Quan niệm “trần sao, âm vậy” nên đốt vàng mã để cho người âm đã trở thành một phong trào và càng ngày càng phát triển với đủ các loại hình từ ngoại tệ đến hình nhân, từ ngựa, voi đến nhà lầu, xe hơi và cả các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại thông minh,... với số tiền thật bỏ ra không nhỏ. Mục đích là để người âm (nếu người âm tồn tại) nhận được thì không nhìn thấy nhưng cái hại thì rất rõ ràng: Một khoản tiền khổng lồ của xã hội tiêu vào một việc vô ích, nguyên liệu từ thiên nhiên dùng vào việc này không ít, sức lao động để làm vàng mã không nhỏ và kể cả những ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe con người,...
Ngay khi có chủ trương từ Giáo hội Phật giáo, một số cơ sở tôn giáo đã nhiệt tâm ủng hộ ngay. Lễ hội vừa diễn ra tại chùa Ông (Đồng Nai) đã không nghiêm túc thực hiện và không còn hiện tượng đốt vàng mã nữa, tương tự, Lễ hội chùa Bà (Bình Dương) cũng nghiêm túc thực hiện chủ trương này. Cảnh tượng đốt vàng mã cũng không xảy ra tại chùa Đậu (Bắc Ninh), việc thực hiện chủ trương này được các phật tử tuân thủ và không ai cố tình vi phạm. Trong cuộc họp Chính phủ mới đây, Bộ Văn hóa tuyên bố ủng hộ chủ trương bỏ tục đốt vàng mã của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các nhà tu hành cũng lên tiếng đề nghị cần có chế tài cho những hành vi vi phạm theo Luật Tôn giáo.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, có những ngôi chùa 20 năm không đốt vàng mã, tiền để mua vàng mã nhà chùa kêu gọi đóng góp để làm từ thiện. Đó là chùa Liên Hoa (TP Hồ Chí Minh), ngưng đốt vàng mã từ năm 1998, số tiền thu được để giúp người nghèo, trẻ em cơ nhỡ,... năm 2016 là 2 tỷ đồng, năm ngoái là 3,7 tỷ đồng. Thực sự, đây là việc làm công quả rất có ý nghĩa trong việc tích đức và hành thiện, có tác dụng thiết thực đối với đời sống cộng đồng và xã hội. Từ việc làm của ngôi chùa này cần nhân rộng như một điển hình để các cơ sở tôn giáo khác làm theo, đó là một nghĩa cử tốt đạo, đẹp đời và cũng rất phù hợp với tâm đức của các phật tử.
Trước đây, các nhà tu hành Phật giáo từng khuyên không nên đốt vàng mã và thấy rõ việc hóa vàng ở những ngày rằng, mùng một giảm đi rõ rệt ở mỗi gia đình trong cộng đồng dân cư, cái cảnh khói mù mịt trong các cầu thang chung cư vào ngày sóc, vọng không còn nữa. Bây giờ, chủ trương này được thực hiện ở các cơ sở tôn giáo đạo Phật và chắc chắn rằng sẽ có tác động tích cực đến từng người, từng nhà. Không dễ để từ bỏ một thói quen, đặc biệt là thuộc lĩnh vực tín ngưỡng, tâm linh nhưng đó là một cách hành xử đúng đắn, văn hóa thì nhất định có nhiều người làm theo và hủ tục tất yếu bị loại trừ.