Đó đều là những cây đa cây đề trong giới tu hành viết sách, còn những Tăng Ni trẻ thì sao? Liệu họ có bị cuộc sống tu hành và sự hấp dẫn của thời đại công nghệ cuốn đi mà xa rời những quyển sách hay không, hai câu chuyện về hai nhà sư trẻ dưới đây sẽ trả lời cho câu hỏi đó.
Như là nơi để những mối sầu muộn mở lòng…
Cách đây không lâu, khi tra cứu về hoạt động viết sách của các nhà sư trên Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi đã được biết về nhà sư trẻ Giác Minh Luật với niềm đam mê viết sách cho người trẻ. Tôi nhớ mãi một câu trả lời phỏng vấn nhắn nhủ các bạn trẻ của vị Tăng cũng rất trẻ này, rằng: “Tôi cũng như các bạn, những người trẻ nên còn nhiều khuyết điểm, lỗi lầm... nhưng quan trọng là mình có dám can đảm để vượt qua nó, mỉm cười để chấp nhận nó hay không.
Cuộc sống là cả một chặng đường dài để hoàn thiện bản thân mình về nhân cách, đạo đức. Vì thế tôi đang từng bước đi trên con đường đó, còn các bạn thì sao? Hãy chọn cho mình một con đường đi mà các bạn đã biết đó là con đường cao thượng”.
Thông tin về vị sư trẻ này trên Cổng thông tin Phật giáo cho biết, sư có thế danh (tên đời) là Lê Văn Trúc, sinh năm 1992, sư xuất gia từ nhỏ tại tịnh xá Ngọc Minh tỉnh Bình Thuận thuộc Hệ phái Khất sĩ, năm lên 18 tuổi sư đã bắt đầu thành lập tổ chức Câu lạc bộ Nhân Sinh nơi quy tụ đông đảo những bạn trẻ là sinh viên, học sinh… cùng tham gia tình nguyện dấn thân trong các hoạt động từ thiện và giao lưu kết bạn tìm hiểu về đạo Phật qua những chương trình thực tập thiền và nghe pháp thoại trong mỗi chương trình do Câu lạc bộ tổ chức đến nay đã trở thành một tổ chức tình nguyện lớn mạnh dành cho giới trẻ yêu quý đạo Phật tại Sài Gòn với hơn 5 năm kể từ ngày đi vào hoạt động.
Năm 2013, nhà sư Giác Minh Luật được chính thức công nhận là tài năng trẻ Việt Nam về lĩnh vực văn hoá và hoạt động xã hội, cũng như sư đã liên tục nhận được nhiều giải thưởng báo chí, bằng khen và học bổng có giá trị.
Với tâm nguyện mang đến cho đời những quyển sách mang âm hưởng Phật giáo dành riêng cho người trẻ yêu quý đạo Phật, tác giả - nhà sư trẻ Giác Minh Luật đã hoà vào dòng chảy của văn học tuổi teen với những cuốn sách như: Nếu trở thành tu sĩ; Chú tiểu Pháp Đăng; Khổ răng mà khổ rứa, Cho nhẹ lòng nhau…thông cách viết nhẹ nhàng, vui nhộn và gần gũi mang đến một sinh khí mới để đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận giới trẻ muốn quan tâm và tìm hiểu đạo Phật. Những cuốn sách của Giác Minh Luật đã để lại những ấn tượng khá đặc biệt về số lượng liên tục tái bản sau thời gian ngắn phát hành.
Nói về chuyện mình viết sách, nhà sư Giác Minh Luật chia sẻ: “Là người xuất gia, tôi nhận thấy mình như là nơi để những ai đang có những nỗi niềm sầu muộn, khó khăn và bế tắc có thể dễ dàng tìm đến để mở lòng và sẻ chia.
Từ đó, đã giúp cho tôi nhận ra thêm nhiều điều hơn về cuộc sống, về con người và về cả những góc khuất của cuộc đời vốn được dựng xây từ chất liệu của nước mắt và đau thương. Nhưng cũng chính từ đó, tôi đã bắt gặp được những con người thật hạnh phúc, những tâm hồn thật cao đẹp và những ước mơ thật hồn nhiên vẫn còn đang cháy bỏng trong chính con người của họ”.
Nghe đơn giản, nhưng ít người biết, để có thành công hôm nay, nhà sư trẻ Giác Minh Luật cũng gặp nhiều khó khăn và chướng duyên nhất định trên bước đường tu học. Nhưng theo nhà sư, nếu ta đã xác quyết được lý tưởng và niềm tin thì dẫu như thế nào đi nữa ta cũng dễ dàng xem nhẹ và vượt qua nó.
“Hồi còn là chú tiểu tôi cũng được luân chuyển hay tự bỏ đi xin học tu ở nhiều chùa. Vì tôi muốn tìm cho bằng ra nơi nào mà tôi thấy mình có duyên và có thể nương tựa thật sự ở một người thầy đức độ để tiến tu trên con đường học đạo thì tôi mới quyết định trụ lại để nương tựa. Có một kỷ niệm và cũng là thử thách đáng nhớ của tôi và mẹ, hồi đó khi còn là chú tiểu và mẹ đã lang thang ở Sài Gòn, đi khắp nơi để xin các chùa cho mình ở lại tu học nhưng khi ấy do tôi còn quá nhỏ nên không nơi nào nhận.
Sau đó do quá mỏi mệt nên mẹ với tôi núp dưới chân tháp chùa Vĩnh Nghiêm ăn mấy ổ bánh mì trong cơn mưa lạnh, rồi quyết định về lại quê xin vào nương tựa tu học tại tịnh xá Ngọc Minh do Đại Đức Thích Giác Hiếu trụ trì cho đến nay. Nhờ trải qua những lúc khó khăn như vậy mà đã giúp cho tôi mạnh mẽ và chín chắn hơn sau này”, nhà sư cho biết.
Có lẽ vậy nên nếu ai có duyên được một lần tiếp xúc hay đọc sách của nhà sư trẻ này đều cảm nhận được sự nhiệt thành, chăm chỉ, giản dị và luôn nỗ lực phụng sự không ngừng trong công việc, cuộc đời.
Đọc sách, sống có ích để không phụ một kiếp sinh ra làm người
Con đường đến với sách của hai sư cô Thích nữ Hạnh Đức- Suối Thông (tác giả cuốn Thả trôi phiền muộn và Sống đời bình an) và sư cô Thích nữ Nhuận Bình (tác giả cuốn Mở lối yêu thương và Gieo mầm hạnh phúc) thật sự là một mối duyên.
Sư cô Thích nữ Hạnh Đức - Suối Thông - nguồn ảnh Giacngo online. |
Trong bài phỏng vấn với Giacngo Online - Cơ quan ngôn luận của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam TP.Hồ Chí Minh, sư cô Suối Thông cho biết, những trang sách đó, đầu tiên là sư cô dịch cho chính mình, cho sở thích đọc danh ngôn và cũng để khích lệ tinh thần bản thân trong những ngày đầu du học tại Trung Quốc.
Sau khi đăng những bài dịch lên Facebook cá nhân, bất ngờ được nhiều người đón nhận và lan truyền rộng rãi, số bạn đọc từ đó cũng tăng lên và nhiều kiến nghị nên cho in thành sách. Từ đó mà có hai cuốn sách Thả trôi phiền muộn và Sống đời bình an như ngày nay.
Còn sư cô Nhuận Bình thì, “chưa bao giờ nghĩ mình sẽ viết và ra được sách. Nhưng từ lúc bắt đầu tập tành viết từng đoản văn ngắn chia sẻ về cuộc sống, về triết lý nhân sinh, về tình đời, tình người… vô tình những dòng trạng thái ấy lại được đông đảo bạn đọc đón nhận, đồng cảm và sẻ chia. Sự kết nối gần gũi vô tình này với bạn đọc đã rút ngắn khoảng cách giữa đời và đạo, giữa tôi và Phật tử, những người yêu mến đạo Phật gần xa”.
Không chỉ viết sách, hai sư cô Suối Thông và Nhuận Bình còn có rất nhiều trải nghiệm mỗi bài, mỗi trang sách của chính mình, “Vui vui là có nhiều người rất “nhanh nhạy”, vừa đọc một bài triết lý về nhân tình thế thái, liền nghĩ tới tội lỗi ai đó gây ra cho mình, rồi dùng các bài viết này để trách hờn hay nhắc khéo người ta.
Như từng có độc giả nhắn tin cảm ơn, vì “nhờ bài viết của cô mà em... đòi được nợ!”. Bên cạnh đó cũng có nhiều vị đọc cho chính mình, rồi âm thầm nhìn lại và thay đổi bản thân để hướng đến những giá trị tích cực, từ đó cuộc sống cũng nhẹ nhàng hơn” – như sư cô Suối Thông chia sẻ.
Nói về giá trị của sách vở với người trẻ trong bối cảnh đọc sách đang dần trở thành thứ “xa xỉ phẩm” trong lịch trình sống của mỗi người, cả hai sư cô Suối Thông và Nhuận Bình đều cho rằng người trẻ bây giờ hầu hết đều rất thực tế, năng động và bận rộn với các mối quan hệ mở. Nhưng họ cũng cô đơn và mông lung hơn.
Khi gặp chuyện, phần nhiều các bạn có khuynh hướng tìm sự trợ giúp bên ngoài, không được thì khỏa lấp, ít ai nghĩ đến việc đối diện và giải quyết. Họ bận rộn với bên ngoài nên ít có thời gian hướng về bên trong để nhìn lại bản thân, hun đúc tinh thần cho mình. Ngoài và trong không cân bằng, vật chất và tinh thần chênh lệch quá nhiều, tự nó đã có vấn đề. Điều cần làm là cân bằng chúng lại.
Bạn trẻ có thể tận dụng những công nghệ hiện đại để trau dồi bản thân, như là tiếp cận những người thầy/người bạn tích cực, học hỏi những tri thức tiến bộ, dành không gian yên tĩnh cho tinh thần nghỉ ngơi... Và thời gian đọc sách cũng rất quan trọng.
“Không phải vì tôi ra sách mà khuyến khích việc đọc sách, nhưng bạn biết đấy, đọc sách chưa chắc sẽ thành công, nhưng không có người thành công nào không đọc sách cả. Sách giúp ta bổ sung kiến thức, còn có thể rèn luyện tính kiên trì.
Một người, nếu có được tinh thần độc lập, lối suy nghĩ tích cực và hướng đi vững chắc thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng sẽ làm một người có giá trị. Hãy làm cho sự hiện hữu của các bạn trên Trái đất này trở nên có giá trị, có ý nghĩa. Chỉ có như vậy các bạn mới không phụ một kiếp sinh ra làm người” – sư cô Suối Thông và Nhuận Bình nhấn mạnh.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu