Hơn 20 năm “ăn bám” nghĩa trang "xây nhà" cho thai nhi

Bà Mười hạnh phúc vì mỗi ngày được chăm sóc, lau chùi cho các ngôi mộ. Ảnh: Như Thảo
Bà Mười hạnh phúc vì mỗi ngày được chăm sóc, lau chùi cho các ngôi mộ. Ảnh: Như Thảo
(PLO) - Người dân tổ dân phố số 7 (phường Tân Lập, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) gọi bà là bà Mười “nghĩa địa”. Biệt danh không có gì lạ khi hơn 20 năm qua, bà Phạm Thị Mười (SN 1964) đã gắn với khu nghĩa trang của phường như ngôi nhà thứ hai của mình. 

“Ăn bám” nghĩa trang nuôi bốn con thơ
Không khó để hỏi thăm đường đến khu nghĩa trang phường Tân Lập, nhưng thật khó để phát hiện bóng dáng bà Mười nhỏ bé giữa mênh mông những ngôi mộ lớn nhỏ. 
Khuôn mặt bà Mười hằn lên nỗi khắc khổ qua những nếp nhăn. Nơi nghĩa trang hoang vắng chẳng mấy người lui tới nên cũng hiếm khi bà Mười được ngồi hàn huyên tâm sự chuyện đời. Trước đây, bà không hề muốn giãi bày chuyện nhà với ai vì sợ sẽ bị khinh rẻ. Nhưng giờ đây, khi thấy mình đã già, bà Mười lại hồ hởi như “bắt được vàng” hễ ai hỏi chuyện. 
Kể về cơ duyên đến với nghề, bà Mười chỉ tủm tỉm cười, vì ban đầu chỉ nghĩ đến nghĩa trang để kiếm miếng ăn qua ngày rồi tìm nghề khác tốt hơn. Khi bà mang thai người con đầu cũng là lúc khu nghĩa trang bắt đầu xây dựng, bà đến xin làm phụ hồ, tuy vất vả nhưng còn có chỗ cho bà kiếm ăn. Trong gần 10 năm làm phụ hồ, bà vừa làm vừa lân la xem nhà chủ mộ nào có nhu cầu lau dọn, nhang khói mỗi ngày thì xin làm thuê. Nghề lau chùi mồ mả thuê gắn với bà từ đó. 
Cơ duyên đến với khu nghĩa trang này gắn với kỷ niệm buồn khó quên trong cuộc đời bà Mười. Vào một buổi chiều đông gió rét, chồng bà say xỉn đã đuổi đánh mấy mẹ con khỏi nhà. Không biết đi đâu, bà và bốn đứa con bồng bế nhau ra nghĩa trang ngủ. 
“Ban đầu cũng sợ, nhưng rồi thành quen. Mấy mẹ con ở đó bốn ngày, bốn đêm, nhiều người thương tình đã mang cơm và quần áo ra cưu mang. Vừa nảy ra ý định mò về nhà nhưng chưa kịp về đã bị chồng tôi tìm đến đuổi đánh, mỗi người ẩn náu một nơi mà trốn. Chính khu nghĩa trang này đã cứu mấy mẹ con tôi” - bà Mười tâm sự. 
Quê gốc Quảng Nam, năm 1986 bà Mười lên Gia Lai kiếm sống và quen người chồng sau này. Hoàn cảnh khó khăn khiến vợ chồng trẻ chỉ biết dắt díu nhau đi tứ xứ làm thuê. Năm 1989, hai người lên Đắk Lắk làm thuê cũng là lúc bà mang thai người con đầu. “Tuy “bầu bí” nhưng ai thuê tôi cũng làm, nào gánh nước, phụ hồ, bán vé số... Lúc đầu, do dáng người nhỏ bé lại mang bầu nên ai cũng chê tôi yếu không nhận, nên làm gì để có được miếng cơm qua ngày là sung sướng lắm rồi” - bà Mười nói. 
Người chồng thì ngược lại, trong khi vợ “bụng mang dạ chửa” vẫn quăng quật kiếm sống thì ông ta lại đổ đốn, vừa lười nhác vừa gái gú, cờ bạc. Cũng bởi nghĩ đơn giản “tiền ăn chẳng có, lấy đâu tiền mà nuôi bồ nhí” nên bà Mười chẳng bận tâm. Thời gian thấm thoắt trôi qua, bốn đứa con lần lượt ra đời trong đói khổ, bà Mười vẫn chưa hết khổ vì chồng. “Ngày đó mấy đứa con còn nhỏ, đói ăn nên đều gầy còm, nheo nhóc. Nhiều khi muốn mua cho con đồng quà tấm bánh, nhưng ngày nào đi làm về tôi đều phải đưa tiền cho chồng, nếu không là ăn đánh” - bà Mười tâm sự. 
Có lần bị chồng phát hiện giấu tiền, bà đã bị đánh đến mức gãy 3 chiếc xương sườn, sau đó hờ hững mang tiền mồ hôi công sức của bà đi nuôi vợ bé, thậm chí còn dẫn vợ bé về nhà chung sống. Năm 2004 bà Mười đưa đơn li dị. Từ đó vượt qua bao khó khăn, một tay bà nuôi bốn người con khôn lớn trưởng thành chỉ bằng thứ nghề mà bà gọi là “ăn bám” ở nghĩa trang.
Hạnh phúc vì được “phục vụ” mồ mả
Kể từ khi li dị chồng, một nách bốn con (ba gái, một trai), bà Mười ngày ngày chăm chỉ trông nom, lau chùi những ngôi mộ đã được chủ nhờ cậy. Tối đến, bà lại đi bán vé số dọc phố kiếm thêm, thi thoảng ai thuê phát rẫy lại xông xáo vơ việc vào mình. Hai đứa con đầu thường xuyên theo mẹ đi làm thuê mà thành ra thất học. Nghĩ phải vớt vát cho hai người con út nên bà làm đủ thứ nghề từ nhẹ đến nặng, miễn là có tiền. 
Mẹ con bà Mười coi nghĩa trang là ngôi nhà thứ hai.
Mẹ con bà Mười coi nghĩa trang là ngôi nhà thứ hai. 
Thấy hoàn cảnh bà Mười cơ cực, có người đã giúp đỡ xây cho bà căn nhà nhỏ 10m2 để bán hương đèn cho khách đi thăm mộ ngay tại khu nghĩa trang. Hiện tại, bà Mười đang nhận lau chùi trông nom cho 30 ngôi mộ, mỗi tháng có thu nhập khoảng 1 triệu đồng từ công việc này. Thứ nghề vất vả chẳng ai muốn làm nhưng với bà đó lại là niềm hạnh phúc khi mỗi ngày được “phục vụ” những ngôi mộ.
Ngày nào bà cũng có mặt ở khu nghĩa trang từ sáng sớm đến chiều muộn, nhiều lần vì ham việc đến tối mịt vẫn chưa về khiến con cái nhốn nháo đi tìm. “Khu nghĩa trang này từng có nhiều đối tượng nghiện hút lai vãng. Đã có mấy lần tôi phải gọi các con ra đưa con nghiện bị sốc thuốc đi viện. Cũng không nhớ nổi bao nhiêu lần cái quán lèo tèo vài món hàng của tôi bị cạy cửa trộm hết đồ. Các con lo lắng sợ tôi gặp nguy hiểm nên hay ra phụ mẹ lau chùi và bán hàng. Chúng đều hiểu chính nghĩa trang này đã nuôi sống mấy mẹ con nên đều coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình” - bà Mười tâm sự.
“Xây nhà” cho thai nhi
Lẩn khuất trong những ngôi mộ to, mộ nhỏ trong khu nghĩa trang là những ngôi mộ bé tí tẹo nằm san sát nhau, đa phần được xây bằng xi măng, có cái được ốp bằng gạch men bóng loáng. Trên mỗi ngôi mộ đều ghi địa chỉ, ngày giờ, bên cạnh còn có bát ly nhỏ để cắm hương thắp. Đó là gần 200 ngôi mộ do tự tay bà đào, xây và mai táng cho các bào thai bị vứt bỏ mà bà lượm được khi làm việc ở nghĩa trang. Toàn bộ chi phí đều do bà Mười chắt góp để xây dựng từ mười mấy năm nay.
Bà kể, một buổi sáng cách đây mười mấy năm, khi bà đang đi bộ theo đường tắt lên nghĩa trang để bán hương đèn thì phát hiện một cái túi màu đen bị ướt, bên trong có những giọt máu rỉ ra ngoài. Tò mò, bà mở túi ra xem và điếng người thấy trong túi là một xác thai nhi bé xíu, co ro. Bà Mười đứng thất thần ôm chiếc túi trên tay, nước mắt đầm đìa. “Đó là lần đầu tiên tôi thấy xác thai nhi bị vứt bỏ. Tôi thấy thương, ôm cháu lên rồi mang về cạnh quán đào hố rồi chôn cất, khâm liệm và hàng tháng chăm sóc cho cháu” - bà nhớ lại.
Kể từ lần đó, ngày nào đi làm bà cũng để ý ven đường xem có bào thai nào bị vứt bỏ, hễ phát hiện là lại nhặt mang về tự chôn và đều gọi là “các cháu”. Mới đầu, bà chỉ đào đất, làm lễ chôn cất rồi lấy đất đắp lên tạo thành nấm mồ. Sau này bà sợ mưa gió, bão lụt sẽ cuốn đi lớp đất làm mất hết dấu tích của những ngôi mộ nên cố gắng mua xi măng, đá gạch về xây. 
“Nhiều người thấy tôi làm việc này đã mắng là rỗi hơi. Nhưng tôi không đang tâm để các cháu nằm đường sá, bụi bờ tội lắm. Có nhiều lúc không có tiền xây mộ cho các cháu, tôi phải chạy vạy đi vay mượn, nói dối là để đong gạo người ta mới cho vay. Nhưng nếu lúc đó nhà không có gạo mà ăn tôi vẫn cố “xây nhà” cho chúng đỡ tủi thân” - bà Mười tâm sự.
Đưa mắt nhìn những ngôi mộ nhỏ bé, bà Mười cho biết cứ vào dịp rằm, mồng một, bà lại phát hiện nhiều người lạ, có cả phụ nữ lẫn đàn ông đến trước những ngôi mộ bà xây để thắp nhang và để lại cả nhiều thứ đồ chơi của trẻ. 
Ông Võ Hiếu Hoàng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Tân Lập cho biết, ông là người nắm rõ về hoàn cảnh bà Mười nhất vì trước đây là tổ trưởng tổ dân phố nơi gia đình bà sinh sống, từng thu hái cà phê cho gia đình ông. Gia đình bà  Mười từng thuộc hộ nghèo của phường, mới thoát nghèo được hai năm. 
“Trước kia bà ấy hay bị chồng đánh đập, chính quyền phải xuống can thiệp đưa chồng bà đi cải tạo gần hai năm. Chính quyền thấy hoàn cảnh bà khó khăn nên đã hỗ trợ xây nhà và tạo điều kiện để bà mưu sinh tại nghĩa trang phường. Người dân vừa thương vừa khâm phục mấy mẹ con bà. Bao nhiêu năm bà vừa chắt chiu tiền làm thuê để xây mộ cho các thai nhi bị vứt bỏ, lại tích cực thu gom kim tiêm để không ai gặp nguy hiểm, nhiều lần cung cấp thông tin giúp công an dẹp những đối tượng xấu lai vãng đến nghĩa trang làm việc phi pháp” - ông Hoàng cho biết.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.