Dẫu đây không phải lần đầu một phim tài liệu “cháy vé”nhưng đó là một sự minh chứng, để kéo khán giả đến rạp, hãy chạm tới những cảm xúc thiên lương, thật chậm…
Đến rạp để được… khóc
Tại rạp Tân Sơn Nhất (TP.HCM), tất cả các suất chiếu cuối tuần đều kín chỗ. Rạp Ngọc Khánh ( Hà Nội) thì đầy nghẹt, nhiều gia đình đưa nhau đi xem “Lửa Thiện Nhân” phải quay về vì hết lượt vé. “Bạn có thể khóc, cười, hoặc thấy tim đau thắt lại, hoặc cũng có khi bạn sẽ nhận ra bạn đang may mắn và hạnh phúc thế nào...
Nhưng dù sao, khi bước khỏi 77 phút trong cái phòng chiếu chật chội ấy, bạn sẽ nhìn cuộc sống khác lắm đấy. Muốn trìu mến hơn, và buồn đau của bạn sẽ xẹp xuống, chỉ còn ngưa ngứa như hạt cát lọt trong giày”, là chia sẻ của nhiều khán giả trên các trang xã hội.
Cách đây đúng 1 năm, “Lửa Thiện Nhân” được chọn chiếu khai mạc “Liên hoan phim (LHP) độc lập New York 2014” diễn ra tại Mỹ. Đạo diễn Đặng Hồng Giang tâm sự, khi ấy anh từng hỏi một vị trong Ban tổ chức LHP tại sao trong số hơn 200 phim tham gia lại chọn phim Việt Nam chiếu mở màn và nhận được câu trả lời xúc động rằng: “Vì các bạn đã mang đến cho chúng tôi một câu chuyện quốc tế”.
Cho đến tận trước giờ “Lửa Thiện Nhân” chiếu ra mắt tại Hà Nội nhiều người mới biết đây là bộ phim lấy cảm hứng từ câu chuyện về “chú lính chì” dũng cảm Thiện Nhân, cậu bé từng bị mẹ bỏ rơi ở khu vườn sau nhà ngay khi vừa lọt lòng, bị động vật ăn mất chân phải và bộ phận sinh dục cách đây 10 năm.
Một người mẹ cho biết: Chủ nhật mình đã rủ khoảng 10 đứa trẻ trong gia đình đi xem phim. Mình không sợ các con khóc, chúng nó cần phải khóc để xem lại mình đã sống xứng đáng hay chưa? Các mẹ có con chưa thành niên, cái tuổi chúng đang chông chênh về niềm tin ấy... cần được xem, được biết đến câu chuyện lay động mọi trái tim này...
Mình không bao giờ xem phim Việt Nam nhưng lại tò mò về bộ phim hiện thực có cái tên “Lửa Thiện Nhân”, câu chuyện về thân phận của một đứa trẻ có sức sống mãnh liệt, bị vứt ở bìa rừng khi mới sinh ra, bị thú rừng ăn hết một cẳng chân và bộ phận sinh dục, nhưng như chú lính chì dũng cảm, Thiện Nhân đứng lên bằng một chân, cũng học tập, vui chơi và hiếu động, nghịch ngợm không khác bất cứ đứa trẻ nào. Mình đã đến rạp Ngọc Khánh, đã khóc, đã cười trọn vẹn 77 phút cùng với nỗi đau, niềm hạnh phúc của cậu bé cũng như của người mẹ giàu lòng nhân ái.
Cuộc hành trình tìm lại Thiện Nhân của 10 năm về trước được dẫn dắt qua lời kể của người mẹ nhận nuôi em sau này, chị Mai Anh cùng người cha đỡ đầu của bé, ông Greig Graft và những y, bác sĩ đã giúp em kiếm tìm cuộc sống của một đứa trẻ bình thường sau khi đã trải qua hàng chục ca phẫu thuật.
Có điều, trong cuộc hành trình ấy, người ta chưa một lần nào thấy Thiện Nhân khóc, cả khi ngồi trên xe đẩy để vào phòng mổ hay tỉnh dậy sau những ca phẫu thuật. Cậu bé cũng muốn tự mình tập đi và còn trở thành cái gối để mẹ dựa vào nằm khi mệt. Sự bình tĩnh và dũng cảm đến khó tin của Thiện Nhân cũng khiến người ta phải rơi nước mắt.
Nhất là khi cậu bé tỉnh dậy sau 9 tiếng gây mê trong phòng mổ, chỉ kịp nói với người mẹ nuôi đã sinh mình ra thêm một lần nữa rằng: “Sau này con sẽ chăm sóc mẹ” rồi lại lịm đi vì quá mệt. Có lẽ, trong giấc mơ dài 9 tiếng ấy, Thiện Nhân đã thấu hiểu được nỗi vất vả, nỗi bất hạnh và đôi khi cả sự gièm pha mẹ Mai Anh phải gánh chịu trên hành trình tìm kiếm cơ thể cho con, với mong muốn Thiện Nhân trở thành một người đàn ông đúng nghĩa.
Đạo diễn Đặng Hồng Giang tâm sự, ban đầu anh không dám đọc hết bài báo về cậu bé, nhưng có điều gì đó luôn thôi thúc anh, khiến nhiều năm sau đó anh vẫn theo dõi cuộc sống của cậu bé này. Và, như một định mệnh, anh đã làm phim về Thiện Nhân, về những con người tử tế bên cạnh cuộc đời cậu bé...
77 phút cho một bộ phim hiện thực, không quá dài cũng không quá ngắn, nhưng là những thước phim thực sự giá trị. Giá trị ở chỗ, khi nhiều người trong chúng ta, đang mải miết với guồng quay bon chen của cơm áo gạo tiền, thì vẫn có những con người sống thật chậm, nhìn thật chậm, nghe thật chậm và cảm nhận sự tử tế cũng chầm chậm.
3 năm để theo đuổi số phận một con người, tất nhiên đó chỉ là một lát cắt trong hành trình trở thành một người bình thường của cậu bé Thiện Nhân, nhưng là quãng thời gian quan trọng nhất của cuộc đời cậu bé. Đặng Hồng Giang bảo: “Không cần nhiều lời, không cần sắp đặt, bản thân câu chuyện về Thiện Nhân đã là một câu chuyện quá đẹp”.
Sự xuất hiện trên cõi đời này của cậu bé Thiện Nhân, với nỗi đau đớn thể xác tột cùng đó lại như một điều “thiên định” để cứu vớt tâm hồn cho hàng trăm đứa trẻ bất hạnh khác và cho rất nhiều các ông bố, bà mẹ đang muốn buông xuôi với số phận của con em mình cũng có căn bệnh giống như Thiện Nhân.
Hiện sau ca phẫu thuật của Thiện Nhân thành công, đến nay Quỹ Thiện Nhân đã phẫu thuật, cứu chữa được 90 ca thành công và hơn 1.000 ca đã đăng kí làm phẫu thuật.
Bác sỹ Tuệ Đình, người đã kết nối, giúp Thiện Nhân tới với những ca phẫu thuật kì diệu đã có những tâm sự như rút ra từ tâm can: “Nhân câu chuyện Lửa Thiện Nhân tôi muốn tự nhắc lại với bản thân và gửi gắm tới các bạn rằng: sự đau khổ, bất hạnh được trao cho ta dường như một sứ mệnh - nhờ có đau khổ và bất hạnh mà ta sẽ trở nên nhân ái, độ lượng hơn, biết cảm nhận và yêu thương cuộc đời, con người hơn, sống có ý nghĩa hơn. Nếu hiểu được chân lý thiện nhân này ta sẽ không oán trách, tủi hờn, so bì tị nạnh, trở nên cay nghiệt với cuộc đời và tha nhân. Đấy là lý do mà ta phải cảm ơn số phận”.
Cháy vé rạp Ngọc Khánh phim “Lửa Thiện Nhân” |
Có thể nói, ở Việt Nam từ xưa tới nay, phim tài liệu điện ảnh chỉ để chiếu trên ti vi. Phim tài liệu chỉ xuất hiện trên màn ảnh lớn ở các dịp liên hoan phim, các lễ kỷ niệm, được phát vé miễn phí mà vẫn ít người xem. Song thảng hoặc cũng có những phim khán giả ùn ùn kéo tới rạp. Đơn cử, ở LHP Quốc tế tại Hà Nội hồi cuối tháng 12/2014 vừa qua, người ta chen nhau vào xem phim “Đập cánh giữa không trung” cực kỳ đông, xếp ghế nhựa giữa lối đi chật kín còn không đủ.
Và cũng thời điểm đó, bộ phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” kể về hành trình của một đoàn hát gồm những người chuyển giới cũng tạo nên một cơn sốt vé từ cuối năm 2014 tới đầu năm 2015. Nhân vật chính là Bích Phụng, một người đồng tính nam ngoài 40 tuổi mang căn bệnh HIV. Phụng cùng đoàn hát của mình rong ruổi trình diễn tại khu vực Nam Trung bộ để mưu sinh trong điều kiện hết sức khó khăn.
Cũng giống như ở phim về cậu bé Thiện Nhân, tất cả mọi cảnh quay đều thật nhất, chắt lọc nhất trong đa chiều cảm xúc. Với 92 phút phim dựng nên từ hơn 70 giờ phim thô, đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Thắm đã cho người xem thấy cuộc sống của các nhân vật một cách đau đáu nhất, sôi nổi nhất và cũng bản năng nhất. Họ ăn uống nhậu nhẹt, trang điểm biểu diễn hát hò, than đời giận người, chửi nhau đánh lộn… một cách không che giấu trước ống kính. Câu chuyện làm phim ấp ủ năm năm. Nhưng chắc chắn nỗi trăn trở của chị về vấn đề này phải lâu hơn vậy.
Ngoài câu dẫn ở đầu và cuối phim của đạo diễn thì “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” không có một lời bình nào. Nhân vật tự nói ra câu chuyện của họ. Chị Phụng cười khi nói về mình và những người đồng tính khác. Chuyện đàn ông nghĩ chị là phụ nữ hàng thật giá thật. Chuyện khi họ biết chị là người đồng tính. Chuyện không ai thuê “bóng gió” làm việc, hoặc có thuê thì chính “bóng gió” lại mặc cảm. Chị gọi mình là “bóng gió”. Ừ thì “bóng gió” cũng như người thường thôi. Tốt có, xấu có, lương thiện có thì cũng có khốn nạn đê hèn. Chỉ có điều khổ hơn.
Ước mơ nho nhỏ của chị là cho mấy đứa trong đoàn cũng được vui vẻ, hạnh phúc như người ta. Rồi chị cũng muốn kiếm người kế nghiệp mà lại sợ tụi trẻ không gánh nổi thì cái đoàn cũng vỡ, “bóng gió” lại đi đâu? Vạ vật nay đây mai đó, kiếm được miếng ăn hay lại trộm cướp? Đó là nỗi cô đơn day dứt của một người không làm tròn được chữ hiếu với bố mẹ, không sinh được con nên nhận nuôi một đứa trẻ để bố mẹ mình có cháu gọi là ông bà nội. Hoặc bài chửi có bài có bản hẳn hoi của chị Phụng sau khi đám thanh niên trong đoàn đánh nhau với mấy kẻ gây rối. Hay đơn giản chỉ như cái loa vỡ dùng để chạy khắp nơi thông báo về lịch diễn.
Bộ phim đã hết nhưng khổ nỗi đạo diễn lại tiếp tục khiến khán giả day dứt hơn với những con người ấy bằng lời dẫn cuối. Chị nói chuyến đi cuối cùng của chị Phụng sắp bắt đầu. Một thời gian sau khi đóng máy thì chị Phụng và chị Hằng, một người khác trong đoàn, đều qua đời vì HIV/AIDS.
Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng có thể đến với khán giả cũng là bởi câu chuyện đời thường, được làm theo phong cách điện ảnh trực tiếp không áp đặt. Đơn giản, đó là một bộ phim cho thấy sự dấn thân của một đạo diễn trẻ tìm đến được tận cùng của thân phận con người.
Có thể nói, để phim ra rạp và hút khách, không nhất thiết phải là những phim thời thượng của những thương hiệu, những người đẹp hở hang… mà bằng chính những gì thiên lương, đời thực nhất, chạm tới những bản ngã, những giá trị bị lãng quên của con người hiện đại, sự bao dung, vị tha và những yêu thương được đánh thức.
Cùng với đó, không thể thiếu được công tác truyền thông bài bản để sức lan toả của phim tài liệu không phải là một lãnh địa xa vời với công chúng. Bởi khi đời thực chạm tới trái tim, khán giả sẽ tới rạp để tìm được cho riêng mình một điều gì đó, trong những xô bồ, ồn ã hôm nay…