“Hại người thành hại mình”
Công ty Thiên Phú của ông Bùi Thế Sơn là chủ đầu tư nhiều dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trong đó phải kể đến các dự án khu dân cư Mỹ Phước 4, khu dân cư Cầu Đò (TX Bến Cát) và dự án khu dân cư Hòa Lân (TP Thuận An).
Tuy nhiên, các dự án này Công ty Thiên Phú đầu tư chủ yếu bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Agribank. Khi khoản nợ đến hạn của Công ty Thiên Phú quá lớn, không trả được, Ngân hàng Agribank đã tiến hành bán đấu giá tài sản thế chấp chính là các dự án nhà ở do Công ty Thiên Phú làm chủ đầu tư. Trong đó, dự án khu dân cư Cầu Đò và dự án khu dân cư Mỹ Phước 4 được bán đấu giá năm 2015. Doanh nghiệp trúng đấu giá là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thuận Lợi.
Năm 2017, Ngân hàng Agribank tiếp tục bán đấu giá dự án khu dân cư Hòa Lân để thu hồi khoản nợ hơn 1.100 tỷ đồng của Công ty Thiên Phú. Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Kim Oanh TP Hồ Chí Minh trúng đấu giá với số tiền 1.353 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm hơn 400 tỷ đồng.
Sau khi trúng đấu giá, Công ty Kim Oanh TP HCM chậm trả tiền mua tài sản đấu giá nên phải trả thêm hơn 97 tỷ đồng tiền lãi chậm trả cho Ngân hàng Agribank. Ngoài ra, Công ty Kim Oanh TP HMC còn bỏ tiền giải phóng mặt bằng đối với diện tích mà trước đây Công ty Thiên Phú chưa đền bù cho người dân. Trong quá trình giải phóng mặt bằng này, ông Bùi Thế Sơn đã chỉ đạo lập hồ sơ 14 hộ dân nhận tiền đền bù với số tiền 29,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Công ty Kim Oanh TP HMC phát hiện danh sách nhận tiền đền bù không đúng và không có thật, có dấu hiệu của việc lập không hồ sơ để chiếm đoạt tiền của Công ty Kim Oanh TP HCM.
Mặc dù phát hiện điều này nhưng Công ty Kim Oanh TP HCM không tố cáo đối với ông Bùi Thế Sơn mà hai bên đã thương lượng để giải quyết. Thậm chí, theo bà Đặng Thị Kim Oanh, TGĐ Công ty Kim Oanh TP HCM thì bà còn chấp nhận hỗ trợ cho Công ty Thiên Phú để tháo gỡ khó khăn và không làm ảnh hưởng đến việc Công ty Kim Oanh TP HCM triển khai dự án khu dân cư Hòa Lân.
Song, sự nhún nhường và chịu thiệt của bà Đặng Thị Kim Oanh đã vô ích. Ông Bùi Thế Sơn sau đó đã thực hiện một loạt hành động cản trở Công ty Kim Oanh thực hiện dự án khu dân cư Hòa Lân.
Việc đầu tiên, Công ty Thiên Phú làm đơn tố cáo gửi Thanh tra Bộ Tư pháp đề nghị thanh tra việc bán đấu giá dự án khu dân cư Hòa Lân đối với Công ty cổ phần Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn. Khi có kết quả thanh tra, Bộ Tư pháp không hủy kết quả bán đấu giá thì tháng 2/2019, ông Bùi Thế Sơn ký đơn khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và yêu cầu tòa án ra quyết định ngăn chặn Công ty Kim Oanh thực hiện dự án.
Thậm chí đi xa hơn, ông Bùi Thế Sơn còn bổ sung đơn khởi kiện yêu cầu hủy cả hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản với Ngân hàng Agribank. Việc này không chỉ tạo ra rào cản để Công ty Kim Oanh không thực hiện được dự án mà còn muốn đòi lại tài sản mà Công ty Kim Oanh TP HCM đã đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng đầu tư vào đây.
Không những vậy, cùng thời điểm này, Công ty Thiên Phú tiếp tục làm đơn gửi Thanh tra Bộ Tư pháp, đề nghị thanh tra việc bán đấu giá khu dân cư Mỹ Phước 4, khu dân cư Cầu Đò với kịch bản tương tự như dự án khu dân cư Hòa Lân. Với việc làm này, các dự án đã bán đấu giá rơi vào tình cảnh tê liệt, khiến cho Công ty Kim Oanh TP HCM thiệt hại nghiêm trọng về tài sản.
Trước hành động này của ông Bùi Thế Sơn và Công ty Thiên Phú, bà Đặng Thị Kim Oanh buộc lòng phải tố cáo việc ông Bùi Thế Sơn có hành vi lập khống hồ sơ để chiếm đoạt hơn 29 tỷ đồng đến C03 Bộ Công an. Kết quả xác minh ban đầu đã xác định ông Bùi Thế Sơn và 2 cấp phó có hành vi này nên cả 3 đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra.
Giám đốc thành “con rối”, công ty thành “bình phong”
Theo các tài liệu mà Báo PLVN có được, sự việc ông Bùi Thế Sơn thực hiện hàng loạt hành động cản trở các doanh nghiệp mua đấu giá tài sản do Ngân hàng Agribank bán đấu giá là dự án khu dân cư Cầu Đò, Mỹ Phước, Hòa Lân đã có bàn tay của một thế lực khác, kiểm soát ông Bùi Thế Sơn và lấy danh nghĩa Công ty Thiên Phú để thực hiện những hành động pháp lý này.
Cụ thể, trong các cuộc nói chuyện giữa ông Bùi Thế Sơn, con trai ông Sơn với bà Đặng Thị Kim Oanh, ông Sơn và con trai luôn đề cập đến tên hai người mà họ phụ thuộc toàn bộ và phải làm theo ý hai người này, đó là ông “Tuấn” và bà Hường”.
Trong buổi làm việc ngày 20/11/2019 giữa ông Bùi Thế Sơn với bà Đặng Thị Kim Oanh, ông Bùi Thế Sơn và con trai ông Sơn (anh Nghiệp), ông Sơn nói: “Có những cái không thể nói chuyện trực tiếp với em được. Nghiệp, con giải thích cho cô, bố không có chống đối gì cô, bố luôn luôn ủng hộ nhưng kẹt cái đã ủy quyền cho người ta, em hiểu hôn mà không rút hồ sơ lại được, anh rất là khó ở trong này”.
Ông Bùi Thế Sơn cũng giải thích: “Tết năm đó kẹt quá phải trả nợ cho người ta, gặp được phao nào thì phải xử cái phao nấy, anh khủng hoảng nợ nên phải lấy tiền của tụi nó trả cho nợ người ta. Do đó anh phải chuyển pháp nhân và ủy quyền cho nó hoàn toàn quyết định hết để lấy tiền trả nợ cho người ta. Còn việc của em bây giờ không phải dừng lại là kết thúc ở đây. Anh nói với em là phải thương lượng cho bên kia rút thì mọi chuyện sẽ ổn, thì anh khỏi phải trả tiền lại cho họ và họ phải trả hồ sơ lại cho anh thì anh mới hủy cái ủy quyền đó được”.
Sự việc đã được chứng thực bởi những người trong cuộc là ông Bùi Thế Sơn và người thân. Tại cuộc trao đổi ngày 22/11/2019 giữa con trai ông Bùi Thế Sơn và bà Đặng Thị Kim Oanh, anh này cũng khẳng định với bà Oanh: “Ba con nói ba con không phải là người cầm cán, vẫn xác định với cô một điều như vậy thành ra là ba con có nói tờ giấy đó ba con có ký nhưng mà bà ấy giữ chứ ba con không giữ”.
Theo bà Đặng Thị Kim Oanh, những điều mà ông Bùi Thế Sơn nói là có cơ sở. Giữa bà và ông Bùi Thế Sơn thực sự không có mâu thuẫn gì. Thế lực sử dụng “bình phong” Công ty Thiên Phú là những người cạnh tranh với bà trong lĩnh vực bất động sản.
Theo hồ sơ thay đổi đăng ký doanh nghiệp của Công ty Thiên Phú, ngày 14/3/2019, doanh nghiệp này đăng ký thay đổi thành viên nắm giữ 1% vốn góp. Thời điểm này, thành viên góp vốn là ông Đặng Bình Anh Trọng đã có văn bản phản ánh bị ép buộc chuyển nhượng 1% vốn góp.
Hiện nay, trong các đơn thư gửi các cơ quan chức năng, thậm chí là phát ngôn trước báo chí, đại diện cho Công ty Thiên Phú là ông Nguyễn Văn Tuấn. Gần đây nhất, trong đơn gửi Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam, ông Nguyễn Văn Tuấn cũng là người ký đơn, với chức danh Phó Giám đốc Công ty.
Tài liệu này đứng tên Nguyễn Văn Tuấn, người được ông Bùi Thế Son và con trai nhiều lần nhắc tên |
Cũng từ đầu năm 2019 đến nay, liên tục các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản do gia đình bà Đặng Thị Kim Oanh đầu tư vốn và quản lý liên tục bị tấn công, hạ uy tín. Bà Đặng Thị Kim Oanh đã phải làm đơn kêu cứu về việc này gửi lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông để ngăn chặn tình trạng này.
Việc ông Bùi Thế Sơn bị khởi tố, bắt giam là hậu quả trực tiếp từ việc biến Công ty Thiên Phú thành bình phong cho người khác. Việc làm này dù vô tình hay cố ý thì cũng đã trở thành việc “hại người, hại mình”.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu