101 chuyện khó nói
“Tôi thật sự muốn khóc khi không biết làm thế nào. Tôi mang thai vất vả lắm, không giống như các mẹ khác, bị động thai nên phải nằm bất động gần ba tháng, sau đó phải hạn chế đi lại, vận động, tất nhiên là "chuyện đó" cũng “cấm tiệt” chồng luôn để giữ con.
Ban đầu chồng vui vẻ chấp nhận, nhưng sau đó thỉnh thoảng có đòi hỏi này nọ, mình nói hãy vì con mà cố gắng. Anh cứ nói đùa với mình: “Anh mà kiêng thế này có khi đâm ra hư hỏng mất thôi em ơi. Sau này sinh con xong em phải đền anh gấp đôi đấy”.
Sinh em bé được hơn một tháng, anh bắt đầu đòi hỏi, tôi sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, phần vì yếu nên chưa có nhu cầu, thế là anh bắt đầu mặt nặng mày nhẹ. Anh bảo mình vô tâm chỉ có con mà thôi. Cuộc sống vợ chồng giờ cứ lục đục chỉ vì chuyện đó, mà tôi thì không cố được. Thêm vào đó công việc lại căng thẳng thường xuyên, về nhà tôi chỉ muốn được ngủ, chẳng thiết tha gì hết” - Phương Ánh, bà mẹ trẻ 24 tuổi đang làm kế toán ở Thái Nguyên chia sẻ.
Mỗi lần nhìn thấy chồng nhăn nhó khi bị từ chối, cô rất thương chồng, nhưng khi “lâm trận” thì cô không thể vào cuộc được, phần vì căng thẳng và kiêng khá lâu, phần vì cô vẫn còn yếu. Sau vài lần “hì hục” không thành, chồng chán nản ôm chăn ra ghế sofa ngủ, mặc cho cô nước mắt ngắn dài nằm với con….
Cùng cảnh ngộ như Phương Ánh, Thu Hồng cũng bấn loạn vì chăm con, chiều chồng. Trước đây chuyện chăn gối của vợ chồng Hồng rất ổn nhưng bắt đầu từ khi sinh con mọi thứ thay đổi 180 độ. Con của Thu Hồng sinh thiếu tháng nên bé rất yếu và hay quấy khóc cả đêm lẫn ngày. Công việc của Hồng lại thường xuyên phải đi công tác, mỗi lần đi là cô đứng ngồi không yên, lúc nào cũng phải gọi điện về xem con cái thế nào, nhiều khi con ốm xin nghỉ ở nhà lại phải lôi máy tính ra làm việc vì tới lịch.
Con ốm, việc bận, lúc nào cũng căng thẳng lo lắng, cô hầu như không quan tâm tới chồng nữa, và cũng chẳng còn cảm xúc khi quan hệ với chồng. Không hiểu sao trước đây mỗi lần “lâm trận” thì hai vợ chồng đều thỏa mãn, nhưng bây giờ mỗi lần chồng ôm là cô nổi gai ốc, người cứng đơ và bị đau bên bụng, thậm chí cố gắng thư giãn thì trong đầu cô toàn vang lên tiếng con khóc. Vì vậy mỗi khi chồng đòi hỏi cô thoái thác: “Con đang ốm, còn đâu tâm trạng nữa anh, để sau đi…”.
Thế là hai vợ chồng bắt đầu căng thẳng. Chồng cô cho rằng cô chỉ quan tâm đến con mà không quan tâm đến chồng, còn cô thì cho rằng anh quá ích kỷ, chỉ biết thỏa mãn mình mà không biết vợ đang mệt mỏi vất vả thế nào. Gia đình nhỏ bắt đầu ít đi tiếng cười…
Gia đình nhà anh Đức Long (30 tuổi, làm việc tại một công ty phần mềm) lại gặp vấn đề trớ trêu hơn. Vợ anh vốn là người có vóc dáng khá đậm đà nên sau khi sinh bé thứ nhất chị càng “phì nhiêu”. Trong khi bạn bè than phiền vì chuyện bị vợ cấm vận chuyện ấy sau sinh thì anh lại thở dài: “Tôi thì vợ lúc nào cũng có nhu cầu, đáp ứng nhiệt tình, nhưng khổ nỗi sinh con xong cơ thể của cô ấy chảy xệ, bụng nhão và đầy vết rạn, “chỗ ấy” thì trở nên "mênh mông". Thú thật là vẫn yêu vợ nhưng mỗi khi nhìn vợ trong hình ảnh không còn xiêm y, mọi cảm xúc của tôi bị tụt xuống số 0. Những lần tôi cố thì cũng không đâu vào đâu, không còn được như trước nữa. Ngày trước thì nhìn vợ chỗ nào cũng “căng” cũng “mẩy” giờ thì…”.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Chuyên gia lên tiếng
Theo chuyên viên tư vấn Vũ Ánh Tuyết, sau thời gian sinh nở, tử cung và âm đạo vẫn còn nở to, khoảng hai tuần sau khi sinh con, tử cung người mẹ mới co nhỏ lại tương đương với thời kỳ mang thai 3 tháng, cổ tử cung cũng dần khép bớt lại. Ít nhất từ 4-6 tuần sau sinh, các cơ quan khác dần dần mới trở lại bình thường, thậm chí còn phải lâu hơn tùy theo thể trạng sức khỏe của từng người.
Do thay đổi hooc môn nên có người phụ nữ còn thay đổi về mặt cảm xúc. Trong thời gian mang thai và sinh con, họ thường bị thay đổi lớn về mặt sinh lý, thêm nữa việc có thêm một thành viên nhí ra đời cũng tác động lớn đến mặt tình cảm vì vậy nên các cặp vợ chồng kiêng cữ lâu ngày trước và sau sinh dễ gặp trục trặc.
Đối với chuyện tình dục vợ chồng, càng căng thẳng sẽ càng khó để cảm xúc trở lại. Ngoài em bé thì chồng bạn cũng là người hỗ trợ rất lớn về mặt tinh thần, vì vậy đừng khiến anh trở nên thừa thãi trong gia đình, hãy cùng trao đổi với anh ấy thay vì việc bỏ rơi chồng. Cũng nên thấu hiểu cảm xúc bị “cấm vận” của anh ấy quá lâu ngày dẫn tới sự khó chịu và căng thẳng.
Vợ không nên cự tuyệt một cách thẳng thừng mà tìm cách tâm sự trao đổi những khó khăn để chồng cùng thấu hiểu, hướng dẫn chồng chăm sóc em bé nhiều hơn để bạn có nhiều thời gian nghỉ ngơi tạo cân bằng cho cơ thể và cảm xúc của bạn. Nếu công việc làm bạn quá mệt mỏi và ảnh hưởng đến bạn, có thể thương lượng với sếp để làm nửa ngày hoặc hỗ trợ thêm tại nhà để bạn có thêm thời gian nghỉ.
Nếu có điều kiện, bạn có thể tìm thêm người giúp việc để có nhiều thời gian chăm sóc bản thân và thư giãn. Nếu quá khó khăn trong quan hệ tình dục do âm đạo bị khô, có thể dùng thêm chất bôi trơn hỗ trợ và đừng lơ là việc tránh thai.
Với vai trò là người chồng, bạn cần thông cảm và chia sẻ với những khó khăn mà vợ đã trải qua khi mang thai và sinh con. Để con được an toàn và khỏe mạnh, bản thân người phụ nữ đã phải hi sinh rất nhiều, từ nhan sắc đến dáng vóc. Hãy giúp đỡ để vợ có nhiều thời gian chăm sóc bản thân, nhìn nhận người vợ ở góc độ là một người bạn đời, cùng chung trách nhiệm với cô ấy trong việc chăm sóc con cái, nhà cửa, gia đình.
Đồng thời không nên quá gây sức ép với vợ trong việc đáp ứng nhu cầu sinh lý mà cần kiên nhẫn, tâm sự với vợ nhiều hơn, chia sẻ và lắng nghe những khó khăn của vợ, dần dần mọi việc sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa.