Kì bí về gốc tích Mẫu Khuyển
Về Thanh Sơn (Phú Thọ) vào một ngày nắng đổ lửa, để đi tìm nguồn gốc Mẫu Khuyển trong câu chuyện mà người Mường vẫn truyền nhau. Được người già mách nước, tôi hỏi thăm đến xóm Gằn, xã Tân Minh, Thanh Sơn, Phú Thọ, vừa dừng lại ngã ba đường, người dân chỉ ngay con đường nhỏ dẫn lên sườn núi – nơi yên vị của Mẫu Khuyển. Theo chia sẻ của người dân, “ngôi mộ chó” được dòng họ Đinh Công trong bản thờ cúng từ xưa. Hiện nay, con cháu dòng họ này vẫn còn sinh sống tại đây để chăm lo hương khói.
Theo chia sẻ của bà lão gần khu mộ, tôi tìm đến nhà ông Đinh Công Giao – một gia đình thuộc dòng họ Đinh Công đang nắm nhiều tư liệu về Mẫu Khuyển. Tiếp tôi trong căn nhà gỗ đắp đất có vẻ cũ kĩ, ông bắt đầu kể về sự li kì của Mẫu Khuyển mà ông được các cụ nhiều đời trong dòng tộc truyền lại.
"Thời Hùng Vương thứ mười tám, trong trận đại chiến giữa Sơn Thần (Sơn Tinh) và Thủy Thần (Thủy Tinh), nước dâng ngập hết vùng đất Thanh Sơn. Tất cả làng bản đều bị nước của Thủy Thần cuốn trôi trong biển nước. Lạ thay chỉ có một đứa bé của một gia đình người Mường sống sót sau trận thủy chiến.
Lúc bấy giờ, có một con chó đã cứu và nuôi đứa bé khôn lớn. Sau này, người Mường nơi đây quan niệm đó là ông tổ đất nơi này, còn con chó được phụng thờ làm linh vật Mẫu Khuyển, cũng chính là con chó nhà Trời phái xuống cứu giúp dân lành”.
Dù chưa có tài liệu chính xác nào về sự xuất hiện của tích truyện Mẫu Khuyển trong lịch sử, nhưng dựa vào tục truyền dân gian của vùng Thanh Sơn, Phú Thọ có nhiều mối liên hệ với thời gian xuất hiện của Tản Viên Sơn Thánh. Theo dân làng, trước đây có ngôi đình lớn thờ Đức Thánh Tản hình thành một dải tâm linh với vùng Tân Lập, ăn vào phía Tản Lĩnh, nhưng hiện do chiến tranh đình cũ đã không còn, tư liệu lịch sự cũng đã bị mất hoàn toàn.
Dẫn tiếp câu chuyện kì bí về Mẫu Khuyển, ông Giao tiếp tục cung cấp một câu chuyện khác gần giống với tích lưu truyền trong dân gian từ tộc phả dòng họ ghi lại. Tóm tắt như sau: Cuối thế kỷ XIX, có một gia đình họ Đinh Công khai khẩn vùng đất Tân Minh, Thanh Sơn. Bấy giờ, giặc cờ đen tràn qua càn quét (giặc cờ đen là đội quân của viên tướng Mãn Thanh Lưu Vĩnh Phúc) sang các tỉnh miền núi để xâm lược.
Chúng dừng chân chính xóm Gằn, Tân Minh (bây giờ), thấy vậy gia đình họ Đinh chạy loạn, không kịp nên đành bỏ lại bé trai mới 3 tháng tuổi. Đứa bé khóc thảm thiết, kì lạ con chó trong nhà chạy lại kéo bé trai vào ổ của mình cho bú sữa và chăm sóc bảo vệ. Hơn một tuần sau, gia đình họ Đinh quay lại ngôi nhà thì thấy một cảnh tượng rất kỳ lạ, đứa bé đang được con chó ủ trong bụng cho bú sữa như tình mẫu tử vậy.
Từ đó, họ chăm sóc chó rất chu đáo, khi chết đi còn tổ chức ma chay, chôn vào 2 nồi đồng mà thành mộ “Mẫu Khuyển” như bây giờ. Từ đó, họ coi đứa bé như ông tổ dòng họ Đinh Công người Mường, còn con chó được thờ cúng như linh vật có tên Mẫu Khuyển.
Cả họ đều “cấm” ăn thịt chó
Thực hư câu chuyện về Mẫu Khuyển chưa rõ ràng, chưa có tài liệu cụ thể mang tính lịch sử để minh chứng cho sự xuất hiện của “nhân vật” đặc biệt này. Nhưng, suốt 7 đời họ Đinh Công nay đã giữ gìn tục thờ Mẫu Khuyển này rất cẩn thận.
Theo ông Giao, từ khi biết đến sự tích của Mẫu Khuyển, nhiều gia đình Đinh Công ở các nơi như Yên Bái, Lào Cai cũng tìm về hương khói, cúng lễ. Đặc biệt, năm 2001, cả dòng tộc Đinh Công tại Thanh Sơn đã góp sức xây dựng mộ Mẫu Khuyển khang trang, to đẹp trên nền mộ cũ. Giữa núi rừng Thanh Sơn đại ngàn, mộ Mẫu Khuyển nằm bề thế trên mô đất cao, giữa những nếp nhà người Mường sát sườn núi. Những dòng chữ Nho đã mờ, cùng vẻ u tịch vốn có khiến người ta càng tò mò về những chuyện kì bí liên quan đến ngôi mộ này.
Chia sẻ tiếp về sự linh thiêng của Mẫu Khuyển, ông Đinh Công Giao kể cho tôi một vài minh chứng cho cái thiêng của ngôi mộ. Hầu như người dân nơi đây (kể cả những người không thuộc họ) cũng đều biết và tin vào sự tích này.
Hàng ngày, khi làm ăn việc gì đều đến xin Mẫu Khuyển phù hộ. Ai trót xâm phạm đến khu đất mộ đều bị “quở phạt”, nhẹ thì đau bụng nặng thì tiêu tán, làm ăn thất bát. Có gia đình tại đây từng trồng chuối quanh khu mộ Mẫu Khuyển rồi bị quở phạt, họ đã phải biện lễ vật đến cúng bái và “sám hối” trước mộ để không bị trừng phạt. Chuyện truyền miệng là thế, nhưng Mẫu Khuyển đã ngự trị trong đời sống tinh thần người Mường nơi đây đầy linh thiêng và cao quý.
Đặc biệt, cỗ bàn trong dòng tộc thì cấm dùng thịt chó làm cỗ. Đối với họ, “chó” là linh vật, có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mường Tân Minh, Thanh Sơn. Vì vậy, suốt nhiều đời họ Đinh Công đều cấm kỵ ăn thịt chó, giết mổ... Thậm chí, người trong tộc cho rằng, ai mà ăn thịt chó là xúc phạm đến thần linh và họ sẽ bị trừng phạt như rụng răng, mờ mắt.
Dù chưa có kiểm chứng nào về độ “tin cậy” của những trường hợp kì bí có liên quan đến Mẫu Khuyển, nhưng người dân nơi đây vẫn tôn kính như một truyền thống ngàn đời cha ông để lại cho họ. Dòng họ Đinh Công Thanh Sơn hàng năm vẫn tụ họp nhau về để cúng lễ, cầu xin Mẫu Khuyển phù hộ cho con cháu trong dòng tộc. Còn người dân xung quanh cũng truyền nhau về sự kì bí và linh thiêng của tục thờ này mà đến hương khói.
Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng mộ Mẫu Khuyển ở Thanh Sơn - Phú Thọ là một biểu hiện của tục thờ Đạo Vật Tổ - một hình thái tôn giáo nguyên thủy của người dân vùng miền núi. Biểu hiện họ tôn thờ các con vật như một “tổ”, “linh vật” linh thiêng trong đời sống tâm linh của cộng đồng họ.
Dù vẫn còn nhiều những lớp lang huyền tích bao phủ lên tục thờ Mẫu Khuyển của người dân Thanh Sơn, Phú Thọ, nhưng từ xưa đến nay giữa núi xanh đại ngàn, họ vẫn truyền cho nhau câu chuyện như thế. Để những vùng văn hóa của người dân tộc thôi thúc chúng ta đi tìm, khám phá mở ra “tấm màn” che phủ bởi huyền tích suốt hàng trăm năm.
Đạo Vật Tổ là hình thái tôn giáo nguyên thuỷ ra đời vào thời kì thị tộc sơ khai. Ở Việt Nam, Đạo Vật Tổ còn biểu hiện khá đậm nét ở một số tộc người vùng miền núi và cả vùng dân cư đồng bằng. Biểu hiện của tín ngưỡng này là người dân thờ cúng các con vật, tôn thờ chúng như “linh vật” quyền năng như các vị Thánh, Thần tối cao của bộ phận dân cư đó.
Ví dụ, một số dòng tộc Khơ Mú ở Tây Nguyên thờ con dê với hình tượng đầu dê ở trước nhà rông, nhà sàn của mình, họ Quàng của dân tộc Thái miền núi phía Bắc không ăn thịt hổ, vì họ cho con hổ là vật tổ của mình... Trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Kinh coi “rắn”,”hổ” là các vị Thần hạ ban, chuyên trông coi của đền, phủ, có khả năng trừ tà sát quỷ. Ở Hà Nội, cũng có đền Cẩu Nhi, đình Địch Vỹ thờ chó đá với tên Hoàng Thạch Cầu…
Đặc biệt nhiều cộng đồng dân tộc miền núi vẫn giữ gìn tục thờ chó đá. Ví dụ người dân tộc Tày, Nùng, Dao... tại các tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam. Chó đá trong tiếng Tày - Nùng là Ma-Hin. Ở vùng Lộc Bình, Lạng Sơn có đến gần 70% số hộ gia đình người Tày đặt thờ chó đá trước cửa nhà.
Bên mỗi con chó đá (họ gọi là Thần Cẩu Ma-Hin) có đặt một bát hương nho nhỏ. Có đến 90% số hộ người Nùng ở bản Boong Dưới, xã Chí Viễn, Trùng Khánh, Cao Bằng thờ chó đá. Họ coi chó đá là linh vật thiêng liêng trừ tà ma, canh thú dữ vào bản hại người...
Và Mẫu Khuyển của dòng tộc Đinh Công ở Phú Thọ cũng là một kiểu như vậy.