Khai thác gỗ rầm rộ
Trong khi thâm nhập tình trạng khai thác gỗ trái phép tại xã Đăk Sao, chúng tôi tiếp tục nhận được thông tin, tại thôn Đăk Rê 2, xã Đăk Na (huyện Tumơrông) tình trạng khai thác gỗ cũng diễn ra rầm rộ và công khai không kém. Để làm rõ những thông tin mà người dân cung cấp, chúng tôi đã quyết định đơn thương độc mã đi lên khu rừng, nơi được cho là tình trạng khai thác rừng diễn ra công khai.
Để vào được ngôi làng Đăk Rê 2, chúng tôi phải đi bộ qua cầu Kạch Lớn 2, rồi đi bộ khoảng 2km đường đất thì mới tới được đầu làng. Mới chạm chân đến con đường bê tông đầu làng, chúng tôi lại bắt gặp những ánh mắt dò xét từ người dân. Họ luôn để ý đến những bước đi, hành động của người lạ mặt thâm nhập tới địa bàn.
Theo hướng dẫn, khi đi qua 2 con suối nhỏ sẽ tới một ngôi nhà gỗ to và đẹp, từ đây, chỉ cần rẽ trái và đi thẳng sẽ đến được bìa rừng. Mới chỉ cách rừng hơn chừng 500m, chúng tôi đã nghe rất rõ tiếng máy cưa rền rĩ như phát ra từ một xưởng mộc. Đi sát đến khe suối, chúng tôi nghe và cảm nhận rõ tiếng cây đổ ầm ầm khiến chúng tôi không thể không đặt câu hỏi: “Tại sao tình trạng khai thác gỗ diễn ra giữa ban ngày, ai cũng biết nhưng sao lực lượng chức năng nằm cách đó không xa mà không hề hay biết?”.
Càng đi đến gần khu rừng, tiếng máy cưa, tiếng cây đổ càng rõ hơn. Sau gần 30 phút leo đồi, chúng tôi bắt gặp 4 hộp gỗ lớn còn rất mới và có mùi thơm của gỗ đang nằm ngay bìa rừng, đo đạc sơ bộ các hộp gỗ dài khoảng 2,5m, đường kính 40x60. Quan sát quanh khu vực này, chúng tôi phát hiện nhiều vết kéo, trượt dài, chắc do “lâm tặc” vừa mới kéo ra không lâu.
Để tránh bị phát hiện, chúng tôi nhanh chóng rời khỏi vị trí tập kết gỗ ngay bìa rừng để quay lại trung tâm xã Đăk Sao. Trong quá trình điều tra chúng tôi được biết, cứ đến cuối tuần gỗ sẽ được kéo xuống bãi tập kết mà ôtô có thể vào tận nơi để chở. Theo như dự đoán, thứ 6 hàng tuần gỗ sẽ được kéo ra. 2 ngày sau khi phát hiện 4 hộp gỗ, chúng tôi quay lại bờ suối, cách vị trí tập kết gỗ khoảng 300m. Tại đây chúng tôi có thể quan sát rất rõ mọi hành động của “lâm tặc” trong quá trình kéo gỗ xuống bãi tập kết ngay sát mép bờ suối.
Sau một hồi “nằm phục”, “lâm tặc” bắt đầu dùng trâu kéo các hộp gỗ sát bìa rừng xuống khu vực bờ suối. Theo quan sát, để trâu kéo được gỗ từ trên dốc xuống, 3 người đàn ông phải rất vất vả mới có thể điều khiển được trâu đi xuống dốc. Chỉ trong một lúc, số gỗ được tập kết tại bìa rừng đã được trâu kéo hết xuống bờ suối.
Trong vai người đi lấy phong lan rừng, chúng tôi bắt đầu tiếp cận khu bờ suối, lúc này, có khoảng 4-5 người đang bốc gỗ lên chiếc xe ben màu xanh đang đậu dưới mép bờ suối. Bất ngờ gặp người lạ, một người đàn ông ăn mặc tươm tất, có khả năng là chủ gỗ ra nói chuyện và có ánh mắt dò xét. Trong lúc trò chuyện với người đàn ông này, chúng tôi quan sát gỗ hộp được chất đầy trên xe ben. Điều đáng lạ, sự việc xảy ra công khai giữa ban ngày nhưng không hề thấy một cơ quan chức năng nào kiểm soát việc này.
Phó Chủ tịch huyện vào rừng thị sát tình hình
Sau khi mục sở thị tình trạng khai thác gỗ trái phép tại 2 xã Đăk Sao và Đăk Na (huyện Tumơrông), phóng viên đã tìm đến Hạt Kiểm lâm huyện Tumơrông để báo sự việc. Tuy nhiên, khi đến Hạt Kiểm lâm huyện thì chúng tôi nhận được câu trả lời: “Lãnh đạo Hạt đều đi họp”. Ngay sau đó, chúng tôi tìm đến UBND huyện Tumơrông để làm việc.
Sau khi nghe phóng viên phản ánh sự việc, ông A-Hơn - Chủ tịch huyện Tumơrông đã ủy quyền cho ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch huyện cùng với phóng viên vào rừng kiểm tra. Bên cạnh đó, ông Vương Văn Mười còn yêu cầu ông Ngô Trí Nam - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, Phó Chủ tịch xã Đăk Na, trưởng các thôn và công an xã đi cùng.
Dọc tuyến đường mòn dẫn lên rừng, nằm sát bên con suối nhỏ đã cạn khô nước, chúng tôi không khó để bắt gặp các lán bạt của “lâm tặc” để lại. Ngay sát một lán bạt còn mới, 2 cây gỗ dầu lớn đã được “lâm tặc” đốn hạ, nhiều hộp gỗ đã được xẻ và vận chuyển đi. Để minh chứng cho những lời nói của mình trước các lãnh đạo huyện, chúng tôi cùng với một đồng chí kiểm lâm địa bàn tiếp tục leo lên đồi để kiểm tra.
Chỉ mới đi được một quãng ngắn, chúng tôi phát hiện thêm 5 cây dầu đều đã bị đốn hạ. Chỉ nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy vết cắt rất ngọt và vuông. Theo nhận định của đồng chí Mẫn - cán bộ kiểm lâm địa bàn, các dấu vết để lại hiện trường cho thấy các đối tượng đã xẻ gỗ thành hộp để vận chuyển đi.
Tiếp tục kiểm tra xung quanh khu vực, chúng tôi phát hiện thêm 2 gốc dầu, 1 gốc xoan đào và 1 gốc dổi đều đã bị “lâm tặc” triệt hạ. Vậy là sau một thời gian ngắn ngủi, kiểm tra chớp nhoáng thì đã có không dưới 10 cây gỗ lớn đã bị các đối tượng “xẻ thịt” đưa đi. Trong suốt thời gian vào rừng kiểm tra, đồng chí Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch huyện Tumơrông thẳng thắn thừa nhận với phóng viên: “Tình trạng khai thác rừng thì đã rõ, không ai có thể phủ nhận điều này. Chúng tôi sẽ lắng nghe, ghi nhận phản ánh của phóng viên và sắp tới sẽ nghiêm túc cho kiểm tra tất cả các địa bàn, sai đến đâu sẽ xử lý đến đó”. Thái độ của vị Phó Chủ tịch huyện rất thẳng thắn, kiên quyết không bao che, dung túng cho sai phạm của các đối tượng phá rừng và các cán bộ kiểm lâm.
Quay trở lại UBND xã Đăk Sao để làm việc, trao đổi với phóng viên, ông Ngô Trí Nam - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tumơrông, cho biết: “Tại vị trí mà đoàn vào kiểm tra thuộc khoảnh 8, lô 35, tiểu khu 206, thôn ĐăkRê 2, xã Đăk Na. Đây là tiểu khu được giao cho ông A Vã quản lý. Trong quá trình kiểm tra đã phát hiện được nhiều cây gỗ quý đã bị “xẻ thịt”.
Trước những bằng chứng mà phóng viên cung cấp, ông Vương Văn Mười cũng cho biết thêm: “Trong các cuộc họp thường kỳ, lãnh đạo kiểm lâm, chủ tịch các xã đều báo cáo là giữ rừng tốt, không ngờ là sự việc lại phức tạp như thế này. Trước mắt huyện sẽ cho kiểm tra toàn bộ các khu rừng tại 2 xã Đăk Sao và Đăk Na và sẽ có câu trả lời cho báo chí”.
Rõ ràng để xảy ra tình trạng “lâm tặc” ngang nhiên vào rừng khai thác gỗ trái phép, gây hậu quả lớn, trách nhiệm chính phải thuộc về chính quyền xã, Hạt Kiểm lâm huyện Tumơrông… Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, trong một thời gian ngắn nữa, những cánh rừng tại đây sẽ bị “xóa sổ”.
Báo Pháp Luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả.
Một số hình ảnh tàn tích của việc phá rừng:
Cây cổ thụ trơ gốc. |
Một thân cây chưa được lâm tặc chuyển đi. |
"Máu rừng" đang chảy. |
Tàn tích của việc phá rừng. |
Gỗ hộp lâm tặc chưa chuyển đi. |