Cả nước hiện có gần 1,2 triệu liệt sĩ, trên 127.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gần 800.000 thương binh.
Ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, chính sách NCC đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành bằng Sắc lệnh số 20/SL ngày 16/2/1947 quy định về “Hưu bổng thương tật, tiền tuất cho thân nhân tử sĩ”. Từ năm 1986 đến nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, hệ thống pháp luật nước ta đã có những thay đổi quan trọng để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội.
Chính sách ưu đãi NCC đã từng bước được hoàn thiện về các diện đối tượng và chế độ ưu đãi. Năm 2002, cả nước đã xác nhận được trên 6 triệu người, đến năm 2017, cả nước đã xác nhận 12 diện đối tượng NCC được quy định tại Pháp lệnh, trên 9 triệu lượt NCC. Trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, trên 127.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh gần 800.000 người.
Ngân sách trung ương đã bố trí kịp thời để thực hiện chính sách, chế độ với trên 1,4 triệu người có công và thân nhân với tổng kinh phí khoảng 29.000 tỷ đồng/năm. Ngoài ra ngân sách các địa phương hàng năm cũng dành cho công tác người có công khoảng 2.000 tỷ đồng. Mặc dù hành lang pháp lý và cơ chế triển khai thực hiện chính sách ưu đãi NCC đã tương đối đầy đủ, hoàn thiện nhưng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện vẫn còn một số bất cập.
Theo báo cáo của Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng), trong 10 năm (2007-2017), Quân đội đã xác nhận cho hơn 1.000 liệt sĩ, cấp giấy chứng nhận cho hơn 7.000 thương binh và gần 6.500 bệnh binh. Vướng mắc, bất cập lớn nhất về thủ tục, hồ sơ, giải quyết chế độ với NCC còn tồn đọng. Do lịch sử, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, trình độ quản lý với thời gian chiến tranh kéo dài, ác liệt, các thời kỳ nên nhiều hồ sơ, thủ tục không đáp ứng được yêu cầu của quy định hiện nay, nhiều trường hợp phải tổ chức xác minh công phu mới có căn cứ để xem xét, giải quyết...