng nhưng nó đều gạt đi bảo là “nhà mình nghèo sợ khổ người ta vả lại con còn lo cho cha mẹ” rồi lại cười hiền khô. Nó vừa ngoan vừa hiếu thảo vậy, giờ nhìn con thập tử nhất sinh, tui thật không chịu đựng được...”.
Con trai không may bị nạn cận kề cái chết, người mẹ vì không chịu đựng được cú sốc trời giáng đã lên cơn tai biến, phải nhập viện. Cơn hoạn nạn bất ngờ dồn dập ập đến, khiến gia đình ông Tâm càng trở nên rối ren điêu đứng.
Trên chuyến xe hôm đó, chỉ người anh cả và hai người em trai của nạn nhân theo anh lên TP HCM giành giật sự sống, còn ông Tâm phải cùng người con gái ở lại bệnh viện địa phương chia nhau thường trực chăm nom cho bà Biển đang nằm liệt giường.
“Cái tết vừa rồi, cả gia đình tui chia ra ăn tết ở hai bệnh viện. Bao nhiêu vốn liếng tiết kiệm được hay tài sản có chút giá trị trong nhà tui đều đã bán sạch để có tiền cứu con, cứu vợ. Cha con tui hàng ngày chỉ ăn cơm chay từ thiện qua ngày”, người cha đan chặt mười ngón tay thô sần vào nhau, giọng bần thần.
Gần 2 tháng nay, bà Biển đã được xuất viện trở về nhà tự điều trị, tuy nhiên chứng bại liệt khiến bà phải nằm một chỗ. Còn anh Thanh trải qua quá trình chăm sóc đặc biệt đã may mắn được cứu sống khỏi lưỡi hái tử thần, đang trong giai đoạn phục hồi.
Tỉnh lại sau những lần tưởng như đã gõ cửa “thần chết”, anh nằm trên giường bệnh giọng run rẩy, “nhiều khi tuyệt vọng, tui đã nghĩ tới cái chết nhưng nghĩ đến cha mẹ tui lại khao khát được tiếp tục sống, sau này mới lo được cho cha mẹ đã già đau yếu, trọn đạo làm con...”
Bên ngoài phòng bệnh chị gái của nạn nhân khẽ quay đầu giấu những giọt nước mắt: “Cha mẹ đau yếu, anh em tui chỉ biết thay nhau chạy lên chạy về với Thanh. Thanh bị thương tổn quá nặng, hầu hết da đều đã bị hoại tử nên phải lấy da của những thành viên khác trong gia đình để cấy ghép.
Từ ngày bị nạn đến nay Thanh đã phải trải qua 3 lần phẫu thuật cấy ghép da đau đớn nhưng số da sống được rất ít ỏi. Hôm trước bác sĩ thông báo cần phải có thêm người thân hiến da và khoản tiền chi phí lớn để tiếp tục điều trị trong thời gian dài mới mong qua khỏi. Nay gia đình tui đã vay mượn hơn 150 triệu đồng, hoàn toàn khánh kiệt. Chẳng lẽ, tia hi vọng cuối cùng sẽ bị dập tắt đi...”.
Đứng bên cạnh con, người cha quả quyết: “Thằng Bình hết da thì có thằng Toản. Da của thằng Toản nếu cũng thiếu thì chắc tui phải xin bác sĩ lấy cả da tui để ghép cho con. Còn căn nhà cũ nát tạm bợ ở quê chưa có ai hỏi mua, chứ phải bán hết, tui cũng cứu con”.