Hai chiếc xe đặc chủng của Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Bộ Công an) và Phòng Cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội) bị nạn khi đang trên đường làm nhiệm vụ phục vụ các ngày lễ lớn sắp diễn ra - khiến cho con số thống kê về tai nạn giao thông sau năm ngày nghỉ lễ năm nay của cả nước thêm phần ảm đạm và tang thương, bởi sự tổn thất về người quá lớn, dù họ không trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm.
Xảy ra vài giờ sau khi có Công điện
Chỉ trong ba ngày (từ 1-3/5), ngành Công an dồn dập nhận tin dữ khi có tới 11 cán bộ, công an bị thương vong khi đang trên đường làm nhiệm vụ. Vụ thứ nhất xảy ra hồi 10h30 ngày 1/5, khi chiếc Mitsubishi Pajero của Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Bộ Công an) chở cán bộ lên Điện Biên chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Thông tin ban đầu từ hiện trường cho biết, xe này đang chạy thì bất ngờ nổ lốp khiến người cầm lái mất lái, gây lật xe tại một đoạn đường đèo dốc thuộc cao nguyên Mộc Châu (Sơn La). Một cán bộ công an tử vong ngay tại chỗ, hai người khác chết khi trên đường đi cấp cứu, ba cán bộ còn lại bị thương rất nặng.
Một ngày sau (3/5), tại đoạn đường Pháp Vân - Cầu Giẽ (thuộc địa phận Hà Nam), một chiếc xe dẫn đoàn thuộc Phòng Cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội) đi làm nhiệm vụ khảo sát chuẩn bị cho công tác đảm bảo an toàn giao thông mừng Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc - Vesak tại Ninh Bình khi đang lưu thông trên đường đã va chạm với một xe tải ben cùng chiều, khiến ba CSGT tử vong, hai người còn lại bị thương.
Điều đáng nói, vụ việc này xảy ra chỉ ít giờ sau khi Văn phòng Ủy ban ATGTQG phát đi Công điện số 04/CĐ-UBATGTQG của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGTQG gửi Bộ trưởng các Bộ: Công an, Giao thông Vận tải, Y tế và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ yêu cầu đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, phục vụ nhân dân đi lại thuận tiện, an toàn trong 2 ngày cuối của đợt nghỉ lễ.
Trao đổi nhanh với phóng viên PLVN về tình trạng liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn thảm khốc nói trên, Đại tá Vũ Quý Phi, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết: “Xe của lực lượng công vụ đi làm nhiệm vụ thì phải an toàn, nhưng nói thật rủi ro và tai nạn giao thông… thì nó không chừa bất kỳ một ai cả - dù đó là xe của người dân hay lực lượng chức năng. Hai sự việc nói trên là vô cùng đáng tiếc!”.
Không làm chủ tốc độ?
Cuối giờ chiều qua (4/5), ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGTQG cho PLVN biết, sau 5 ngày nghỉ lễ, cả nước đã xảy ra 224 vụ tai nạn giao thông làm chết 117 người, bị thương 151 người. “So với thời điểm này năm ngoái thì giảm 16 vụ, giảm 34 người bị thương, nhưng do hai vụ tai nạn liên quan đến xe công vụ của Công an nên năm nay số người chết tăng lên 7 người” - ông Thái cho biết.
Một điều khiến nhiều người phải ngạc nhiên trong thông báo của Chánh Văn phòng Ủy ban ATGTQG là dịp lễ năm nay, xe khách - phương tiện vốn dẫn đầu trong các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng từ trước đến nay thì dịp này không có tên trong thống kê nêu trên. Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi nó thể hiện sự chấp hành nghiêm luật lệ của những người điều khiển phương tiện, cũng như sự kiểm soát gắt gao của lực lượng chức năng trong những ngày cao điểm như 30/4, 1/5.
Nhưng ngược lại số người chết và bị thương liên quan đến xe công vụ trong dịp này đã khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. “Theo quy định, trừ những lúc được phép sử dụng tín hiệu ưu tiên, còn lại khi lưu thông trên đường, xe công an cũng như xe của dân đều phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về tốc độ, tránh vượt, làn đường, khoảng cách tối thiểu giữa hai xe… Vụ xe CSGT Hà Nội bị nạn ở Hà Nam đang phải chờ kết luận chính thức, cuối cùng của cơ quan chức năng. Nhưng theo tôi có thể do người điều khiển quan sát, làm chủ tốc độ không tốt dẫn tới sự việc nghiêm trọng này?” - ông Thái nhận định./.