Gay go…
Trước đó, Chính phủ đã thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính về việc tiếp tục bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bằng biện pháp xác định giá tối đa từ ngày 1/6/2015 đến hết 31/12/2016. Với việc bỏ trần giá sữa từ ngay đầu tháng 7 này khiến cho hầu hết các gia đình đang nuôi con dưới 6 tuổi lo lắng.
Chị Đặng Thị Bích Liên (Thạch Thất, Hà Nội) đang nuôi con nhỏ 3 tuổi thở dài khi biết tin Nhà nước sẽ xem xét bỏ việc thực hiện chính sách bình ổn giá sữa sớm hơn so với quyết định trước đây. Hiện tại, gia đình chị 3 người chỉ đang trông chờ vào đồng lương 10 triệu đồng/ tháng của người chồng.
Chị Liên chia sẻ rằng, khi Nhà nước bỏ quy định về bình ổn giá sữa thì giá sữa sẽ lại tăng, hậu quả là người nghèo, người thu nhập thấp sẽ giảm lượng sữa cần uống cho. Chị cho biết, con chị giờ đã phải cắt một nửa sữa bột hàng tháng thành sữa tươi. “Giá sữa trong nước đã đắt so với thế giới rồi, nếu bỏ trần giá sữa mà giá sữa lại tăng nữa thì tôi không đồng tình. Vì lương không tăng, trong khi giá cả liên tục tăng thì sao dân nghèo tải nổi. Không thì cho con uống nước cơm như các cụ ngày xưa vậy…” - chị Liên bức xúc.
Không chỉ với những gia đình có thu nhập thấp, với những gia đình công chức có thu nhập khá hơn thì đây cũng là vấn đề. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Lan (Hà Đông, Hà Nội) có thu nhập 20 triệu đồng/tháng. Nhưng theo chị Lan, giá sữa quá cao so với thu nhập chung của gia đình cũng là vấn đề cần bàn. Như con chị tiêu chuẩn uống 3 hộp/1 tháng, tính ra khoảng 1,5 triệu đồng, chưa kể tiền bỉm, quần áo, thức ăn,… Như vậy trung bình một tháng phải chi cho con tầm 5 triệu đồng nên cuộc sống gia đình công chức có con nhỏ việc bỏ trần giá sữa là gay go.
Chị Lan nói: “Tôi thấy thị trường sữa Việt Nam bây giờ “trăm hoa đua nở”, giá cả bát nháo, mỗi nơi một giá, ảnh hưởng tới người tiêu dùng (NTD). Nay Nhà nước lại định bỏ trần giá sữa thì giá sữa sẽ loạn như thế nào. Nhất là tại thời điểm bây giờ, để mua một hộp sữa cho con thì cha mẹ không chỉ bận tâm tới giá sữa mà cả vấn đề chất lượng sữa”.
“Dân kêu không thể điều chỉnh theo dân”
Ủng hộ việc bỏ trần giá sữa, Hiệp hội DN sữa Việt Nam cho rằng, cái gì cũng có 2 mặt của nó. Theo tổ chức này, chuyện bình ổn giá sữa là vấn đề xã hội trước phản ứng chung của NTD, đó là cách của Nhà nước bình ổn giá, bảo vệ NTD. Nhưng dù sao đi nữa nó chỉ mang tính chất tạm thời. Nhưng về phía DN, việc can thiệp của Nhà nước chắc chắn ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của DN, và thường thì DN không thuận song cũng phải chịu.
Hiệp hội DN sữa Việt Nam cũng cho rằng khi bỏ trần giá sữa, các DN sẽ điều chỉnh giá rất uyển chuyển, linh hoạt, chứ không bị gò bó. Chính việc Nhà nước áp giá trần mới gây khá nhiều khó khăn và rắc rối về tổ chức kinh doanh của các DN.
Khi được hỏi về việc giá sữa Việt Nam đang cao rất nhiều so với thế giới, cụ thể: tính trung bình giá 1kg sản phẩm thì giá sữa của tất cả nhãn hàng tại Việt Nam đều đang cao hơn khoảng 14% so với Thái Lan, 24% so với Philippines, 46% so với Malaysia và 60% so với
Indonesia thì tổ chức này biện minh rằng, giá cao do ảnh hưởng của giá thành lao động, tổ chức sản xuất, vấn đề nguyên liệu,… Các DN đều muốn sửa theo cơ chế thị trường, giá đầu vào đắt bán đắt, giá đầu vào rẻ bán rẻ, để điều chỉnh theo thị trường, chứ không thể điều chỉnh theo chính sách của Nhà nước. Và càng không thể nào dân kêu quá thì DN điều chỉnh theo dân.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng Việt Nam hiện có trên 10 triệu trẻ em dưới 6 tuổi, đây là đối tượng rất nhạy cảm và cần được quan tâm. Thêm vào đó, thu nhập người dân cũng chưa cao so với khu vực và thế giới. Việc bỏ giá trần đối với mặt hàng sữa trẻ em dưới 6 tuổi cần đảm bảo cạnh tranh, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa DN, Nhà nước và NTD. Các DN cũng phải đảm bảo sự minh bạch và DN cần chứng minh điều đó. Bộ trưởng cũng cho rằng, các DN, hiệp hội DN nước ngoài cần có giải pháp phù hợp đảm bảo quyền lợi của NTD.