Muốn kiện phải chuẩn từ lá đơn
Ông Trương Huy Hai (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) hỏi: “Tôi nộp đơn khởi kiện vụ việc dân sự ra toà nhưng cán bộ tiếp dân của Toà án không nhận mà yêu cầu phải bổ sung đơn. Theo quy định thì việc yêu cầu bổ sung đơn có cần thể hiện bằng văn bản gửi người khởi kiện hay chỉ cần thông báo bằng miệng khi tiếp xúc với đương sự? Việc trả lại đơn của Tòa án nếu không xác đáng thì giải quyết bằng cách nào?”.
Có thể nói việc chuẩn bị đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn như thế nào để yêu cầu Toà án giải quyết là một vấn đề tương đối phức tạp, khó khăn mà trong thực tế giải quyết một số vụ việc, người khởi kiện thường hay gặp phải. Theo đó, có những vụ việc người khởi kiện phải mất công đi lại rất nhiều lần nhưng vẫn không được Toà án thụ lý giải quyết. Nguyên nhân có thể là do người khởi kiện chưa nắm được các quy định pháp luật liên quan, ngoài ra cũng có một phần đến từ cán bộ tiếp dân, thụ lý đơn chưa giải thích chi tiết cụ thể, chưa hướng dẫn đầy đủ cho người khởi kiện biết cần phải bổ sung thêm những tài liệu gì. Ví dụ như kèm theo đơn khởi kiện thì người khởi kiện phải có các hồ sơ, tài liệu để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ. Tuy nhiên, do nhận thức pháp luật còn hạn chế, họ lại nộp những bản sao (bản phô tô) các hồ sơ, tài liệu thì Toà án sẽ không chấp nhận. Bởi vì, các chứng cứ nộp cho Toà án phải là bản chính hoặc bản được công chứng hoặc chứng thực hợp pháp, còn bản sao thì chỉ có giá trị tham khảo.
Vấn đề ông hỏi, Khoản 2 Điều 164 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:“a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện; b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện; c) Tên, địa chỉ của người khởi kiện; d) Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có; đ) Tên, địa chỉ của người bị kiện; e) Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có; g) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có”.
Bị trả đơn khởi kiện, khiếu nại ai, ở đâu?
Cũng theo quy định pháp luật, khi nhận đơn khởi kiện hoặc sau khi nhận đơn khởi kiện, xét thấy đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 164 của Bộ luật Tố tụng Dân sự thì tuỳ theo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện mà Toà án yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện trong một thời hạn do Toà án ấn định, nhưng không quá ba mươi ngày, kể từ ngày người khởi kiện nhận được văn bản của Toà án yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện. Trong trường hợp đặc biệt, Toà án có thể gia hạn thêm, nhưng không quá mười lăm ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn do Toà án ấn định nêu trên. (Khoản 1 Điều 9 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC).
Cũng theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện phải được làm bằng văn bản, trong đó phải nêu rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho người khởi kiện biết để họ thực hiện. Văn bản này có thể được giao trực tiếp hoặc gửi cho người khởi kiện qua đường bưu điện. Việc giao hoặc gửi này phải có sổ theo dõi. Vì vậy, nếu cán bộ tiếp dân của Toà án không nhận mà yêu cầu phải bổ sung đơn, cũng chỉ nói bằng miệng, không có văn bản là không đúng quy định pháp luật. Ông có quyền làm đơn khiếu nại hành vi không nhận đơn, không hướng dẫn cặn kẽ, chi tiết của cán bộ tiếp dân lên Chánh án Toà án để được giải quyết. Đồng thời, ông cần chuẩn bị thêm hồ sơ, tài liệu để sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Toà án. Nếu hết thời hạn do Toà án ấn định mà người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Toà án thì toà án căn cứ vào Khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Tố tụng Dân sự trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho họ. (Khoản 4 Điều 9 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP).
Tuy nhiên, cũng theo quy định của pháp luật thì ông có quyền khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện. Cụ thể, Điều 170 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định như sau: “Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo do Tòa án trả lại, người khởi kiện có quyền khiếu nại với Chánh án Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện.
Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện của Tòa án, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện”.
Cũng theo quy định của Bộ luật này, trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phải ra một trong các quyết định sau đây: Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện; nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.
Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trả lời đơn khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện của Chánh án Tòa án, người khởi kiện có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết.
Ba ngày để khiếu nại lên Chánh án
“Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo do Tòa án trả lại, người khởi kiện có quyền khiếu nại với Chánh án Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện.Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện của Tòa án, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện.” - Điều 170 Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu