Theo ghi nhận của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), so với hơn 1 triệu người trong năm ngoái thì năm nay, số người tị nạn tràn vào các nước ở khu vực Địa Trung Hải (bao gồm Hy Lạp, Italy, và Tây Ban Nha) chỉ là 357.800 người. Tuy nhiên, ở Italy, số người tị nạn trong năm 2016 là 179.071, trong khi năm ngoái chỉ có 153.842 người.
Đều dồn đến thành Rome...
UNHCR cho biết: “So với năm ngoái, xu hướng người tị nạn tràn sang Italy cho đến cuối tháng 9 năm nay vẫn tương đương, song con số ấy lại tăng cao hơn trong những tháng cuối năm”. UNHCR cũng thông tin thêm rằng cơ quan này vẫn đang "giám sát các yếu tố tiềm tàng gây nên sự gia tăng", bao gồm việc tàu buôn lậu giảm giá chở người qua Địa Trung Hải.
Thủ đô Italy là một ví dụ điển hình cho thấy tình trạng chung của toàn nước. Là thành phố lớn nhất Italy, Rome là điểm đến và cũng là điểm quá cảnh chính cho dân di cư và người tị nạn. “Italy vẫn duy trì tình trạng tiếp nhận người tị nạn” - ông Lino Posteraro, người đứng đầu các hoạt động xã hội liên quan đến người di cư tại Hội chữ thập đỏ Rome - xác nhận.
“Nghe có vẻ lạ, nhưng chúng ta đang chứng kiến con số người di cư tăng cao hơn nhiều trong những tuần gần đây dù hiện tại đang là thời điểm mùa Đông” - ông Posteraro nói.
Trong khi những năm trước, thời điểm mà người tị nạn tràn vào Rome đông nhất là giữa tháng 7 và 8, thì năm 2016 lại là tháng 11. Hiện Hội chữ thập đỏ Rome đang hỗ trợ cho 750 người với nhiều hình thức bảo vệ nhân quyền.
Ông Posteraro cho biết: “Chúng tôi đang hỗ trợ 400 người tại trung tâm tiếp nhận đầu tiên, nơi bao gồm 2 lều trại và một căn nhà. Chúng tôi cũng cung cấp 3 trung tâm tiếp nhận khẩn cấp khác với số lượng người tị nạn lần lượt là 150, 70, và 25; một nơi trú ẩn khác với 85 người - tất cả trong số họ đều đang chờ đợi để được tái định cư tại châu Âu – cùng với một trung tâm nữa tiếp nhận 28 trẻ vị thành niên không có người lớn đi cùng”.
Gánh nặng
Báo cáo hằng ngày của lực lượng bảo vệ bờ biển Italy cũng cho thấy số lượng người di cư tăng hơn hẳn trong những ngày gần đây.
Thứ nhất, sự phân bố dân tị nạn và người di cư trải khắp cả nước cho đến nay chưa đồng đều. Mario Morcone – Trưởng bộ phận về quyền tự do và xuất nhập cảnh thuộc Bộ Nội vụ Italy – cho biết, chỉ 2.600 trong số 8.000 thị trấn của Italy chịu chấp nhận giữ người tị nạn. “Điều này đã dẫn đến ‘một tình trạng chắp vá’”, ông Morcone tuyên bố như vậy trong một phiên điều trần cuối tháng 10/2016.
Bộ Nội vụ Italy gần đây đã đưa ra một kế hoạch hợp tác mới với Hiệp hội quốc gia các thành phố của Italy (ANCI) nhằm mục đích khiến các thành phố “vắng bóng dân di cư” chịu chấp nhận họ. Kế hoạch này vẫn sẽ được triển khai và sẽ áp đặt mức phân chia cho 1.000 người dân thì sẽ chấp nhận 3 người di cư hoặc người tị nạn. Từ đó, ở những thành phố lớn như Rome và Milan, con số trung bình sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 2 người di cư trên 1.000 người dân.
Lý do quan trọng thứ hai chính là bất cứ kì vọng nào đặt vào đề án di dời của Liên minh châu Âu (EU) cho đến nay đều gây thất vọng. Kế hoạch này cho phép người tị nạn được chuyển giao một cách hợp pháp, dưới sự bảo vệ nhân quyền, từ nước họ đặt chân đầu tiên đến nước EU họ chuyển sang sau đó.
Ủy ban châu Âu đã phê duyệt đề án này hồi tháng 9/2015, với mục tiêu nhằm giảm bớt áp lực cho các nước Italy, Hy Lạp, và Hungary bằng việc di chuyển 160.000 người trong 2 năm tiếp theo. Dù vậy, Bộ Nội vụ Italy đã không cung cấp ngay thông tin về tình hình chuyển giao mới nhất.
Tuy nhiên, UNHCR đã báo cáo vào ngày 14/12 rằng: tính đến tuần trước, có 2.032 người di dời khỏi Italy. Trong khi đó, báo cáo ngày 8/12 của Ủy ban châu Âu cho biết con số đó là 1.950...