Phóng viên không khỏi “giật mình” khi nghe hàng loạt hộ dân “kêu trời” về những bất cập, khuất tất, thiếu công bằng trong thực thi chương trình hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do hạn, mặn trên địa bàn.
“Xin” ủng hộ quỹ vô tội vạ
Theo quy trình áp dụng trong việc xét duyệt hỗ trợ thiệt hại lúa do hạn, mặn thì khi có thông tin hỗ trợ thiệt hại hạn, mặn, chính quyền địa phương phải thông báo để người dân nắm và hướng dẫn người dân tự kê khai mức độ cũng như diện tích thiệt hại của mình.
Theo đó, cán bộ ấp nắm bắt chi tiết chính xác số liệu, tình hình và báo cáo về xã. Tại đây, UBND xã sẽ thành lập Hội đồng thẩm định, Đoàn khảo sát đến từng hộ để thẩm định lại mức độ thiệt hại và sau đó trình lên UBND huyện để huyện tham mưu UBND tỉnh xin cấp kinh phí với mức hỗ trợ tại đợt 1: Nếu thiệt hại từ 30-70% được hỗ trợ 1 triệu đồng/ha, thiệt hại 70% trở lên được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha…
Quy trình là thế, nhưng đông đảo các hộ dân tại ấp Trung Hòa, xã Đông Hòa bức xúc: “Chúng tôi hoàn toàn không nhận được thông tin, giấy tờ của chính quyền địa phương về việc thực hiện thủ tục khai báo tình hình thiệt hại lúa do hạn, mặn. Mà việc này đều do cán bộ ấp tự ghi hết, từ diện tích cũng như mức độ thiệt hại của người dân. Thực tế, hoàn toàn không có Đoàn khảo sát, Hội đồng thẩm định nào đến làm công tác khảo sát, thẩm định gì cả.
Thậm chí cũng không có việc niêm yết mức hỗ trợ thiệt hại để người dân nắm bắt thông tin về chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Ở đây, người dân chỉ chờ đến khi nào nhận được thông báo của cán bộ ấp: “Đã có tiền”, thì người dân cứ đến UBND xã nhận. Còn việc UBND xã phát bao nhiêu thì người dân chỉ nhận bấy nhiêu, không được hỏi han, khiếu nại gì cả(?!)”.
Nông dân T.V.Đ (ấp Trung Hòa) trình bày: Gia đình ông có 4ha, tính theo diện tích gieo sạ thì nhà ông bị thiệt hại khoảng 50% nhưng số tiền mà ông nhận được từ UBND xã để hỗ trợ thiệt hại chỉ vỏn vẹn 1,5 triệu đồng. Trong khi đó, nếu xem xét đúng quy định thì mức hỗ trợ thiệt hại đối với gia đình ông Đ. được nhận tại đợt 1 là 4 triệu đồng. Đó là chưa kể, ngay sau khi ông nhận tiền hỗ trợ cán bộ ấp còn “xin” lại ông Đ. 100.000 đồng để “ủng hộ” Quỹ Hỗ trợ nông nhân.
Đồng cảnh ngộ với ông Đ., hộ ông N.V.Đ. (ngụ cùng ấp), gia đình có 5ha đất canh tác, diện tích gieo sạ là 3,9ha cũng được ghi là thiệt hại 50% và chỉ được nhận số tiền hỗ trợ là 900.000 đồng, nếu đúng quy định thì ông phải được hỗ trợ 3,9 triệu đồng. Sau khi nhận tiền hỗ trợ, cán bộ ấp này cũng “xin” lại 100.000 đồng để “ủng hộ” Quỹ Hỗ trợ nông nhân nhưng do ông N.V.Đ. không có tiền lẻ nên ấp thu luôn 200.000 đồng.
Chưa hết, hộ ông N.V.Q. (ấp Trung Hòa) có tổng diện tích đất là 5,2ha.Trong đó, diện tích gieo cấy là 4ha, vụ lúa vừa qua gia đình ông bị thiệt hại hầu hết nhưng ông chỉ nhận được số tiền hỗ trợ 3,9 triệu đồng. Trong khi, lẽ ra với diện tích và mức độ thiệt hại nói trên thì số tiền ông Q. được nhận là 8 triệu đồng.
“Do không biết gì về thông tin hỗ trợ thiệt hại lúa do hạn, mặn nên tôi hỏi lý do vì sao mình được nhận nhiều hơn các hộ khác thì vị cán bộ ấp trả lời rằng do thấy gia đình tui bị thiệt hại nhiều nên “ưu tiên”. Sau đó cán bộ ấp cũng bảo do nhận nhiều nên “xin” lại gia đình tôi 200.000 đồng để ủng hộ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Nhầm tưởng được “ưu tiên” nên tôi góp luôn 500.000 đồng cho cán bộ ấp”, ông Q. cho biết thêm.
Chỉ được hỗ trợ 50% thiệt hại…
Chúng tôi tìm đến gặp ông Nguyễn Minh Hiện - trưởng ấp Trung Hòa thì được biết, trong ấp có khoảng trên 220 hộ dân làm một vụ lúa, một vụ tôm. Vụ lúa vừa qua do bị ảnh hưởng bởi thiên tai hạn, mặn, nên các hộ dân trong ấp gần như đều bị thiệt hại.
Khi chúng tôi đề cập đến những vấn đề bất cập liên quan đến việc hỗ trợ hạn, mặn tại địa phương, ông Hiện nói: “Lúc đầu, ấp chỉ thống kê diện tích thiệt hại trắng của người dân là 16ha, nhưng sau khi có chính sách hỗ trợ của Chính phủ về việc hỗ trợ thiệt hại lúa do hạn, mặn cho người dân, ấp rà soát lại thì nhận thấy tất cả diện tích lúa của người dân trong ấp đều bị thiệt hại.
Cụ thể, hầu hết không thể thu hoạch được gì, thậm chí có hộ còn không thu hoạch được bao lúa nào. Thấy vậy, nên ấp đã đề xuất lên UBND xã để hỗ trợ hết cho người dân. Đồng thời, ấp cũng yêu cầu xã cấp phát đủ cho người dân. Nhưng không biết do báo trước, báo sau gì, mà sau khi ấp “đấu tranh” quyết liệt, xã chỉ quyết định phân bổ cho ấp khoảng 220ha”.
“Với số diện tích được phân bổ đó so với diện tích thực mà người dân bị thiệt hại, nếu bồi thường theo đúng quy định của Nhà nước thì không đủ nên ấp tiến hành họp dân nói rõ tình hình thực tế là ấp chỉ được phân bổ bấy nhiêu, ấp sẽ áp dụng mức để hỗ trợ bằng cách như: Đối với hộ dân có 3ha trừ bờ mương 1ha, còn lại 2ha và mỗi hộ bị thiệt hại 2ha chỉ được nhận 1ha. “Nếu người dân “chịu” thì đằng này (cán bộ ấp - PV) sẽ nhận về để cấp phát, còn nếu không chịu thì thôi không dám lĩnh”, ông Hiện nói với người dân như thế.
Như vậy, nếu các hộ dân chấp thuận thì sẽ được nhận 50% số diện tích thực mà họ bị thiệt hại, còn nếu như người dân không đồng ý thì cũng đồng nghĩa với việc họ không được nhận được bất kỳ khoản tiền hỗ trợ thiệt hại của Chính phủ.
Để làm rõ những điều bất thường trong việc chi hỗ trợ thiệt hại cho người dân, đặc biệt là việc sau khi nhận tiền hỗ trợ, người dân còn phải nộp lại một khoản tiền ủng hộ Quỹ Hỗ trợ nông dân có phải do chủ trương của UBND xã. Phóng viên đã nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Văn Gia - Chủ tịch UBND xã Đông Hòa, nhưng không nhận được thiện chí tiếp xúc.
Khi phóng viên liên hệ với ông Ngô Quang Thắm, Bí thư Huyện ủy An Minh, nhưng vị Bí thư huyện bảo “bận” và nói rằng: “Có cần trao đổi gì thì qua gặp Trưởng phòng Nông nghiệp huyện”. Tìm đến Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh, bà Trương Thị Ánh Đào, Phó Trưởng phòng nói chưa nghe người dân phản ánh và cũng chưa nghe UBND xã báo cáo tình hình. Quan điểm của huyện là hỗ trợ đúng và đủ cho đối tượng theo đúng quy định. Bà Đào nói thêm: “Tôi không phát ngôn mà chỉ cung cấp thông tin”. Ngoài ra, vị Phó phòng còn nói lại nguyên văn câu nói của ông Bí thư: “Gặp và cung cấp tài liệu, thông tin cho tụi nó”?!...”.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện nói thế, nhưng thực tế người dân nhận tiền hỗ trợ như thế nào thì câu chuyện đã rõ… Ở đây, “người dân có tiếng được hỗ trợ, nhưng miếng thì rất ít”. Không biết chính quyền tỉnh có biết cấp dưới của mình phân bổ tiền hỗ trợ hạn, mặn cho người dân một cách khó hiểu và khó tin như thế?!