Vượt qua tập tục, khai sinh lần hai
Làng Ji A thuộc Krông Năng, huyện Krông Pa (Gia Lai) chìm khuất giữa đại ngàn núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Nơi đó, vẫn còn tồn tại nhiều luật tục mà mỗi khi nhắc đến, nhiều người không khỏi khiếp sợ.
19 năm về trước, trong một ngày đầu năm mới, cậu bé Nay Djruêng, đứa con thứ 8 trong gia đình vợ chồng ông bà K’Bór Djoang và Nay H’Chẻ (đều SN 1947) cất tiếng khóc chào đời. Nhưng ngược lại với không khí mùa xuân tươi vui, đêm đó lại là đêm trắng hãi hùng.
Bé trai sinh ra không chân, không tay, ngọ nguậy trong tấm chăn mỏng, gợi cho ông bà nhớ lại hình ảnh đứa con thứ hai cũng ra đời như vậy hơn chục năm trước. Giữa sự chứng kiến của buôn làng, đứa con thứ hai khi đó bị mọi người ép chính tay người cha đào hố chôn sống.
Nỗi ám ảnh ấy cứ ngỡ vùi quên theo năm tháng, ai ngờ… “Con không ra hình thù con người là con của ma quỷ. Không mang chôn sống nó, nó báo hại cả làng. Giàng bắt phạt…”, những quan niệm mê muội đó từ đời này nối sang đời khác cứ vọng lên trong đầu ông.
Vì hủ tục ấy, ông ám ảnh nhiều đêm thức trắng. Đến thú dữ cũng không nỡ ăn thịt con mình, huống chi một người cha, người trần mắt thịt?. Mỗi lần nhìn Nay Djruêng, nghĩ đến giây phút thêm một lần tự tay chôn đi đứa con do mình rứt ruột sinh ra, ông buồn bã uất hận.
Ông hận con ma, con quỷ đã bắt con ông thành hình hài của quái vật chứ khi ấy chưa hiểu rằng, chất độc chiến tranh đã dẫn đến hậu quả trên.
Mùng Một Tết, trước sự chứng kiến của các già làng uy tín trong buôn, ông dằn lòng một lần nữa đào hố để chôn con theo hủ tục. Nhưng khi vừa lấp đất đến ngang vai, nhìn đứa con vô tội khóc thét vì khó thở, ông liền lao xuống xới đất bế con lên, rồi ông quỳ tạ tội và xin chịu phạt trước dân làng. Đứa bé được khai sinh trên cõi đời lần thứ hai.
Việc người cha phá tục lệ để cứu con đã biến ông trở thành “tội đồ” của tộc người J’rai trong buôn làng Ji A. Cả đêm hôm đó, gia đình Nay H’Chẻ bị làng bắt hết trâu bò, thóc lúa để cúng thần, cúng Giàng, còn bị đuổi vào tận rừng sâu sinh sống…
Cơ cực trăm bề, họ dắt díu nhau đi gây dựng lại cuộc sống từ tay trắng, từ những miệt thị của dân làng. Những ngày sau, may nhờ cán bộ địa phương biết chuyện tìm tới giải thích, khuyên nhủ, gia đình Nay H’Chẻ mới được về lại nơi cũ, sinh hoạt bình thường.
Thế nhưng, kì tích vẫn chưa dừng lại, mà được Nay Djruêng viết tiếp bằng sự tự hào của bố mẹ, của buôn làng, khi bước chân vào giảng đường đại học.
Mới sáu tuổi, đứa trẻ tật nguyền đã biết níu chân cha xin được đi học. Người cha sau phút ngạc nhiên nhìn con rồi lặng lẽ ngước về phía ngôi trường xa xa trong bản, lắc đầu.
Thâm tâm ông cũng muốn con được học hành, nhưng lại sợ bạn bè trêu chọc con, vô tình xoáy vào nỗi bất hạnh con gặp phải, nên đành thôi. Vậy mà sau nhiều đêm trắng nghe con đeo theo nài nỉ, một buổi sáng, ông cõng Djruêng tới lớp, xin cho con vào học. Dù rất ngại khi nhận Djruêng, sẽ gây xáo trộn lớp học nhưng vì nhiệt huyết của em, các cô giáo không nỡ chối từ.
Kì tích của cậu bé không tay
Từ đó, mỗi ngày Nay Djruêng được cha cõng tới trường. Sau một tháng, khi quen bạn bè và đường đi, em phải tự đến trường bằng… hai đầu gối vì cha bận vào rừng kiếm sống.
“Đường núi lầy lội đầy sỏi đá, có hôm đi về hai đầu gối tứa máu, đau buốt. Năm lên lớp 3 em mới được cha mua cho một đôi dép nhựa, từ đó chân đỡ đau hơn”, cậu sinh viên nhớ lại. Con đường đến trường của Nay Djruêng bớt nhọc nhằn hơn khi lên cấp hai, em được vào trường nội trú.
Mỗi lần lớp mới, trường mới đồng nghĩa với việc tăng thêm sự tò mò và chế giễu của bạn mới. “Có khi thấy bạn trêu, em lao vào đánh cho hả giận, đánh không được thì em… khóc. Cứ thế em tốt nghiệp cấp 2 rồi lên cấp 3. Nhưng chưa phải hết gian khổ, vào đến trường còn phải leo mấy tầng cầu thang, cố gắng đi sớm để theo kịp bài giảng”, cậu nhớ lại. Nhưng em chưa một lần nghĩ tới chuyện bỏ học.
Dù bẩm sinh có giọng ca khá ngọt ngào và đã từng quyết định rẽ ngang khi vừa tốt nghiệp lớp 9, xin vào đội văn nghệ của một trung tâm khuyết tật ở Hà Nội nhưng rồi vì nhớ trường, Nay Djruêng lại quay về học tiếp.
Nay Djruêng |
“Lên lớp 11 em được học môn tin học, em bắt tay vào lập trang web dành cho các bạn khuyết tật để các bạn có cơ hội chuyện trò, chia sẽ với nhau, cùng nhau vươn lên trong cuộc sống. Em không ngờ, chính từ điều ấy khi tốt nghiệp lớp 12 em lại chọn ngành CNTT để theo định hướng nghề nghiệp cho đời mình”, Nay Djruêng chia sẻ thêm.
Ấn tượng giảng đường đại học lần đầu tiên đối với em là thầy quản lý kí túc xá. Thầy đã vác giúp vali của cậu bé tật nguyền này lên đến tầng năm, còn em cũng phải tất bật leo theo chân thầy, mệt phờ nhưng ấm áp khi được nhiều người động viên, chia sẻ.
Thân thiện, cộng với sự năng động, hòa đồng, một chút năng khiếu văn nghệ sẵn có, Nay Djruêng được các bạn bầu làm lớp trưởng. Không dừng lại ở đó, cậu học trò của buôn làng Tây Nguyên này còn hăng hái tham gia các đội sinh viên tình nguyện của lớp, trường.
Nay Djruêng có mặt khắp nơi, từ đêm trung thu cho trẻ em nghèo đến bữa cháo tình thương cho các bạn khuyết tật ở quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) dù việc đi lại rất khó khăn.
Chia tay, chàng sinh viên giàu nghị lực không tay, không chân một lần nữa nở nụ cười như tổng kết cuộc đời mình: “Có niềm tin và quyết tâm là sẽ có tất cả”.