Tài sản thế chấp “khó nhằn” 8 lần đấu giá mới có người mua
Theo KLTT, ngày 28/10/2003, Thiên Phú ký hai hợp đồng tín dụng với Chi nhánh Agribank Chợ Lớn với số tiền 78 tỷ và 2.000 lượng vàng SJC.
Để đảm bảo hai khoản vay trên, ngày 15/3/2011, Thiên Phú đã thế chấp hai dự án Mỹ Phước 4 và Cầu Đò cho Agribank. Ngày 31/8/2012, tổng dư nợ của Thiên Phú là 294 tỷ. Do không có tiền trả nợ, phát sinh nợ xấu nên Thiên Phú đồng ý để Agribank bán đấu giá hai dự án để trả nợ.
Đối với Mỹ Phước 4, ngày 2/4/2014, được cơ quan có thẩm quyền định giá là 208 tỷ. Ngày 12/6/2014, Thiên Phú ký biên bản thỏa thuận về việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ: “…Thiên Phú tự nguyện bàn giao, bàn giao toàn bộ tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất (QSDĐ), tài sản công trình khác gắn liền với dự án đã được UBND tỉnh Bình Dương cấp GCN QSDĐ và hồ sơ pháp lý để Agribank tổ chức bán đấu giá thu hồi nợ. Giá khởi điểm là 208 tỷ”. Agribank chọn Nam Sài Gòn tiến hành bán đấu giá tài sản.
Ngày 19/4/2014 bán đấu giá lần thứ nhất nhưng không ai đăng ký tham gia. Lần hai, ngày 12/9/2014, Nam Sài Gòn căn cứ theo yêu cầu của Agribank chia Mỹ Phước 4 thành ba khu là A, B1, B2 để dễ tìm kiếm khách hàng. Tổng giá trị bán đấu giá Mỹ Phước 4 lần hai là 187 tỷ nhưng vẫn không có khách hàng đăng ký tham gia đấu giá.
Lần ba vào ngày 22/10/2014, vẫn giữ nguyên như lần thứ hai về giá, về việc chia thành ba khu, nhưng cũng không có khách hàng.
Lần thứ tư, vào ngày 14/11/2014, chỉ tiến hành đấu giá khu B1, B2 (khu A được bán đấu giá chung với Cầu Đò). Giá khởi điểm hai khu là hơn 84 tỷ. Tiếp tục không có khách hàng. Từ lần thứ 5 đến lần thứ 7, đấu giá khu B1, B2 đều không có khách hàng tham gia. Giá khởi điểm đã giảm chỉ còn hơn 79 tỷ.
Lần thứ 8, giá khởi điểm là 77 tỷ và có một khách hàng duy nhất tham gia là Công ty TNHH Địa ốc Thuận Lợi. Ngày 9/10/2015, buổi đấu giá được tiến hành. Phía Thiên Phú có ông Đặng Đinh Anh Trọng được Hội đồng thành viên Thiên Phú trao quyền tham gia, ký kết các văn bản và toàn quyền quyết định trong phiên đấu giá. Công ty Thuận Lợi mua được tài sản đấu giá với số tiền 77 tỷ.
Đối với Cầu Đò được định giá là 162 tỷ và có hai lần đấu giá. Lần thứ nhất vào ngày 23/10/2014 nhưng không có khách mua. Lần thứ hai, ngày 14/11/2014, bán đấu giá cả Cầu Đò và khu A Mỹ Phước 4 với tổng giá trị là 232 tỷ (Cầu Đò 147 tỷ, khu A Mỹ Phước 4 là 85 tỷ). Lần này Công ty Thuận Lợi là đơn vị duy nhất đăng ký tham gia đấu giá. Ngày 5/12/2014, Thuận Lợi trúng đấu giá bằng giá khởi điểm là 232 tỷ.
Việc thanh toán tiền trúng đấu giá, Agribank và Thuận Lợi thỏa thuận chia thành nhiều đợt với lý do phát sinh pháp lý, phải chuyển đổi mục đích và quy hoạch chi tiết 1/500, số tiền thanh toán lớn. Nếu Thuận Lợi không thanh toán đúng hạn thì chịu thêm lãi suất 1,5 lần của lãi suất 7,06%/năm.
Thuận Lợi đã thanh toán đủ tiền cho Agribank và được các bên bàn giao tài sản, dự án; được UBND tỉnh Bình Dương thay đổi chủ đầu tư, phê duyệt các vấn đề pháp lý để thực hiện dự án. Đến nay Mỹ Phước 4 và Cầu Đò đã được đầu tư xong, đã bán cho khách hàng và khách hàng đã được cấp sổ đỏ.
Nhiều tố cáo không có cơ sở
Hai dự án Mỹ Phước 4 và Cầu Đò được bán đấu giá thành từ 2014-2015. Chủ đầu tư mới đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán, hoàn thành dự án, thì bất ngờ giữa năm 2019, đại diện theo ủy quyền của Thiên Phú khi đó là ông Nguyễn Văn Tuấn (Phó GĐ Công ty Thiên Phú) có đơn tố cáo đến Thanh tra Bộ Tư pháp, cho rằng việc đấu giá: Có dấu hiệu thông đồng, dìm giá, không niêm yết, thông báo công khai; Có dấu hiệu làm trái, gây thất thoát trong việc sử dụng, quản lý tài sản nhà nước; Ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá vi phạm pháp luật; VPCC thực hiện công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá trái quy định.
Kết luận thanh tra 07/KL-TTr của Thanh tra Bộ Tư pháp ngày 8/4/2020. |
Quá trình xác minh, Thanh tra Bộ Tư pháp khẳng định những tố cáo trên đa số là không có cơ sở.
Đối với tố cáo Nam Sài Gòn “thông đồng, dìm giá trong việc không niêm yết, thông báo công khai”, hồ sơ tài liệu chưa đủ cơ sở kết luận tố cáo.
Vấn đề ông Nguyễn Việt Hưng vừa là Trưởng phòng Pháp chế, Phó phòng Hành chính nhân sự tại Agribank Chợ Lớn, vừa là cổ đông sáng lập Nam Sài Gòn: Hồ sơ tài liệu không thể hiện ông Hưng tham gia vào quá trình đấu giá nói trên nên có chăng ông Hưng chỉ vi phạm quy chế của Agribank, không liên quan quá trình bán đấu giá.
Về tố cáo “dấu hiệu gây thất thoát tài sản nhà nước”, Thanh tra Bộ Tư pháp khẳng định không có cơ sở để kết luận dấu hiệu làm trái, gây thất thoát tài sản nhà nước.
Thanh tra Bộ Tư pháp đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh tra với các Chi nhánh của Agribank trong xử lý, thu hồi nợ, tránh khiếu nại, tố cáo phát sinh liên quan. Sở Tư pháp Bình Dương kiểm điểm trách nhiệm của VPCC Mỹ Phước. Đối với Nam Sài Gòn, tổ chức rút kinh nghiệm.
“Bộ sậu” Thiên Phú đã bị bắt giam
Với “con nợ” Thiên Phú, việc đâm đơn khiếu kiện sau khi bàn giao tài sản thế chấp cho Agribank để bán đấu giá xử lý nợ xấu đã từng xảy ra.
Trước đây, Thiên Phú từng có đơn yêu cầu Thanh tra Bộ Tư pháp hủy kết quả đấu giá với Dự án Khu dân cư Hòa Lân (phường Thuận Giao, TP Thuận An, Bình Dương). Sau khi Thanh tra Bộ Tư pháp kết luận yêu cầu của Thiên Phú không có cơ sở, thì ngay sau đó Công ty này lại có đơn với dự án Mỹ Phước 4 và Cầu Đò.
Trước khi Thanh tra Bộ Tư pháp ban hành KLTT số 07/KL-TTr này, “bộ sậu” Thiên Phú đã bị bắt. Ngày 25/3/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét với ba bị can: Bùi Thế Sơn (Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thiên Phú), Trần Văn Tấn và Đặng Bình Anh Trọng về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 Điều 174 BLHS. Ông Tấn và ông Trọng là hai PGĐ của Thiên Phú, được xác định là đồng phạm giúp sức.
Sau khi được VKSND Tối cao phê chuẩn, ngày 27/3/2020, Bộ Công an đã tổ chức thi hành các Quyết định và Lệnh với 3 bị can nêu trên.
Như PLVN đã phản ánh, trước đây Thiên Phú là chủ đầu tư Dự án Hòa Lân. Tuy nhiên, do thế chấp dự án vay tiền và không trả được nợ nên năm 2015 Thiên Phú đã bàn giao tài sản là Dự án Hòa Lân cho Agribank để bán đấu giá trả nợ.
Sau khi trúng đấu giá, Kim Oanh thực hiện các nghĩa vụ như thanh toán tiền đấu giá, đền bù, nộp thuế thay Thiên Phú. Thiên Phú cung cấp danh sách 15 hộ dân bị thu hồi đất, được cấp nền tái định cư. Các hộ dân này thỏa thuận quy đổi nền tái định cư thành tiền. Vì tin tưởng, Kim Oanh đã trả tiền theo danh sách mà Thiên Phú cung cấp.
Thiên Phú đồng ý với kết quả bán đấu giá, ký vào Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá (HĐMBTSĐG), ký biên bản đo đạc, bàn giao đất cho bên mua đấu giá trúng là Kim Oanh. Nhưng sau một thời gian dài, đầu năm 2019, Thiên Phú “trở cờ”, khởi kiện đòi hủy kết quả đấu giá, đòi nhận lại dự án.
Bị Thiên Phú khởi kiện, Kim Oanh thu thập hồ sơ thì mới biết trong 15 hộ dân mà Kim Oanh chi trả tiền tái định cư, chỉ có 1 hộ là có thật, 14 hộ còn lại là “ảo”. UBND phường Thuận Giao (TP Thuận An) cũng xác định 14 hộ dân trong danh sách do Thiên Phú cung cấp không nằm trong danh sách có đất bị thu hồi. Cuối năm 2019, Kim Oanh tố cáo hành vi chiếm đoạt gần 30 tỷ của Thiên Phú đến cơ quan công an.
Ngoài hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà Bộ Công an đã khởi tố, trong đơn tố cáo, Kim Oanh còn nêu hai hành vi dấu hiệu tội phạm khác của ông Sơn và một số cá nhân.
Thứ nhất, Kim Oanh tố ông Sơn bắt tay với một số cá nhân, tổ chức tìm cách cản trở, phá hoại Kim Oanh, “mưu đồ cướp đoạt Dự án Hòa Lân”. Thứ hai, Kim Oanh tố cáo, dù Kim Oanh đã trúng đấu giá Dự án Hòa Lân, hiện là chủ đầu tư hợp pháp với dự án này, nhưng Thiên Phú vẫn chào bán cho người khác.