“Bác không ăn bớt của nhân dân dù chỉ 1 giây”
Chúng tôi tìm gặp nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu (86 tuổi, ngụ TP Vinh, tỉnh Nghệ An) vào một ngày tháng 5 lịch sử. Trong căn nhà nhỏ ở đường Hồng Bàng, những quyển sách, bài báo nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông Siêu cất giữ cẩn thận trong một gian phòng của nhà mình. Khi biết chúng tôi tìm hiểu về những câu chuyện về 2 lần Bác về thăm quê, ông Siêu đọc liền hai câu thơ bình dị Bác viết về quê hương: “Quê hương nghĩa trọng tình cao. Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”.
Rồi ông say sưa kể về 2 lần Bác về thăm quê hương vào dịp tháng 6/1957 và tháng 12/1961. Năm 1957, tình hình trong nước và thế giới có nhiều thuận lợi. Miền Bắc sau 3 năm khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh đã thu được nhiều thắng lợi lớn, đất nước đi vào thế ổn định, trên đà phát triển. Về đối ngoại, Bác muốn đi thăm, cảm ơn các nước anh em, bè bạn trên thế giới đã ủng hộ Việt Nam. Trước lúc lên đường, Bác quyết định về thăm một số địa phương thuộc khu IV, trong đó có Nghệ An.
Bác Hồ về thăm quê ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An năm 1961 (Ảnh tư liệu) |
Theo lịch trình, ngày 12-13/6/1957, Bác thăm tỉnh Thanh Hóa. Ngày 14/6, Bác về Nghệ An. Ngày 15/6, Bác sang thăm Hà Tĩnh. Khi công việc xong xuôi, sáng 16/6, Bác mới về quê hương Kim Liên, huyện Nam Đàn. Về mốc thời gian này, ông Siêu nói rõ, có nhiều thông tin nói Bác về thăm Kim Kiên vào ngày 14/6. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của tôi, hôm Bác về Kim Liên vào đúng phiên chợ Vạc. Nghe tin Bác về nên mọi người vứt cả quang gánh chạy đi gặp Người.
Tra cứu lịch năm 1957, thì phiên chợ Vạc hôm ấy diễn ra vào ngày 16 Dương lịch. Ông Siêu nhớ lại: Để có thông tin chính xác về ngày Bác về thăm quê hương tôi liền ra Hà Nội gặp ông Vũ Kỳ và được khẳng định “Bác Hồ về Vinh vào ngày 14, đi Hà Tĩnh ngày 15 và về Kim Liên vào sáng ngày 16”. Ngày 16 trùng vào chủ nhật. Sở dĩ tôi tìm hiểu rõ chi tiết này để thấm được nét đạo đức Hồ Chí Minh: Chí công vô tư. Giữa việc công và việc tư Bác đều phân định rõ ràng.
Nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu lần giở những công trình nghiên cứu về Bác |
Rồi ông Siêu kể thêm một chi tiết liên quan đến ngày chủ nhật. Ngày Bác chọn để tiếp chị ruột là bà Nguyễn Thị Thanh và anh ruột là ông Nguyễn Sinh Khiêm (vào năm 1946) cũng diễn ra vào hôm chủ nhật. Gặp chị, gặp anh, về thăm nhà là việc riêng nên Bác chọn ngày chủ nhật. Dù chỉ 1 giây, Bác cũng không ăn bớt của nhân dân, đất nước. Trong lần thứ 2 Bác về thăm quê, cũng như lần đầu, Người không quên căn dặn bà con những công việc cụ thể, thiết thực.
Đặc biệt, Bác không bao giờ quên dành sự quan tâm đặc biệt đến các cháu thiếu nhi. Bác nói: “Các đồng chí nước ngoài đến thăm, thấy cha mẹ để cho con mình mặt mũi lem nhem, luốc nhuốc, như thế cha mẹ có xấu hổ không? Phải chăm sóc, giữ gìn vệ sinh cho các cháu…”
Tìm hiểu về Bác, lòng ta sáng hơn
Gần nửa thế kỷ nghiên cứu về Bác Hồ, ông Trần Minh Siêu đã in nhiều cuốn sách, viết hàng trăm bài trên các báo, tạp chí, hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những cuốn sách đó phải kể đến như: “Những người thân trong gia đình Bác Hồ”, “Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên”, “Kim Liên trong lòng nhân dân và bầu bạn”, “Huyền thoại huyệt đạo bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh”, “Chuyện kể bên mộ bà Hoàng Thị Loan”, “Quê hương và gia thế của Chủ tịch Hồ Chí Minh”…
Những cuốn sách trên thể hiện sự dày công nghiên cứu của ông Siêu đối với những hoạt động, việc làm của Bác Hồ. Dày công nghiên cứu và với khối kiến thức sâu rộng về Bác, nhưng ít ai biết rằng, ông Siêu đến với công việc nghiên cứu này trong hoàn cảnh đặc biệt. Ông kể, năm 1957 thì tốt nghiệp cấp 3, sau khóa đào tạo sư phạm ngắn hạn, ông được phân công về làm công tác giáo dục ở huyện Quốc Oai (Sơn Tây, Hà Tây cũ). Sau đó, ông được cử đi học Trường Đại học Sư phạm I. Nhưng khi nộp hồ sơ, do đam mê nghiên cứu, ông thi vào Trường Đại học Tổng hợp, khoa Sử. Tốt nghiệp, ông về công tác tại Bộ Văn hóa.
Nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu (bìa phải) kể chuyện về Bác Hồ cho du khách tại Khu Di tích Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) |
“Ngay sau khi Bác Hồ qua đời, tôi được cử về Nghệ An với nhiệm vụ xây dựng Khu Di tích Kim Liên. Tôi đã gắn bó với Kim Liên, với thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ đó”, ông Trần Minh Siêu nhớ lại. Thời điểm đó, tuy điều kiện vật chất còn thiếu thốn, nhưng ông cảm thấy hạnh phúc và may mắn khi sống trên quê hương Bác Hồ, được tiếp xúc với một kho tàng sách vở, tư liệu phong phú về văn hóa, lịch sử, địa chí, được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người hiểu rõ về thân thế, sự nghiệp, gia cảnh Bác Hồ. Chỉ với chiếc xe đạp cà tàng, hàng trang là chiếc túi đựng sổ ghi chép, mô cơm, bi đông nước, mũ lá, ông rong ruôi khắp nơi để tìm tòi, gặp gỡ những người già, các nhân chứng lịch sử, tìm kiếm, nâng niu hiện từng hiện vật, tư liệu nhỏ nhất.
Sau hơn 20 năm công tác tại Khu Di tích Kim Liên, từ 1991 - 1999, ông được giao nhiệm vụ Trưởng Ban Quản lý Di tích danh thắng tỉnh. Khi đã về hưu, ông Siêu vẫn luôn miệt mài trong việc nghiên cứu, viết sách báo về Bác Hồ. Một chuyện tình cờ đã khiến ông Trần Minh Siêu trở thành người kể chuyện Bác Hồ nổi tiếng ở xứ Nghệ.
Thời điểm bắt đầu xây dựng, Khu Di tích Kim Liên thiếu thốn đủ thứ. Để có gạch xây dựng các công trình, cơ quan cử ông ra Bộ Năng lượng ở Hà Nội để xin than về nung gạch. Khăn gói ra Bộ Năng lượng, gặp người cán bộ phụ trách, biết Trần Minh Siêu ở Kim Liên ra, vị này hỏi han về chuyện quê Bác, ông vui vẻ kể. Câu chuyện kéo dài, vị cán bộ mải mê ngồi nghe, sau thấy hay nên nhiều người trong cơ quan cùng đến nghe, đến hơn 2 tiếng đồng hồ. Sau lần kể chuyện đó, ông đã xin được 2 nghìn tấn than đem về.
Từ đó, tiếng lành đồn xa, các cơ sở biết tiếng mời ông đi nói chuyện về Bác Hồ. Có ngày ông nói 3 ca mà không biết mệt. Tính ra ông đã đi nói chuyện hàng trăm buổi cho nhân dân, cán bộ các vùng miền. Lúc đó, thù lao chẳng có gì ngoài bữa cơm đạm bạc, chén nước chè nhưng ông rất vui và tự hào vì đã góp phần làm lan tỏa các giá trị văn hóa Hồ Chí Minh đến với người dân.
Dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu, viết sách về Bác Hồ, ông Siêu đúc kết: Kể về Bác tôi có thể nói cả ngày bởi Bác là một tấm gương lớn về đạo đức cách mạng: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Tôi nghiên cứu về Bác để tự mình sống trong sáng hơn, làm theo tấm gương đạo đức của Bác tích cực hơn.