Thương hóa hại
Những vấn đề về trẻ em luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Từ những câu chuyện xúc động của mảnh đời cơ cực, khuyết tật, hoàn cảnh cho tới những câu chuyện gây chấn động xã hội như bị bạo hành, xâm hại tình dục, vi phạm pháp luật luôn là đề tài nóng của báo chí, truyền thông. Thế nhưng, thời gian vừa qua, bên cạnh ý định tốt giúp phanh phui các vụ xâm hại, lạm dụng, bóc lột trẻ em thì nhiều bài báo viết về trẻ em nhưng lại chưa đầy đủ kiến thức; viết về trẻ em rơi vào cảnh bị bạo hành, bị xâm hại tình dục… dù ẩn tên nhưng lại khai thác rất kỹ về họ hàng, gia đình, địa chỉ, trường học của em; quên không làm mờ mặt nạn nhân, thậm chí công khai cụ thể tên tuổi nạn nhân... Thay vì đặt mình vào hoàn cảnh của nạn nhân để tìm hiểu và viết bài thì nhiều nhà báo lại “vô tư” cố gắng khai thác tận cùng nỗi đau của nhân vật, đôi khi thêm chút “gia vị” để lấy được sự quan tâm của công chúng…
“Có một loạt bài báo viết về lao động trẻ em tại tỉnh Hải Dương thay vì giúp được trẻ em thì đã làm cho nhiều các em nhỏ bị mất việc. Điều này chứng tỏ tác giả khi viết không tìm hiểu về pháp luật lao động có quy định trẻ 15 tuổi có thể ký kết thỏa ước lao động. Việc nhà báo viết thiếu kiến thức đã dẫn tới nhiều cửa hàng sợ bị thanh tra không dám thuê các em nhỏ làm việc. Chính các em nhỏ cũng bị mất cơ hội kiếm thêm tiền ngoài giờ học mỗi tháng 400-500 nghìn để giúp cho việc học tập bản thân” – đây là một trong những ví dụ mà PGS, TS Nguyễn Ngọc Oanh - Học viện Báo chí đưa ra tại hội thảo “Phóng viên báo chí về truyền thông triển khai Luật Trẻ em và những vấn đề về trẻ em” do Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, khi đề cập đến vấn đề truyền thông làm ảnh hưởng đến trẻ em hiện nay.
Cùng quan điểm, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em đặt câu hỏi: “Một trẻ vị thành niên phạm tội, sau vài năm được xóa án tích trở lại cuộc sống đời thường, nhưng vết tích được lưu lại trên internet, trên mạng xã hội, trên báo thì tương lai đứa trẻ sẽ như thế nào?” . Theo ông Nam, nhiều trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục, khi bị báo chí khai thác đời tư quá kỹ đã không thể sống ở địa phương, cả gia đình em phải bỏ đi biệt xứ.
Lòng nhiệt tình chưa đủ
“Truyền thông phải góp phần cải thiện giúp đỡ chứ không nên làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các em” – là mong muốn của PGS, TS Nguyễn Ngọc Oanh. Để giúp đỡ được trẻ em, theo PGS, TS Nguyễn Ngọc Oanh với từng đối tượng cụ thể, đặc biệt với các đối tượng đặc biệt như trẻ em bị HIV/AIDS, trẻ em vi phạm pháp luật hay trẻ em bị buôn bán qua biên giới, các nhà báo cần phải có kỹ năng tác nghiệp, tìm hiểu tâm lý lứa tuổi và hiểu về luật để có một cách truyền thông cho đúng.
Đặc biệt lưu ý mối liên quan của truyền thông với tình hình xâm hại tình dục trẻ em diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em được báo chí phát hiện, nêu trước tiên và chính báo chí tạo áp lực cho các cơ quan quản lý. Do đó, báo chí có vai trò điều chỉnh dư luận xã hội, cung cấp cho trẻ em kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình, lên án với hành vi xâm hại tình dục. Nhưng nếu không cẩn trọng thì báo chí có thể sẽ vi phạm quyền trẻ em ngay khi đang tìm cách bảo vệ trẻ em.
“Các cơ quan báo chí cần tham khảo ý kiến tổ chức chuyên môn trước khi nêu hoàn cảnh gia đình, người giám hộ. Đặc biệt lưu ý trường hợp nhạy cảm vì tội phạm, nạn nhân, người giám hộ, người tốt cáo… là thành viên gia đình. Thông tin nếu bị sai lệch, nhạy cảm có thể tạo thêm bi kịch cho cuộc đời các em. Chúng tôi khuyến nghị báo chí cần nghiên cứu kỹ hơn về quyền trẻ em vì đã có một số báo, một số kênh truyền thông đại chúng mong muốn bảo vệ trẻ em nhưng vi phạm quyền khác của trẻ em đặc biệt là quyền bảo vệ bí mật đời sống riêng tư. Quyền này quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài và toàn diện của trẻ em. Đừng chỉ vì yêu cầu bảo vệ trẻ em mà quên đi các quyền khác của trẻ” – Cục trưởng Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.