Thực hiện “Chương trình nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở” được Đại hội XIII của Đảng bộ tỉnh xác định, Tỉnh ủy ban hành các nghị quyết, đề án triển khai thực hiện toàn diện công tác cán bộ; quan tâm tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường phổ thông dân tộc nội trú và thực hiện chính sách cho học sinh vùng đồng bào dân tộc. Cử học sinh là con em người dân tộc thiểu số đi đào tạo theo hệ cử tuyển. Hàng năm, dành biên chế ưu tiên tuyển dụng con em người dân tộc thiểu số.
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, toàn tỉnh đã tuyển dụng 927 công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên xét tuyển 881 người; một số dân tộc đặc biệt ít người đến nay đã có cán bộ ở cấp huyện, xã.
Đồng thời, tỉnh đã gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng cử cán bộ người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã đi đào tạo, bồi dưỡng cả về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị. Tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trong quy hoạch ở cấp tỉnh đến nay đạt trên 30%, cấp huyện gần 40%, cấp xã gần 80%. Đặc biệt, quy hoạch có sự liên thông giữa cấp trên và cấp dưới, nhất là cấp huyện với cấp xã, giữa các ngành, lĩnh vực.
Tỉnh cũng điều chỉnh, bổ sung các chế độ, chính sách hỗ trợ cán bộ đi học, thu hút cán bộ. Trong đó, có chính sách ưu tiên đào tạo văn hóa, chuyên môn đối với cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số, đặc biệt là 5 dân tộc rất ít người.
Quan tâm bố trí, sắp xếp, lựa chọn bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển cán bộ người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã; kết hợp luân chuyển, điều động để đào tạo, rèn luyện cán bộ trong thực tiễn, nhất là ở cơ sở.
Cán bộ Bộ phận "Một cửa" xã Nậm Sỏ giải quyết thủ tục hành chính cho Nhân dân |
Nậm Sỏ là xã vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn của huyện Tân Uyên tỉnh Lai Châu với địa bàn rộng, đông dân cư. Do đó, Đảng ủy xã đặc biệt quan tâm công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ chủ chốt nhằm đổi mới công tác lãnh, chỉ đạo đưa nghị quyết vào cuộc sống và dân vận tại cơ sở.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Đảng ủy xã Nậm Sỏ cho biết: Hiện nay, xã có 21 cán bộ, công chức, trong đó 18 đồng chí là người dân tộc thiểu số (Thái 15, Tày 2, Si La 1).
Đáp ứng yêu cầu công tác, Đảng ủy đặt ra yêu cầu cao về tinh thần tự học, tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thái độ tiếp công dân, giải quyết công việc đối với cán bộ, công chức. Tạo điều kiện tối đa để cán bộ chủ chốt hoàn thiện trình độ văn hóa, chuyên môn, lý luận chính trị, đảm bảo tiêu chuẩn đối với cán bộ cấp cơ sở.
Quán triệt cán bộ, công chức chủ động, tích cực nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết, văn bản của cấp trên, tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn chuyên sâu. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng uỷ xã đã chọn cử 9 đồng chí đi học đại học; 100% cán bộ chủ chốt hoàn thành các lớp trung cấp lý luận chính trị. Riêng năm 2020, mỗi cán bộ, công chức đều tham gia từ 2 - 3 lượt tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn chuyên sâu tại xã, huyện, tỉnh. Nhờ đó, xã thực hiện hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới đến thời điểm này.
Là người địa phương, được đào tạo chuyên môn cơ bản, trưởng thành từ tổ chức Đoàn giúp anh Lò Văn Ban - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Sỏ thuận lợi trong công tác. Sinh ra và lớn lên tại quê hương Nậm Sỏ, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Ban thi đỗ Trường Đại học Tây Bắc chuyên ngành Giáo dục chính trị. Năm 2014, anh vào công tác tại xã với cương vị Bí thư Đoàn. Phát huy vai trò, anh cùng Ban Chấp hành đa dạng hình thức tập hợp thanh niên, tổ chức các phong trào xung kích tình nguyện, tiên phong gương mẫu phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của tuổi trẻ xã nhà. Với những nỗ lực, cống hiến đó, năm 2020, anh được bổ nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Được biết, với nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ, đến nay, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số trong tỉnh được nâng lên. Điều đó chứng minh bằng những con số cụ thể: 56% cơ quan cấp tỉnh, 43% cơ quan cấp huyện có cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số.
Ở cấp tỉnh và 100% huyện, thành phố đều có cán bộ người dân tộc thiểu số trong Ban Thường vụ cấp ủy, lãnh đạo HĐND hoặc UBND; trong đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chiếm 34%, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 38,5%, lãnh đạo sở, ngành 26%, cấp ủy cấp huyện 38,6%, Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện 40,7%, cấp ủy cơ sở 52%, lãnh đạo cấp phòng thuộc huyện 28,2%. Cán bộ có trình độ chuyên môn trên đại học đạt cao.
Đối với cán bộ chủ chốt cấp xã 94,2% đạt chuẩn trình độ văn hóa THPT, tăng 42% so với năm 2015; 98,8% đạt chuẩn trình độ chuyên môn trung cấp trở lên (tăng 14% so với năm 2015), trong đó đại học trở lên 61,5% (tăng 33%). 98,8% đạt chuẩn về lý luận chính trị trung cấp trở lên, tăng 7% so với năm 2015, trong đó cao cấp lý luận 24,8%.
Hầu hết cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, năng lực, uy tín, đảm bảo các điều kiện về tiêu chuẩn chức danh. Cơ bản được đánh giá, xếp loại hằng năm hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Nhiều đồng chí được rèn luyện qua thực tiễn, sâu sát cơ sở; có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được phân công.
Những kết quả trên làm tiền đề quan trọng để Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức Đảng, các ngành tiếp tục đổi mới hình thức, có thêm giải pháp trọng tâm thực hiện thắng lợi chương trình trọng điểm “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã” được Đại hội XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025 Đảng bộ tỉnh xác định.