Để đến Ô Tà Sóc, chúng tôi phải đi qua đoạn đường mòn được trải nhựa quanh co men theo địa hình rừng núi. Xung quanh là những rừng tầm vông, xoài, mít, chuối, đào lộn hột... tỏa bóng mát rượi và tiếng chim ríu rít giữa không gian tĩnh lặng của núi rừng.
Chúng tôi được anh Huỳnh Văn Bê, “dân thổ địa” chỉ dẫn miễn phí đi tham quan hang động. Đường dẫn lên hang dài khoảng 300m, đã được xây thành bậc thang bám theo triền núi quanh co, bên cạnh là con suối nước chảy róc rách. Có đến Điện Trời Gầm, hang Quân y, hang Hậu cần, hang Phụ nữ... du khách mới được tận mắt chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ, huyền bí như chốn mê cung của hệ thống hang động.
Vì vậy, trên bức tường hang động đều vẽ mũi tên chỉ đường và đánh số thứ tự, tên từng hang bằng sơn đỏ. Anh Bê vừa đi vừa chỉ dẫn như một hướng dẫn viên du lịch. Đến khu vực hang nào anh cũng giới thiệu rất cụ thể, tỉ mỉ giúp chúng tôi hiểu tường tận về lịch sử của căn cứ Ô Tà Sóc.
Ô Tà Sóc là một vùng sơn lâm hiểm trở. Từ năm 1962-1967, nơi đây là căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy An Giang, có các cơ quan trực thuộc: Quân sự, an ninh, binh vận, dân vận, mặt trận, tuyên huấn, tổ chức, kiểm tra và các đoàn thể nông dân, thanh niên, phụ nữ.
Với hệ thống hang động và đường mòn nối liền các cơ quan từ bụng ông Địa (Tổ giao liên Tỉnh ủy) đến ô Vàng (Ban an ninh, binh vận, đài binh ngữ), vồ Út Mươi (Ban Chỉ huy quân sự tỉnh) có bán kính gần 3km mà tâm điểm là Điện Trời Gầm, nơi đặt cơ quan Tỉnh ủy An Giang trong kháng chiến.
Vừa dẫn đường, anh Huỳnh Văn Bê vừa phấn khởi cho biết: “Đời sống người dân ở đây giờ khấm khá hơn trước nhiều, chủ yếu là làm du lịch, trồng tre, trúc, tầm vông, chăn nuôi… do phù hợp với đặc điểm địa hình đồi núi...”. Nhìn những ngôi nhà mới mọc khang trang với đầy đủ phương tiên đi lại, sản xuất, nghe nhìn dọc theo hai bên đường đi sâu vào lòng núi, chúng tôi hiểu cuộc sống mới ấm no đã và đang về trên một căn cứ địa cách mạng lắm gian lao mà anh dũng này.
Người dân nơi đây kể, Ngọa Long Sơn (có nghĩa con rồng nằm) là tên chữ của núi Dài, mà trên núi có Ô Tà Sóc. Đây là ngọn núi thuộc dạng núi dốc, được hình thành trong thời kỳ tạo sơn mãnh liệt nên núi có độ cao 554m (có nơi ghi 580m) và dốc trên 25 độ. Đá trên núi phần lớn là đá cứng với nhiều pha tạp khác nhau. Con rồng nằm này dài khoảng 8.000m, dài nhất trong dãy Thất Sơn, nằm dọc theo tỉnh lộ 955B, chiếm một diện tích rộng lớn thuộc 4 xã: Châu Lăng, Lương Phi, Ba Chúc và Lê Trì của huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Núi có nhiều loại gỗ quý như dầu, căm xe, lăng ổi, bời lời, quế, gõ mật, nính... tạo thành rừng rậm, là nơi trú ngụ của một số loài chim muông và thú rừng như: nai, mang, heo rừng, trăn, rắn, gà rừng... Trên núi có một địa danh gọi là Ô Tà Sóc - dòng “suối của ông Sóc”. Địa thế sơn lâm hiểm trở này đã được Tỉnh ủy An Giang chọn xây dựng làm căn cứ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tiếng Khơ Me, Ô Tà Sóc có nghĩa là con suối của ông Sóc.
Đường vào căn cứ |
Ông Chau Chon Tha, ngụ xã Lương Phi, huyện Tri Tôn kể: “Thời chiến tranh, vùng nầy ác liệt lắm, bom đạn ngày đêm, lửa cháy liên tục trên đồi núi. Địch đánh phá nhiều lần nhưng đều thất bại. Ô Tà Sóc vẫn vững như bàn thạch…”.
Từ tỉnh lộ 955 B đầy nắng gió, chúng tôi đi vào chân núi trên con đường nhựa nhỏ dài khoảng 2,5km với hai bên là bạt ngàn những cánh rừng tầm vông chạy liên tiếp tạo cảnh quan rất ngoạn mục. Lẫn trong màu lá tầm vông mùa khô màu vàng xanh là những tán lá xoài, mít, đào lộn hột... xanh biếc.
Dọc đường đi chúng tôi bắt gặp khá nhiều đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu địa danh lạ lẫm anh hùng này. Tại ngã ba bên chân núi, đi thẳng có con đường đất nhỏ dẫn lên đồi Ma Thiên Lãnh, nơi đã từng xảy ra huyền thoại 7 chiến sỹ chiến đấu anh dũng và hy sinh trong lòng núi mà mãi đến 36 năm sau, đồng đội mới tìm được hài cốt và qui tập về quê hương miền Bắc xa xôi.
Chuyện kể rằng: Năm 1969, khi Tỉnh ủy An Giang rút đi, Ma Thiên Lãnh được tiểu đội tiền tiêu của Đoàn 61, chủ lực Miền trú đóng. Một hôm, máy bay địch ném bom đánh sập cửa hang, 7 chiến sĩ bị kẹt trong đó. Khói bom tan, các chiến sĩ cùng đơn vị tìm cách mở miệng hang, nhưng lực bất tòng tâm.
Để giúp 7 chiến sĩ cầm cự chờ được cứu, đơn vị đã tiếp lương thực bằng cách dùng ống tre đưa cháo và sữa vào. Mấy ngày sau, địch tiến đánh đồi Ma Thiên Lãnh ác liệt, đơn vị phải lùi về rừng U Minh. Vậy là, 7 chiến sĩ của đơn vị vĩnh viễn nằm lại trong hang. Hiện nay, trên ngọn đồi cao 80m này có tấm bia kỷ niệm, bên dưới bia là bàn thờ 7 liệt sĩ.
Ông Thạch Thoan, ngụ xã Lương Phi kể thêm: “Người dân ở đây rất thường xuyên đến đốt nhang cầu nguyện cho bảy anh bộ đội hy sinh, mình có được cơm no áo ấm cũng nhờ cách mạng thôi, nhờ sự hộ trì của những anh hùng liệt sỹ…”.
Không chỉ là căn cứ cách mạng chỉ huy chiến trường An Giang, địa hình tự nhiên hiểm trở còn được tận dụng để xây dựng trận địa chiến đấu, chống đế quốc Mỹ và tay sai, chỉ đạo đường lối kháng chiến và phong trào cách mạng tỉnh nhà, tích cực xây dựng lực lượng và phong trào quần chúng nổi dậy phá kìm, diệt ác, chống thu gom dân, phá ấp chiến lược, phát động đấu tranh chính trị.
Cũng tại đây, Tỉnh ủy An Giang đã chỉ đạo quân và dân trong tỉnh tấn công, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn lực lượng vũ trang thổ phỉ ở vùng rừng núi và ven biên giới, mở rộng vùng giải phóng và căn cứ kháng chiến. Nhiều cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã anh dũng hi sinh. Tỉnh An Giang và 2 huyện Tịnh Biên, Tri Tôn được Nhà nước tuyên dương và trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, trong đó có phần đóng góp quan trọng của những người có mặt ở Ô Tà Sóc anh hùng.
Năm 2001, vùng căn cứ Tỉnh ủy ở Ô Tà Sóc đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Nơi đây hiện đang là điểm thu hút khá nhiều khách trong và ngoài nước đến tham quan bởi luôn chứa đựng sự hấp dẫn, kỳ bí với bao câu chuyện lạ thường về những con người đã sống, chiến đấu rất gian lao mà anh dũng để giành lấy sự bình yên, độc lập, hạnh phúc hôm nay.