Nổi tiếng vì “thành phố ma”
Với độ cao hơn ngàn thước, mây mù quanh năm che mờ đỉnh núi, cao nguyên Bokor được ví như Sa Pa của Vương quốc Campuchia. Trong tiếng Khmer, Bokor có nghĩa là cái gù của con bò, có lẽ tên gọi này xuất phát từ việc đứng dưới đồng bằng Kampot nhìn lên, ngọn núi có dáng như cái gù của con bò đực. Còn theo một pháp sư người Việt vùng An Giang, Tà Lơn nghĩa là ông thần lớn, có sức mạnh, quyền năng tối thượng.
Theo truyền thuyết, Tà Lơn từ xa xưa được cai quản bởi một vị nữ thần tên Veang Kh’mau (người Việt Nam gọi bà Mau, dì Mau). Có hai truyền thuyết về Veang Kh’mau. Chuyện thứ nhất kể rằng, Veang Kh’mau là phụ nữ ở khu vực Ream. Chồng bà đi làm xa, vào một mùa mưa, người phụ nữ đi tìm chồng rồi bị bão chìm thuyền. Bà hiển linh, báo mộng cho dân chúng ở phía nam, bảo vệ ngư dân, dạy bảo mọi người trồng trọt và những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đôi khi bà cũng yêu cầu người dân cúng một biểu tượng Linga.
Thuyết khác, Veang Kh’mau giận những người đàn ông vì bắt chồng đi xa nên bà bắt đàn ông trong vùng phục vụ. Sau này người Campuchia dựng tượng bà Mau trên sườn núi Tà Lơn, tượng cao 22m, bệ 15m, diện tích khoảng 1.500 m2, trong tư thế ngồi thiền định hướng về biển cả. Trước mặt tượng bà Mau trên đỉnh Tà Lơn mịt mù mây khói, gần biệt điện hoang phế của vua Sihanouk còn có tượng Linga rêu phong theo năm tháng.
Đến cuối thế kỷ XIX, trong những năm đầu của thời kỳ Đông Dương thuộc Pháp, Tà Lơn được người Pháp phát hiện. Trong những lần truy lùng một số người Việt Nam ẩn cư giữa rừng sâu trên đỉnh núi, người Pháp nhận thấy khí hậu vùng đất hoang sơ này mát mẻ ôn hòa, rất lý tưởng cho việc nghỉ mát. Họ bắt đầu lên kế hoạch xây dựng ở đây những công trình phục vụ mục đích nghỉ dưỡng giải trí, trốn nóng dành cho quân đội viễn chinh cũng như các viên chức dân sự của họ.
Bức tượng bà Mau trên sườn núi Tà Lơn. |
Bước sang những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp bắt đầu xây dựng các hạng mục đường xá, cầu cống, khách sạn, sòng bạc, bưu điện, nhà thờ Thiên Chúa giáo… mang đậm phong cách kiến trúc phương Tây. Tương truyền có đến hàng trăm nhân công đã tử nạn khi thực hiện tổng thể công trình đồ sộ này. Sau nhiều năm xây dựng đã hình thành nên một thị trấn kiểu Pháp nhỏ xinh trên đỉnh Tà Lơn, với cảnh quan ngoạn mục bên vách núi dựng đứng hướng ra phía xa là đảo Phú Quốc.
Trong khoảng 20 năm, Tà Lơn trở thành điểm ăn chơi bậc nhất của giới chức Pháp, hoàng tộc và dân giàu Campuchia đến tận những năm 1940. Thời kỳ này, nhiều pháp sư và các bậc tu hành tiếp tục bị nhà cầm quyền truy lùng, cầm tù. Những địa điểm, hang động tu luyện đa phần trở nên hoang vắng, chỉ có một số hang động bí mật nằm sâu trong rừng có người tu luyện. Sau năm 1940, khi quân đội Nhật tiến vào Đông Dương, thực dân Pháp thất thế buộc phải rút lui, bỏ lại thị trấn trên núi Tà Lơn.
Sau năm 1945, Campuchia độc lập, nhà vua Shihanuk (cha) đã cho xây một cung điện nghỉ dưỡng ở đây và tái sử dụng các công trình của Pháp. Đến thời Khmer Đỏ diệt chủng, toàn bộ thị trấn nhỏ này bị phá hoang tàn. Khi Campuchia được giải phóng khỏi nạn diệt chủng của Pôn Pốt, người ta đã bỏ quên vùng núi hoang vắng này một thời gian dài. Suốt thời gian đó, chỉ có các pháp sư và tín đồ của họ thỉnh thoảng đi lên núi theo những con đường mòn hiểm trở để cúng bái, tu luyện phép thuật.
Một trong những công trình hoang tàn của “thành phố ma”. |
Trong thập niên 1990, người ta đã ví Tà Lơn như là “một nơi kỳ lạ nhất trên thế giới” và thị trấn người Pháp xây dựng là “thành phố ma” vì vẻ hoang tàn và kỳ bí của nó. Khi vắng bóng con người, các tòa kiến trúc với chất liệu chủ đạo là đá núi, vẫn đứng vững và được khoác lên mình manh áo rêu phong đầy ma mị. Biết được câu chuyện về vùng núi này, năm 2002 đạo diễn Hollywood Matt Dillon cùng đoàn làm phim đến tận Bokor thực hiện bộ phim City of Ghost.
Bộ phim ma nổi tiếng này đưa hình ảnh “thành phố ma” đến với thế giới, đánh thức vùng núi Bokor khi khách du lịch phương Tây đến xứ sở Chùa Tháp đều muốn đến “thành phố ma”. Năm 2004, bộ phim “R-Point” (Điểm chết) tiếp tục ra đời, bối cảnh cũng được lấy tại Bokor, khiến vẻ đẹp của vùng núi này càng thêm nổi tiếng. Du khách tìm đến đây ngày một đông khiến vùng đất hồi sinh, một số công trình phục vụ du lịch quy mô lớn bắt đầu mọc lên, phục vụ du khách xuyên ngày đêm.
Chùa Năm Thuyền huyền thoại
Trên đỉnh Tà Lơn nổi tiếng có chùa Năm Thuyền (người Khmer gọi là Wat Sampov Pram), nơi thu hút rất đông người đến cúng viếng. Chùa Năm Thuyền được xây dựng vào năm 1924 bởi vua Monivong, mang phong cách đặc trưng Khmer. Theo các tài liệu của các pháp sư Việt, ban đầu đó là một ngôi am nhỏ do Vua Monivong xây cho Hoàng tử Pre Thoong đến tu luyện. Pre Thoong được một đại pháp sư người Việt có tên thường gọi là Ba Gang hướng dẫn vào đây luyện phép tiên. Do nơi đây có 5 tảng đá hình chiếc thuyền nên được gọi là Năm Thuyền.
Chùa Năm Thuyền và những tảng đá hình chiếc thuyền ấy gắn liền với những truyện tích ly kỳ. Chuyện kể rằng, thời xa xưa, có một hoàng tử ngoại quốc tên là Preah Thong. Cha của ông vì ủng hộ em trai ông nên yêu cầu hoàng tử phải từ bỏ tất cả mọi thứ để cho em trai của mình. Chán nản, hoàng tử Preah Thong đã quyết định rời bỏ đất nước của mình đi du ngoạn vòng quanh thế giới. Trong một lần thám hiểm, hoàng tử Preah Thong tìm thấy một hòn đảo nơi có cây Thlok khổng lồ.
Cây Thlok sản sinh các loại hạt không chỉ ăn được mà nó còn có thể được sử dụng để chống thấm nước cho tàu thuyền. Đây là thứ mà hoàng tử Preah Thong cần nhất tại thời điểm đó. Do đó, ông ra lệnh cho người hầu cắm trại ngay gần cây Thlok. Sáng hôm sau, khi hoàng tử Preah Thong đi dạo trên bãi biển vào buổi sáng, ông thấy một nhóm thiếu nữ đang chơi đùa gần bãi biển. Ngay lập tức hoàng tử bị thu hút bởi vẻ đẹp của một Nagani (công chúa Thủy Cung).
Tình yêu từ cái nhìn đầu tiên đã đến với hai người họ. Chẳng lâu sau, hoàng tử Preah Thong yêu cầu công chúa Nagani dẫn mình đến gặp cha cô để xin phép kết hôn. Công chúa nhìn vào mắt hoàng tử và nói một câu nói thật dịu dàng “chàng hãy cầm lấy đuôi của thiếp”. Sau đó công chúa dẫn hoàng tử đi vào biển sâu để gặp mặt Long Vương. Long Vương rất hài lòng về hoàng tử Preah Thong và đồng ý cho hai người kết hôn.
Sau 7 ngày ở tại Thủy cung, hoàng tử Preah Thong muốn rời đi để xây dựng vương quốc cho riêng mình và đi du ngoạn khám phá thế giới cùng với người vợ mới cưới. Long Vương không chỉ cầu chúc cho chuyến đi của hai người mà ông còn tặng vợ chồng hoàng tử 5 chiếc thuyền buồm khổng lồ chứa đầy châu báu làm của hồi môn. Hai vợ chồng hoàng tử cùng với 500 gia nhân đi đến vùng đất mà hiện tại là vị trí của chùa Năm Thuyền.
Hoàng tử Preah Thong quyết định xây dựng vương quốc của mình tại đây. Theo thời gian, nước biển rút đi, mặt đất dần cao lên, 5 chiếc thuyền buồm khổng lồ biến thành đá. Ngày nay du khách đến chùa có thể thấy 5 viên đá hình chiếc thuyền vẫn tồn tại. Còn hoàng tử Preah Thong được biết đến như là cha đẻ của nền văn minh Khmer, đến ngày nay vẫn là một biểu tượng trong nền văn hóa Khmer.
Ngày nay, chùa Năm Thuyền trên đỉnh Tà Lơn được xem như là chứng nhân của tình yêu, nơi tưởng nhớ tình thương và cầu nguyện cho sự vẹn tròn trong cuộc sống không những của người dân Campuchia mà còn của tất cả du khách thập phương khi đến với nơi đây bởi sự linh thiêng của nó. Tuy không phải là ngôi chùa đẹp nhất, lớn nhất xứ Chùa Tháp nhưng hầu như bất cứ ai đặt chân đến đây cũng có những trải nghiệm khó quên.
Ở độ cao 1.075m so với mặt nước biển, ngôi chùa cổ kính gần 100 năm tuổi với lối kiến trúc đặc biệt này chìm giữa một không gian hoang sơ được coi là thắng cảnh có một không hai. Vào những tháng mùa xuân, nơi đây thu hút rất nhiều khách du lịch từ khắp nơi vừa để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Campuchia, vừa có thể tìm lại được phút giây bình yên trong tâm hồn mình. Nhiều người lựa chọn nơi này như một điểm dừng chân dài ngày để tu tập, thiền định, tập trung tâm trí, rèn luyện tinh thần, thể chất.