Trong phiên thảo luận về Báo cáo bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng năm 2014 sáng qua (2/6), cùng với những thống nhất cao về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vẫn đau đáu nỗi lo về khả năng chịu đựng của nền kinh tế trước những căng thẳng trên biển Đông trong điều kiện còn nhiều hạn chế nội tại không dễ khắc phục ngay. Nhiều ĐBQH mong rằng Chính phủ và các cơ quan chức năng “sớm làm dịu tình hình biển Đông nhưng không vì tình hình biển Đông mà xao nhãng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Tăng tự chủ cho nền kinh tế
Phân tích những hạn chế, tồn tại của nền kinh tế, một số ĐBQH cho rằng, xu hướng ổn định của nền kinh tế thực sự chưa vững chắc, nhất là tình hình hiện nay nguy cơ tiềm ẩn có thể gây mất ổn định trở lại, đã và có thể xuất hiện thêm những tình huống tác động tiêu cực đến sự phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế của đất nước ta. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận nguồn vốn, nợ công còn tiềm ẩn rủi ro nhiều, tình hình đó đòi hỏi phải có ngay các giải pháp chủ động phù hợp trong phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh, ổn định xã hội không chỉ cho những tháng cuối năm 2014 mà còn cho cả lâu dài.
Theo một số ĐBQH, trong các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thì tập trung nguồn lực tái cơ cấu nền kinh tế là giải pháp quan trọng, toàn diện, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đồng thời tiếp tục đề ra những chính sách phù hợp để tăng trưởng tín dụng cao hơn, tạo đà cho nền kinh tế, có chính sách phù hợp và quyết liệt để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn để phát triển sản xuất và thu hút lao động với việc đẩy nhanh và hiện thực hóa các chính sách đã ban hành, bổ sung nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ xúc tiến đầu tư, thương mại và tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Cùng với đó, đặt mục tiêu xây dựng nền kinh tế phát triển cân bằng, hài hòa và ổn đình nên về lâu dài, theo một số ĐBQH, thu hút vốn FDI phải được tiến hành song song với xây dựng một chương trình đồng bộ để phát triển mạnh hơn nữa thị trường nội địa và thúc đẩy nhiều hơn nữa các doanh nghiệp trong nước phát triển, tiếp tục kích cầu thị trường nội địa, kiểm soát thị trường và nguồn vốn cho nền kinh tế.
Tránh lệ thuộc thị trường nước ngoài
Trước mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, nhất là sự lệ thuộc của Việt Nam vào thị trường nguyên liệu của Trung Quốc, trong tình hình biển Đông hiện nay, có nhiều lo ngại về những hành động trả đũa ngược của Trung Quốc đối với Việt Nam khi căng thẳng biển Đông leo thang, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Vì thế, nhiều ĐBQH bày tỏ quan tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động tìm thị trường mới, củng cố niềm tin thị thường, phát triển hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo đó, ĐBQH lưu ý Chính phủ phải hết sức quan tâm để giải quyết giữa nhu cầu yên dân với giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội và bảo vệ chủ quyền quốc gia, chủ quyền biển đảo, phát triển kinh tế và đặc biệt chú ý không lệ thuộc vào nước láng giềng…
Nhiều ĐB kiến nghị cần có các giải pháp đầu tư tiềm lực quốc phòng để bảo vệ chủ quyền vững toàn diện, thông qua đầu tư cho các lực lượng chấp pháp trên biển, xây dựng hệ thống phòng thủ hiện đại, đầu tư cho ngư dân ở những vùng trọng điểm.
Trong đó, hỗ trợ ngư dân vay vốn ưu đãi để nâng cấp tàu đánh cá, đồng thời mua trang thiết bị ngư cụ hiện đại nhằm chuyển đổi cơ cấu tàu thuyền, chế biến dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng bền vững, củng cố và phát triển nghiệp đoàn nghề cá vững mạnh để bảo đảm phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường nguồn lợi thủy sản và an ninh quốc phòng vùng biển đảo của Tổ quốc.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng:
- Trung Quốc là một đối tác quan trọng, tuy nhiên trong nhiều năm qua, trong quan hệ thương mại với Trung Quốc chúng ta luôn nhập siêu nên ngay từ nhiều năm trước đây, Chính phủ đã chỉ đạo tìm mọi biện pháp để có thể cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc. Điều đó cho thấy chúng ta đã chủ động chứ không phải đến bây giờ mới tìm cách cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, do quy mô tương đối lớn, cần có thời gian, cần tích cực triển khai hơn.
Chúng ta cũng đang có rất nhiều thuận lợi trong hội nhập quốc tế, tạo nhiều thuận lợi hơn cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập các thị trường. Với việc đàm phán 6 hiệp định theo các nguyên tắc “các nước phải tôn trọng và không can thiệp vào thể chế chính trị của chúng ta; các hiệp định thực hiện trên cơ sở cân bằng lợi ích nhưng có tính đến sự chênh lệch về trình độ phát triển; phải có lộ trình phù hợp, có thời gian để thực hiện dần chứ không thể thực hiện ngay đối với một số đối tượng còn đang yếu kém, nhưng có tiềm năng”, thực hiện đúng nguyên tắc này thì các hiệp định thương mại chúng ta đàm phán, ký kết sẽ mang lại nhiều lợi ích, giúp Việt Nam có được vị thế độc lập tương đối trong quá trình quan hệ kinh tế với nước ngoài.