Khi dự án cống hóa mương thuộc gói thầu số 4 cải tạo kênh mương thoát nước lưu vực sông Kim Ngưu qua địa bàn ngõ 34, phường Vĩnh Tuy dần đi vào hoàn thiện, người dân nơi đây rất phấn khởi với hi vọng dự án sẽ tạo nên một viễn cảnh xanh, sạch, đẹp hơn. Nhằm góp phần sạch đẹp cho ngõ phố, hộ bà Năm, ông Huấn bỏ tiền mua gạch cát, xi măng để lát từ phần hè cũ trước nhà ra hè phố thì bị UBND phường Vĩnh Tuy cho lực lượng xuống hót hết đi, khiến các hộ dân “khóc dở, mếu dở”.
Muốn sạch, đẹp cũng khó
Phản ánh đến Báo PLVN, bà Hoàng Thị Năm (trú tại số nhà 29 ngách 34/187 phố Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, sau khi thực hiện dự án cống hóa mương và thi công tuyến hè đường thì trên mặt bằng tồn tại một đoạn từ mép tường bó hè mới đến phần hè cũ trước nhà bà (số nhà 177a ngõ 34 phố Vĩnh Tuy) dài khoảng 3m chưa được thi công.
Đây là diện tích đơn vị thi công đào đặt tuyến cống thoát nước thải, nhưng lấp tạm sơ sài, đồng thời thấp hơn cao độ hè hoàn thiện hơn 20cm. Do đó, mỗi khi mưa xuống khu vực trũng thấp này bị ngập đọng nước và bùn đất lầy lội. Bà Năm đã có đề nghị với đơn vị thi công và được cho biết, vị trí này người dân tự bỏ kinh phí ra làm cho sạch sẽ.
Vì vậy, cuối tháng 6/2016, gia đình bà Năm và gia đình anh Huấn (số nhà 175 ngõ 34 phố Vĩnh Tuy) cùng nhau mua gạch, cát, xi măng để tôn phần nền này lên cao bằng vỉa hè mới cho sạch sẽ và tiện đi lại. Tuy nhiên, Tổ trưởng và Tổ phó Tổ dân phố 19A không cho làm với lý do ngõ đi giữa hai số nhà 169 và 175 thấp bà con đi lại khó khăn. Khi đó, đại diện UBND phường Vĩnh Tuy xuống kiểm tra có đưa ra phương án là các gia đình tạm thời dừng để lấy ý kiến đồng thuận của tổ dân phố.
Tiếp đó, gia đình bà Năm đã đề nghị họp tổ dân phố và kiến nghị các phương án giải quyết như tự bỏ tiền ra nâng toàn bộ ngõ đi cho các hộ dân, nhưng không hiểu sao Tổ trưởng dân phố vẫn không tổ chức họp. Trong khi đó, để chuẩn bị mặt bằng rải bê tông nhựa mặt đường, nhà thầu tiếp tục ủi phần đất đá thừa vào, cộng thêm việc mưa bão, tập kết rác thải làm khu vực này rất bẩn, mất vệ sinh và mỹ quan.
Đến chiều tối ngày 27/7/2016, cán bộ UBND phường Vĩnh Tuy xuống kiểm tra, lập biên bản ghi nhận sự việc và yêu cầu trong khi chờ ý kiến giải quyết của UBND phường, gia đình bà Năm chỉ được thu dọn phần đất đá thừa và không được đổ bê tông hay lát gạch lên phần đã đổ cát. Gia đình bà Năm đã chấp hành giữ nguyên hiện trạng.
Thế nhưng, sáng 29/7/2016, UBND phường Vĩnh Tuy bất ngờ cho lực lượng địa chính, đô thị, công an phường và thiết bị máy xúc xuống đào xúc rồi chuyển toàn bộ khối lượng cát và một số vật liệu của bà Năm và ông Huấn đi. Đáng chú ý, trước đó, UBND phường Vĩnh Tuy không có bất cứ một văn bản hay thông báo nào đối với hai gia đình về việc này.
Bà Năm bức xúc cho biết: “Tôi không hiểu tại sao lãnh đạo UBND phường Vĩnh Tuy lại cho làm gấp rút khi chưa có bất cứ một thông báo nào cho người dân chúng tôi. Hơn nữa, UBND phường chưa kiểm tra thực tế hiện trường, chưa tham khảo ý kiến của nhân dân để nắm bắt chính xác toàn bộ bản chất của sự việc mà lại xúc hết vật liệu của chúng tôi đi như vậy.
Trong suốt thời gian thi công, gia đình chúng tôi đã phải chịu nhiều bất tiện, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt đời sống hàng ngày, nhà cửa thì lún nứt mà chưa được bất cứ cơ quan nào giải quyết. Đáng lẽ sau khi thi công, nhà thầu phải hoàn trả lại mặt bằng, đảm bảo sự đi lại thuận tiện cho người dân nhưng họ không làm. Khi chúng tôi phải tự làm thì lại bị ngăn cản, xử lý cưỡng chế một cách vội vàng như thế. Hiện nay, trước cửa nhà tôi vẫn là một hố trũng đọng nước và rác rất là bẩn”.
Cũng theo bà Năm, việc làm này của UBND phường tương ứng với hành vi cưỡng chế thi hành buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu. Tuy nhiên, UBND phường Vĩnh Tuy đã bỏ qua toàn bộ trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định của pháp luật. Không có thông báo, không có biên bản vi phạm, cũng không có quyết định cưỡng chế nhưng lại tiến hành cưỡng chế và xúc vật liệu của chúng tôi đi. Việc làm trên của UBND phường Vĩnh Tuy làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản, quyền và lợi ích chính đáng của chúng tôi, đồng thời gây nhiều ý kiến bức xúc, không đồng tình trong dân cư.
Chính quyền nói không phải cưỡng chế
Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, ông Trần Nam Sơn - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy khẳng định, đây không phải là hành động cưỡng chế của UBND phường đối với hai gia đình trên mà là ra quân xử lý sai phạm về trật tự đô thị và vệ sinh môi trường. Việc ra quân này thực hiện theo đúng kế hoạch và chỉ thị của Thành ủy và Quận ủy.
Vậy tại sao không có thông báo cho người dân nắm trước được sự việc? Ông Sơn cho biết, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch ra quân xử lý trật tự đô thị và vệ sinh môi trường trên toàn bộ địa bàn phường và đã có thông báo, tuyên truyền trên loa truyền thanh của phường. Đây là kế hoạch chung, chứ không phải là thông báo cho từng hộ gia đình một.
Tuy nhiên, nhắc đến nội dung này, bà Năm khẳng định: “Chúng tôi chưa nhận được bất cứ một thông báo nào về kế hoạch xử lý trật tự đô thị và vệ sinh môi trường. Văn bản không có mà trên hệ thống loa truyền thanh cũng chưa thấy thông báo gì”.
Thiết nghĩ, UBND quận Hai Bà Trưng cần vào cuộc làm rõ vụ việc trên, tránh bức xúc, dị nghị của người dân về chính quyền địa phương.