1. Nếu có chuyến tàu để trở về tuổi thơ, tôi muốn xin một vé để trở về.
Nhớ những ngày bé xíu, cái thời mà intenet, điện thoại chưa phổ biến như bây giờ. Lũ trẻ trong xóm chúng tôi tụ tập nhau đi mò trai trên sông Bình. Đứa nào đứa ấy bì bõm dưới nước cả buổi chiều, về bán được 20 nghìn đồng cho chú Tám. Mấy đứa chia nhau mua kem 500 đồng ngay tiệm nhà bà Vân. Có mấy đứa nợ tiền quà bà, bà chẳng bán, nài nỉ mếu máo mới được cái kem ăn mát dạ.
Hồi ấy, xóm tôi có đúng cái tivi đen trắng, cứ mỗi tối có Tây Du Ký, mấy nhà ăn cơm sớm, cả xóm nhao nhao chờ phim. Vài bữa ăng - ten lỗi tè le, quay quay mãi theo hướng đài quốc gia mới xem được phim. Bọn trẻ cũng không mê Kpop như bây giờ, tuổi thơ của chúng là những buổi bẫy chim trên đồng Dâu, rồi đi hái trộm sen đồng Chuối. Mấy đứa bị bắt la rầy, về mẹ cầm cái chổi vót mà cho “một trận no đòn”. Mấy lần mải chơi, mẹ gọi “mang cái dạ về đây”, tôi cứ nghĩ là cái dạ đồng, mang về mẹ vừa cười vừa bực. Thế là trốn được trận đòn mải chơi khi ấy!
2. Giá như có một chuyến tàu về tuổi thơ, tôi ước chúng tôi là những vị khách đặc biệt. Chúng tôi đang sống quá nhanh mà quên đi những điều tưởng chừng như đơn giản. Bỏ quên cả chuyến tàu chờ đợi, chiếc vé có một không hai để đi ngày xưa.
Tôi không biết còn cơ hội về những ngày xưa ấy. Bầu trời tuổi thơ màu tím trong tranh, ánh mắt nàng đủng đỉnh đổ cả chiều thu. Nhớ hôm ấy, tôi chở nàng trên chiếc xe đẹp, tóc nàng bay trong gió. Viết vội lá thư nguệch ngoạc để trong ngăn bàn. Rồi ngẩn ngơ khi vô tình chạm vào ánh mắt ấy! Tôi xin một vé về với ngày ấy, “áo trắng ai bay khiến cho ai kia mơ màng”.
Bây giờ chúng tôi yêu nhau cũng ngộ! Tình yêu qua màn hình điện thoại, chỉ một click thôi cũng gặp được. Rồi chẳng gặp nhau nói chuyện yêu đương.Cả tuần quay quẩn bên công việc, facebook, điện thoại .Giữ gìn nhau trong một cái hộp của internet. Tôi cũng không thấy bầu trời tím trong tranh năm ấy. Tình yêu không lời, vội vã, cầm chừng và ít nói. Chúng tôi của ngày hiện tại, sống thời công nghệ, hẹn hò bằng zalo và cảm ơn bằng facebook. Chẳng còn những ngày “rung rinh” sau tà áo trắng, đổ đầy trời thu tóc nàng thôi bay.
3. Tôi xin một vé đi tuổi thơ, một vé đi thôi không cần quay trở lại
Hôm nay cũng có vài người thở dài như tôi. Hóa ra họ cũng chán cuộc sống hiện đại. Họ thèm một chuyến tàu đưa họ trở về. Nơi ấy có những ngày nắng đổ như gương, có chút giận hờn mưa nắng, có chút khờ khạo như gió thu xào xạc. Khi người ta chán nản, có một nơi tìm về đó là bầu trời kí ức.
Chúng ta, ai cũng nhớ tuổi thơ, nhưng lại vô tình đánh rơi chiếc vé may mắn nhất. Miên man trong tiếng tàu khuya, tôi len lỏi trên chiếc tàu của riêng mình để tìm về những ngày yêu dấu. Sự dịu dàng quá đỗi của nàng, tiếng xe thồ của mẹ, tiếng rít thuốc lào thật sâu của bố… vẽ lên cả trời thương nhớ. Thương chứ! Thương cho cái vụng về nhỏ dại! Thương cho nắng đổ vai mẹ! Thương cho mưa đẫm áo bố về.
Giá như có chiếc vé đặc biệt, tôi sẽ đi trên chuyến tàu muộn ấy trở về những ngày thơ bé. Tôi xin chờ để về! Tìm về những dịu dàng, bình yên nhất! Tìm về những ngây ngô ngày bé. Về lại ngày ấy, cái tuổi chẳng biết cái chi, chỉ biết mơ thế giới thật to, chúng tôi là những siêu anh hùng. Ai cũng sẽ lớn lên, cũng sẽ phải lo cơm, áo, gạo, tiền, nhưng tuổi thơ vẫn là điểm dừng chân đặc biệt nhất. Dù chúng ta phải đi qua biết bao chuyến tàu dài, nhưng nơi cuối cùng để đến vẫn là những ký ức đẹp.
Hồi nhỏ chỉ mong mình thành người lớn thật nhanh, được tự do vùng vẫy, không phải sợ ai. Khi lớn lên, trưởng thành thì chúng ta lại sợ đủ thứ trên đời. Và khi ta lớn, lại khao khát trở về những ngày thơ ấy, nhưng đó chỉ là những chuyến tàu ký ức, đưa ta trôi theo những hoài niệm... gói gọn trong hai chữ “ngày xưa”.
“Hãy cho tôi xin một vé không hai, vé đi thôi không cần quay trở lại
Chỉ cần cho tôi được trở về ngày xưa, rong chơi với những ngày mưa
Hãy cho tôi xin hạng vé trung thôi, dẫu tháng năm có lớn thêm thật rồi
Chỉ cần cho tôi được trở về tuổi thơ thì tôi sẽ xin chờ hoài
Một vé đi tuổi thơ sao khó quá người ơi
Bởi bây giờ đây chúng ta lớn rồi, thành em, thành bạn và thành cả tôi, cùng chung ước mơ trở về”
(Cho tôi một vé đi tuổi thơ)