Sáng nay (3/3), nhân ngày quốc tế phụ nữ 8/3, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) và Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức tọa đàm về bình đẳng giới với chủ đề “Trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong bối cảnh thế giới thay đổi về việc làm”.
Ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, Việt Nam có 73% phụ nữ tham gia vào nền kinh tế, là tỷ lệ lớn thứ 3 trong nền kinh tế ASEAN.
Tuy nhiên, “tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế vẫn thấp hơn so với lao động nam”, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho hay.
Lao động nữ được hưởng lương và có bảo hiểm xã hội đang gia tăng, nhưng chỉ 29% phụ nữ hiện đang tham gia trong công việc được trả lương, so với 40% nam giới đang làm việc.
Số liệu khảo sát của Viện Khoa học Lao động và xã hội chỉ ra, phụ nữ thường chịu các công việc dễ bị tổn thương hơn nam giới và làm nhiều việc nhà không được trả lương.
Có đến 23,3% lao động nữ làm công việc gia đình không hưởng lương, trong khi con số này với nam giới là 11,4%; nữ thất nghiệp nhiều hơn nam (6,79% so với 7,32%).
Tiền lương bình quân tháng của lao động nữ bằng 0,90 nam (năm 2015). Và khoảng cách bình đẳng giới trong thu nhập từ 13% năm 2004 xuống 12% năm 2012.
Sự khác biệt này là kết quả của sự khác biệt về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật, vị thế trong việc làm…
Cần xóa bỏ những rào cản để đảm bảo bình đẳng giới |
Theo các chuyên gia trong vào ngoài nước, cần xóa bỏ những rào cản, bao gồm phân biệt đối xử trong luật pháp và thay đổi các chuẩn mực xã hội, để trao quyền kinh tế cho phụ nữ thúc đẩy bình đẳng trong việc tiếp cận các cơ hội và kết quả của sự phát triển kinh tế.
Đầu tiên phải loại bỏ phân biệt trong nghề nghiệp, cần hỗ trợ phụ nữ, nhất là phụ nữ trẻ trong những lĩnh vực mới, mở rộng cơ hội về giáo dục, đa dạng hóa cơ hội lựa chọn việc làm cho phụ nữ; đưa ra ưu tiên bảo trợ xã hội như chăm sóc trẻ em, chăm sóc y tế để giảm gánh nặng cho xã hội.
Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ hiện đang trình Chính phủ tổng kết Nghị quyết 11 về công tác nữ và tổng kết 10 năm thực hiện Luật bình đẳng giới, trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung các vấn đề bất cập, trong đó có chuyển dịch và trao quyền cho phụ nữ.
Ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, “Chương trình nghị sự về Các mục tiêu phát triển bền vững nhằm xây dựng một tương lai mà không ai bị bỏ lại phía sau, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái, không thể đạt được nếu chúng ta không xóa bỏ những rào cản về mặt cấu trúc và phân biệt đối xử trong luật pháp và thực tiễn để đảm bảo các cơ hội việc làm bền vững một cách bình đẳng cho phụ nữ”.