PV: Thưa ông, đến nay, ở nước ta vẫn chưa có số liệu thống kê chính xác về tình trạng Quấy rối tình dục, một phần vì khó thể xác định hay “bắt quả tang” hành vi quấy rối tình dục. Vậy ông có thể cho biết, những hành vi nào sẽ được xác định là quấy rối tình dục?
TS. GVCC. Chu Văn Đức: Quấy rối tình dục rất đa dạng, từ những hành vi ít bị để ý, khó bị phát hiện, khó phân biệt và thống kê. Ngay nạn nhân nhiều khi cũng không biết. Còn cơ quan chức năng thì thường chỉ quan tâm và vào cuộc khi hành vi có dấu hiệu tội phạm rõ ràng, có tính nguy hiểm cao như cưỡng dâm, hiếp dâm.
Hành vi quấy rối tình dục có thể được hiểu là việc dùng những hành vi hoặc lời nói mang hàm ý tình dục nhằm gây tổn hại đến danh dự và nhân phẩm của người khác. Đây là hành vi làm tổn thương đến người bị hại ngoài mong muốn của họ.
Tại khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 về khái niệm của quấy rối tình dục tại công sở là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được sự đồng ý của người đó.
Từ đó, ta có thể hiểu hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nói riêng và nhiều địa điểm khác nói chung có sẽ mang những hình thức chủ yếu sau:
Thứ nhất, hình thức quấy rối tình dục bằng lời nói: Một là, các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn; Hai là, bằng những ngụ ý về tình dục như những truyện cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ; Ba là, những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.
Thứ hai, hình thức quấy rối tình dục bằng hành vi: Một là, quấy rối tình dục bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc; Hai là, cố tình động chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm;
Thứ ba, hình thức quấy rối tình dục bằng hành vi phi lời nói gồm các hành động không được mong muốn như sau: Một là, ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của các ngón tay; Hai là, việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, màn hình máy tính, các áp phích, thư điện tử, ghi chép, tin nhắn liên quan tới tình dục cho nạn nhân biết.
Tiến sĩ Tâm lý học – ông Chu Văn Đức – Trưởng Bộ môn Tâm lý học – Đại học Luật Hà Nội. |
PV: Thưa ông, ở một góc độ khác, có phải cứ nắm tay, ôm hôn, động chạm vào cơ thể nhau đều bị coi là quấy rối tình dục hay không?
TS. GVCC. Chu Văn Đức: Đương nhiên là không. Nắm tay, ôm hôn…cũng là những cử chỉ phổ biến trong giao tiếp thân mật. Những hành vi này chỉ có thể xem là quấy rối tình dục khi được thực hiện có chủ ý và người kia không mong muốn.
PV: Thưa ông quấy rối tình dục ngoài xảy ra ở các môi trường như công sở, trường học, thì còn có nhiều trường hợp xảy ra ở nơi công cộng, mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái. Thông thường những hành vi này thường khó tố cáo vì chính nạn nhân cũng không biết người quấy rối tình dục là ai. Theo ông, thực trạng nạn quấy rối tình dục ở nơi công cộng tại Việt Nam đang diễn ra như thế nào? Và có những biện pháp xử lý như thế nào để giảm bớt tình trạng này?
TS. GVCC. Chu Văn Đức: Chưa có thống kê cho nên rất khó đánh giá về thực trạng. Tuy nhiên từ kinh nghiệm của bản thân cũng như qua phản ánh trên các phương tiện truyền thông, quấy rối tình dục ở nước ta là phổ biến. Ở đây có nhiều lý do.
Thứ nhất, có sự hấp dẫn tự nhiên về mặt giới tính. Khi hai người khác khác giới bắt tay nhau thì hành vi nắm tay nhau thường dài hơn, nhất là khi một trong hai hoặc cả hai có sự hấp dẫn cao.
Thứ hai, do vấn đề chưa được nhận thức đầy đủ, cả người bị quấy rối và người quấy rối, và thứ 3, như đã nói ở trên, nhiều hành vi khó bị phát hiện, khó chứng minh và do đó khó bị xử lý.
PV: Thưa ông, quấy rối tình dục có thể để lại cho nạn nhân những hậu quả như thế nào? Đặc biệt, trong trường hợp nạn nhân là trẻ em thì có những hậu quả nặng nề gì hơn so với người lớn không?
TS. GVCC. Chu Văn Đức: Quấy rối tình dục có thể ảnh hưởng lên tinh thần và thể chất nạn nhân, có thể để lại hậu quả nặng nề tùy theo từng trường hợp. Quấy rối tình dục, dù là nhẹ như đụng chạm vào nơi nhạy cảm, có ý cầm và giữ tay lâu…, nếu được thực hiện nhiều lần, thì đã gây khó chịu, thậm chí xấu hổ, sợ hãi, bất an… cho nạn nhân và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý, nhân cách của nạn nhân, nhất là khi nạn nhân là trẻ em.
Còn với những hành vi như hiếp dâm, cưỡng dâm thì hậu quả rất nặng nề, thậm chí có những trường hợp nạn nhân tự tử.
PV: Thưa ông, về góc độ pháp lý, đã có một số quy định xử phạt về quấy rối tình dục.Theo ông, những quy định pháp lý hiện hành đã đủ tính răn đe xã hội so với quy định pháp luật tại các nước khác?
TS. GVCC. Chu Văn Đức: Đương nhiên những quy định về xử phạt hành vi quấy rối tình dục ở nước ta hiện nay là chưa đủ sức răn đe. Nhưng theo tôi, vấn đề chính ở đây không phải là nặng hay nhẹ mà là ở chỗ khó thực hiện được các quy định này. Như trên đã nói quấy rối tình dục thường khó bị phát hiện, khó chứng minh. Và nạn nhân, vì nhiều lý do, thường ngại tố cáo những hành vi này.
Việc ngăn chặn hành vi quấy rối tình dục còn nhiều khó khăn. |
PV: Thưa ông! Đối với những trường hợp nạn nhân bị tấn công, quấy rối tình dục ở những nơi không có phương tiện, bản thân nạn nhân cũng không kịp ghi lại hành vi của kẻ quấy rối thì có cách nào để nạn nhân có thể chứng minh được việc mình bị quấy rối tình dục đến cơ quan chức năng không ạ?
TS. GVCC. Chu Văn Đức: Trường hợp này khó hơn nhưng không phải là không thể. Có thể có người làm chứng. Tuy nhiên, những người có hành vi quấy rối tình dục thường có xu hướng ổn định, lặp đi lặp lại hành vi này nên nếu quyết tâm thì họ sớm muộn cũng bị vạch mặt.
PV: Theo đánh giá của ông, những biện pháp đang được áp dụng để hạn chế tình trạng quấy rối tình dục có đem lại hiệu quả như mong đợi? Theo ông chúng ta cần thay đổi như nào về cả chế tài và tuyên truyền, giáo dục trong xã hội để kìm hãm, chấm dứt tình trạng quấy rối tình dục?
TS. GVCC. Chu Văn Đức: Theo tôi, trong lúc chờ thay đổi chế tài thì chúng ta có thể làm nhiều việc để phòng ngừa quấy rối tình dục. Ví dụ, phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức của người dân về quấy rối tình dục. Bên cạnh đó, nên tăng cường chiếu sáng, lắp camera giám sát ở nơi làm việc và sinh hoạt công cộng, lực lượng chức năng lập danh sách để theo dõi những người từng có hành vi quấy rối tình dục, thậm chí công khai danh tính những người này.
PV: Thưa ông, hiện nay có nhiều nạn nhân bị quấy rối tình dục nhưng không dám lên tiếng vì còn e ngại những đánh giá, cái nhìn khắt khe, sai lệch của xã hội đối với chính nạn nhân. Vậy, theo ông có những biện pháp nào để các nạn nhân của quấy rối tình dục mạnh dạn và sẵn sàng tố cáo, lên án những hành vi vi phạm?
TS. GVCC. Chu Văn Đức: Theo tôi, ở đây có hai khía cạnh. Thứ nhất, động viên, khích lệ nạn nhân quấy rối tình dục tố cáo. Thứ hai, đảm bảo an toàn cho người tố cáo.
PV: Cuối cùng, ông có thể chia sẻ thêm về những trăn trở và mong muốn của mình về vấn đề này nữa không ạ?
TS. GVCC. Chu Văn Đức: Theo quan điểm cá nhân tôi, chúng ta không thể loại bỏ quấy rối tình dục khỏi xã hội nhưng có thể hạn chế nó. Thực trạng hiện nay gây lo ngại đối với không ít người trong xã hội. Cũng có những người chưa quan tâm đến vấn đề này. Những chúng ta hãy hình dung, đến một ngày nào đó, nạn nhân có thể là chúng ta, con cái chúng ta và lúc đó thì đã muộn. Vì vậy, tôi mong rằng các cơ quan chức năng đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cáo nhận thức, ý thức của người dân về quấy rối tình dục và có những biện pháp hiệu quả hơn nhằm hạn chế quấy rối tình dục.
Xin chân thành cảm ơn ông!