Câu nói đó đã từng trở thành khẩu hiệu và thần tượng của không biết bao thế hệ thanh niên “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Đó là Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, ông đã có cuộc trò chuyện với PV Báo Pháp luật Việt Nam Chủ nhật về thế hệ trẻ hôm qua và hôm nay…
Văn hóa của một dân tộc anh hùng
Là người đã đi qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, có lẽ ông thấu hiểu hơn ai hết hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ, những con người “từ nhân dân” mà ra, giản dị mà vô cùng vĩ đại?
- Việt Nam chúng ta từ ngàn xưa đã có vị trí địa lý rất quan trọng ở Đông Nam Á. Vì thế, trong lịch sử Việt Nam luôn phải chống lại các thế lực thù địch. Dù nước ta đất không rộng, người không đông nhưng ý chí chống ngoại xâm của chúng ta đã được hun đúc trong mỗi con người từ hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
70 năm trước, ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Ðạo, tỉnh Cao Bằng, chấp hành Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân- đội quân chủ lực của QÐND Việt Nam được thành lập với 34 chiến sỹ đầu tiên như một đốm lửa nhỏ. Trải qua 70 năm dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Bác Hồ kính yêu, Quân đội ta đã vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Ðảng và nhân dân giao phó.
Những chiến công vang dội của Quân đội ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc; cùng toàn dân đánh thắng hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế; những cống hiến to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc biểu tượng sáng ngời về một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, khẳng định một ý chí “đã ra quân là đánh thắng”...
Thiếu tướng Lê Mã Lương luôn tin vào thế hệ trẻ |
- Trước hết phải khẳng định những nhận xét đó chỉ đúng với một số ít người trẻ hiện nay và nó không đại diện cho cả thể hệ người Việt trẻ. Có lẽ trên thế giới Việt Nam là đất nước duy nhất liên tục phải trải qua những cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ. Sự hy sinh cho đất nước cho dân tộc là cực lớn, chúng ta đã trải qua cuộc chiến tranh giải phóng 30 năm, suốt từ 1945 - 1975 rồi sau đó chúng ta lại tiếp tục bước vào cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc từ 1976 -1988. Như vậy chúng ta có 42 năm liên tục trong cuộc kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc.
Khắc phục hậu quả của chiến tranh là rất lâu dài, để có được diện mạo đất nước như hôm nay, dù chưa có được những bước đột phá nhưng để Việt Nam có vị thế hôm nay là nhờ sự phấn đấu nỗ lực trong mấy chục năm vừa qua.
Có được những điều ấy rõ ràng là do thế hệ trẻ, những người sinh trước và sau năm 1975 đã có những đóng góp to lớn xây dựng lại đất nước. Tương lai đất nước thuộc về người Việt trẻ, không ít người hiện đang giữ trọng trách quan trọng trong bộ máy lãnh đạo nhà nước ở Trung ương cũng như địa phương. Người Việt trẻ hiện nay chính là rường cột của đất nước. Vì vậy đánh giá phải nhìn một cách toàn cục.
Thiếu tướng ấn tượng nhất về người trẻ hiện nay là gì? Ông có niềm tin vào giới trẻ ngày nay không?
- Nếu so sánh với thế hệ đi trước tức là thế hệ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như chúng tôi, một thế hệ mà theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, chúng tôi rất tự hào đã kế thừa xứng đáng thế hệ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp và thế hệ chống Mỹ, như chúng tôi đã để lại dấu ấn to lớn đó là chiến thắng đế quốc Mỹ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước không chỉ dựa vào ý chí, quyết tâm, lòng dũng cảm mà còn dựa trên nền văn hóa dân tộc đã kết tinh từ bao đời và được đẩy lên cao trào ở trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chúng ta thắng Mỹ là thắng bằng nền văn hóa lâu đời.
Với những người Việt trẻ hiện nay, tôi cho rằng họ đang kế thừa xứng đáng thế hệ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Ưu điểm hơn và vượt xa hơn thế hệ đi trước, người Việt trẻ hiện nay đã tiếp thu được một lượng lớn tri thức dồi dào, to lớn của dân tộc và thế giới. Điều này những thế hệ đi trước như chúng tôi không có được.
Thời gian gần đây, tôi đi nói chuyện ở một số trường đại học, những vấn đề mà sinh viên đặt ra về tham nhũng, về phát triển kinh tế bằng mọi giá mà không quan tâm tới phòng thủ đất nước như xây dựng dự án ở đèo Hải Vân… Trước đó nữa là tinh thần dân tộc sục sôi khi biển Đông dậy sóng và lễ tang cảm động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khiến tôi thêm tin tưởng vào thế hệ trẻ hôm nay sẽ tiếp nối các thế hệ đi trước trong việc xây dựng đưa đất nước đi lên.
Vậy theo Thiếu tướng, điều gì ở người Việt khiến các quốc gia lớn mạnh khác phải nể sợ?
- Theo tôi, có 2 yếu tố khiến thế giới nói chung và các quốc gia lớn mạnh phải nể sợ. Thứ nhất, người Việt Nam có ý chí chiến đấu giữ gìn bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc. Người Việt Nam luôn thể hiện tinh thần chiến đấu quật cường trong kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ dân tộc. Điều này được cả thế giới công nhận. Thứ hai, người Việt Nam rất thông minh, điều này thể hiện ở những cuộc thi Olympic tri thức như toán, lý, hóa… học sinh, sinh viên Việt Nam luôn đạt được thành tích rất cao, những nhà khoa học có tên tuổi... Tuy nhiên dù hội tụ cả hai yếu tố đó nhưng đất nước vẫn chưa có những bước phát triển đột phá, nổi bật? Vấn đề ở đây là chính sách tạo điều kiện cho người tài phát huy năng lực, khả năng của mình, trách nhiệm đó thuộc về cơ quan quản lý.
Tăng tuổi, thời gian nghĩa vụ là sự công bằng
Thời gian gần đây dự thảo tăng tuổi và tăng thời gian nghĩa vụ quân sự đang có những ý kiến trái chiều. Thậm chí có nhiều người lo tiêu cực và không công bằng. Quan điểm của ông ra sao?
- Tôi nghĩ tăng tuổi và tăng thời gian nghĩa vụ là điều hoàn toàn đúng và công bằng trong giai đoạn hiện nay. Khi khoa học quân sự đã phát triển mạnh, chúng ta cần có thời gian để đào tạo những chiến sỹ có tri thức, có sức khỏe để tiếp cận với khoa học hiện đại… Chẳng hạn, phải làm sao để một người có thể bơi được 50-70 km trong lòng biển thì cần phải có sự rèn luyện lâu dài chứ không thể một sớm, một chiều…
Về tiêu cực, trốn nghĩa vụ, tôi nghĩ thời nào cũng có nhưng chỉ là số ít. Thời chiến tranh, có những thanh niên nhập ngũ rồi nhưng không chịu được môi trường sống khắc nghiệt, áp lực sẵn sàng nhận nhiệm vụ nên đã bỏ trốn. Các bậc cha mẹ vì có con như vậy cảm thấy xấu hổ con mình không hoàn thành nghĩa vụ công dân đối với đất nước đang có chiến tranh.
Thời đó, chúng ta không có luật nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, tôi tin khi ý thức được trách nhiệm với đất nước, lòng tự hào dân tộc trỗi dậy thì người ta sẽ gác hết mọi việc riêng để làm tròn trách nhiệm với đất nước.
Trở lại câu chuyện của ông, vốn là con liệt sĩ chống Pháp, ông có thể được miễn quân sự và có thể được theo học một trường đại học nào đó nhưng khi mới 17 tuổi ( năm 1967), ông đã xung phong lên đường nhập ngũ. Điều gì là nỗi ám ảnh và sức mạnh nào giúp ông vượt qua muôn vàn gian khổ trước sự khốc liệt của chiến tranh?
- Ngày tiễn con ra trận, mẹ tôi nuốt nước mắt dặn dò: Con ra đi cố gắng rèn luyện cho bằng anh, bằng em, đừng lo cho mẹ. Cho dù gian khổ đến đâu con cũng phải cố gắng hết mình để chiến đấu vì Tổ quốc, vì niềm tự hào của gia đình và nhân dân… Lời căn dặn của mẹ tôi luôn là sự động viên, khích lệ rất lớn đối với tôi, để tôi có thêm sức mạnh, ý chí và nghị lực để vượt qua những vất vả, gian khổ nhất của một người lính Cụ Hồ.
Có thể nói, trong cuộc chiến đấu này, không ai có thể hiểu chiến tranh hơn những người mẹ và mẹ tôi đã từng phải chịu nỗi đau khi mất đi người chồng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Lần tiễn đưa này, cũng có thể là lần mẹ tôi sẽ mất tiếp đứa con của mình. Nhưng mẹ vẫn sẵn sàng chấp nhập và luôn động viên tôi chiến đấu làm sao cho xứng với anh linh của bố, một thế hệ bộ đội Cụ Hồ mẫu mực. Và đó cũng là sự hy sinh vĩ đại của không chỉ mẹ tôi mà còn của tất cả những người phụ nữ Việt Nam.
Cuộc đời tôi đã trải lắm thăng trầm. Nhưng ở thời nào cũng vậy, đã sống thì phải chiến đấu hết mình vì Tổ quốc, vì lòng tự tôn dân tộc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ trước những thách thức với các thế lực thù địch.
Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!