Hơn chục người bị cướp mạng sống
Tai nạn lò vôi tập trung ở các tỉnh như Thanh Hóa, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh…, những địa phương khai thác vôi bằng biện pháp thủ công còn phổ biến.
Theo lộ trình, đến năm 2020 các cơ quan chức năng sẽ xóa sổ toàn bộ các lò vôi hoạt động bằng phương pháp thủ công truyền thống. Tuy nhiên, chặng đường tới thời hạn đó còn khá dài, các chủ lò vôi có tâm lý tranh thủ “còn nước còn tát”. Tai nạn lao động trong quá trình khai thác, sản xuất vôi theo đó xảy ra liên tiếp.
Điển hình là vụ sập lò vôi của gia đình ông Nguyễn Văn Văn (SN 1969, trú tại khu 6, thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, Hải Dương) khiến 5 người chết.
Nạn nhân gồm các ông Trương Văn Côi, Nguyễn Văn Ví và Trương Văn Bưởi đều là người lao động ở thị trấn Phú Thứ, anh Nguyễn Thành Luân (con trai chủ lò) và anh Trần Văn Dũng (con nuôi chủ lò, quê Lạng Sơn).
Gia đình ông Văn làm nghề nung vôi ở địa phương lâu đời. Lò bị sập được xây dựng từ chục năm trước. Thời gian gần đây, vôi bán chậm, gia đình ông Văn dừng lò để sửa chữa. Quá trình sửa chữa, ngoài con trai và con nuôi, ông Văn mượn thêm 3 người địa phương thi công.
Trước đó, vào khoảng 16h ngày 1/1/2016, tại lò vôi thủ công do ông Lê Văn Thong làm chủ trên địa bàn thôn Yên Thái, xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống, Thanh Hóa, cũng xảy ra tai nạn lao động khiến 8 người tử vong.
Thông tin ban đầu, thời điểm trên một nhóm công nhân đang làm việc ở lò vôi thì một công nhân bị ngạt khí, ngất xỉu. 7 người khác nhìn thấy liền chạy vào ứng cứu thì đồng loạt bất tỉnh rồi cùng tử vong.
Nạn nhân được xác định gồm: ông Lê Văn Thong (SN 1959, chủ lò); chị Lê Thị Mai (SN 1985); chị Lê Thị Nga (SN 1990); ông Nguyễn Đình Hoàn (SN 1959); ông Lê Văn Tuyên (SN 1963) cùng trú thôn Yên Thái. Anh Lê Gia Cường (SN 1986) trú thôn Thanh Liêm; ông Lê Văn Toàn (SN 1972) trú thôn Phú Quý cùng trú xã Hoàng Sơn, Nông Cống và anh Hoàng Văn Việt, trú xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa.
Sát nhân thầm lặng
PGS. TS Đỗ Quang Trung, Khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội cho biết: Quá trình nung đá vôi bằng than, khi đạt đến nhiệt độ nhất định sẽ sản sinh ra khí CO2, CO, NOX. Trong đó, CO và NOX là loại khí cực độc, khi hít một lượng nhất định vào phổi người sẽ tiêu diệt toàn bộ ôxy trong máu rất nhanh dẫn đến chỉ 9-10 giây, nạn nhân có thể liệt não, không thể cử động được, chết não. Lo ngại hơn cả là những loại khí cực độc này không có màu, không mùi, không vị nên nạn nhân thường không thể nhận biết.
Bên cạnh đó, người lao động lại không được trang bị kiến thức và thiết bị bảo hộ trong môi trường độc hại. Cho dù không hít nhiều lượng khí trên một lúc, nhưng làm việc lâu trong môi trường độc hại, khí CO, NOX tích tụ trong cơ thể, cộng với lượng hạt vôi bột cực nhỏ thẩm thấu vào đường hô hấp, phổi chắc chắn sẽ để lại nhiều chứng bệnh nguy hiểm, trong đó phải kể đến bệnh ung thư.
Sau vụ việc 8 người chết ngạt ở Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh này đã chỉ đạo các ban ngành chức năng, địa phương không được phép để phát sinh hay mở rộng sản xuất đối với các lò vôi thủ công trên địa bàn với lý do mất an toàn. Chủ tịch UBND các huyện, thị chịu trách nhiệm thực hiện lộ trình xóa bỏ hoàn toàn lò vôi thủ công trước ngày 31/12/2020.
Đó là quan điểm, việc làm của một tỉnh đã xảy ra tai nạn lao động chết người liên quan đến lò vôi thủ công. Còn nhiều tỉnh khác, lò vôi thủ công vẫn ngang nhiên tồn tại, bất chấp “những cái chết được báo trước”, chính quyền địa phương sẽ phải quản lý và xử lý như thế nào?.