Gần 30 hộ dân sống tại hai bên đường Quốc lộ 14, đoạn qua xã Nam N’Jang (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) đang phải rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, đặc biệt những hộ thuộc địa bàn thôn Boong Rinh bị mất đất mất nhà, không nơi ăn chốn ở, không còn một bộ quần áo để thay, trẻ con không còn sách vở học hành…
Bỗng dưng thành… vi phạm
Theo một số thông báo bà con được biết, khu đất này được giải tỏa theo chủ trương của tỉnh, nhằm thực hiện dự án “đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp tại huyện Đắk Song”, thực chất là cho một số công ty thuê để kinh doanh.
Các hộ gia đình cho biết, họ đến đây sinh sống và lập nghiệp từ những năm 1995 và 1996, lúc ấy khu này là đất trống đồi trọc, chỉ có vực sâu hoắm, chẳng có nhà cửa cũng chẳng thấy chính quyền nào đến hỏi han can thiệp. Đất đai vì bị ảnh hưởng chất độc hóa học từ thời chiến tranh, lại chứa nhiều bô-xít nên cây cối không mọc được. Người dân phải san lấp, mua đất về đổ thì đất mới bằng được mặt đường như ngày nay.
Đến năm 2001, chính quyền đến vận động người dân làm hộ khẩu, các hộ gia đình đều đồng loạt đăng ký hộ khẩu và đóng thuế nhà đất theo quy định của pháp luật. “Không thấy ai nói vi phạm hay lấn chiếm đất rừng gì cả, có một số cán bộ thỉnh thoảng còn vào nhà vận động trồng cây để phủ xanh diện tích đất trống đồi trọc xung quanh”, người dân nói.
Đến năm 2007, đột nhiên chính quyền không thu các khoản thuế nữa, nói rằng họ đã vi phạm lấn chiếm đất rừng trái phép. Nhưng người dân cũng chỉ nghe nói thế, không thấy chứng từ hay biên bản nào cho thấy họ đã vi phạm.
Tháng 11/2013, Công an huyện mang đến quyết định yêu cầu người dân phải tự tháo dỡ di dời nhà, tự đi tìm chỗ ở mới mà không đả động đến việc bố trí nơi ở mới hay bồi thường tài sản cho bà con.
Một điều gây thắc mắc: Khu vực này có rất nhiều hộ dân sinh sống nhưng việc giải tỏa chỉ rơi vào mấy hộ này, còn cách đó không xa, khu vực nhà của các cán bộ xã cũng đến sinh sống cùng thời gian lại vẫn “an toàn”, thậm chí cùng trong khu vực, có nhà bị thi hành quyết định cưỡng chế, có nhà lại không.
Quang cảnh tan hoang sau cưỡng chế |
Người dân cho biết, mấy tháng trước khi cưỡng chế, ngày nào cũng có cán bộ công an vào nhà, hỏi “có đồng ý di dời không” và “nếu Nhà nước cưỡng chế thì sẽ đi đâu?”. Bà con đều trả lời là nguyện vọng muốn ở lại vì không còn nơi nào để đi, hơn nữa đã đổ biết bao công lao vào mảnh đất này, giờ mong muốn Nhà nước gia thêm một số diện tích đất rừng để tiện cho việc trông coi bảo vệ.
“Sếp ơi, giải tỏa thành công, không có người chết”
Nhưng hỏi chỉ để đấy, đến cuối tháng 4/2014, các hộ gia đình nhận được thông báo về việc “Thi hành quyết định cưỡng chế”.
Chiều ngày 24/4, một số hộ dân được gọi lên đối thoại với đại diện các ban ngành của huyện, khi nghe dân đồng lòng nêu ra ý kiến dân đã sinh sống ở đây lâu đời, từ khi cả huyện Đắk Song và tỉnh Đắk Nông chưa thành lập thì các vị này bỏ ra về. Đối thoại không thành công.
Ngày 26/4, bà con kéo nhau lên tỉnh để xin tỉnh can thiệp nhưng không được cho vào, cũng không được nhận đơn. Sau đó, lãnh đạo tỉnh gọi lãnh đạo huyện lên “giao” dân về huyện xử lý. Lãnh đạo huyện đã cho một xe 24 chỗ ngồi đến gồm toàn thanh niên mặc đồ đen, với vẻ hung tợn khống chế một số người tống lên xe và chở về Công an huyện. Những người bị nhóm thanh niên trên đưa về, có người bị đạp đau quá đến mức “tè” dầm ra quần, người ngất xỉu sùi bọt mép... Cùng ngày, ở nhà, lực lượng cưỡng chế cũng đã “hành động”.
Theo lời kể, 8h ngày 26/4, một lực lượng gồm vài trăm người từ chính quyền tỉnh, huyện, xã và các cơ quan công an, cơ động, kiểm lâm, dân quân tự vệ và một doanh nghiệp, đã mang theo phương tiện xe cộ, máy múc… đến cưỡng chế giải phóng mặt bằng. Họ đồng loạt ồ ạt vào từng nhà dân, người bị túm đầu khóa tay, người có bầu và trẻ nhỏ thì bị kéo lê xềnh xệch ra vệ đường, trẻ sơ sinh và người mới đẻ bị khiêng bổng ra xe và bị chở đi.
Một số người khống chế dân, một số khác thu dọn đồ đạc, máy múc thì phá sập nhà, một số khác đang chặt phá cây cối ở sau vườn. Vì lực lượng này quá đông lại đến bất ngờ nên mọi người không kịp trở tay cũng không ai được mang theo bất kỳ đồ đạc gì, chỉ biết đứng ngoài gào khóc van xin.
Mọi hành động quay phim hay chụp hình bị ngăn cấm, thu máy. Phóng viên có mặt cũng bị yêu cầu đi nơi khác. Cưỡng chế kéo dài quá trưa, sang buổi chiều, tất cả nhà cửa đồ đạc đều bị dọn sạch, bà con chỉ biết nhìn nhau đứng khóc bên đường.
Tài sản có giá trị như tiền bạc, két sắt, bàn ghế, máy móc… khi cưỡng chế đều không được kê biên. Máy bơm nước ở dưới giếng bị kéo lên, các đồ dùng lặt vặt khác như quần áo lại bị ném xuống giếng. Các tấm tôn lợp nhà bị băm ra nát vụn. Gà vịt trong chuồng đều bị lùa vào bao đem đi, nhưng không ai nhận được thông báo đem đi đâu. Người dân tự đi tìm hiểu, thấy một số đồ đạc được chở về đổ ở sân ủy ban xã, số khác chở về đổ ở sân vườn của hạt kiểm lâm huyện, số khác không biết ở đâu.
Cưỡng chế xong, một cô cán bộ huyện nói giọng điện thoại cho “sếp” nào đó báo cáo thành tích: “Sếp ơi, giải tỏa thành công rồi, không có người chết, không có người bị thương, đất chỗ này mới đổ đẹp lắm, sếp yên tâm nhé!”.
“Ra điên ra dại” cũng biết kêu ai?
Sáu hộ gia đình đang ở cảnh thê thảm nhất gồm gia đình anh Nguyễn Văn Tuệ, Nguyễn Văn Thiếp, Đinh Văn Vinh, Nguyễn Thị Đông, Phù Văn Tuyền, và Trương Thanh Hùng, đều ngụ thôn Boong Rinh. Trong đó nhà anh Trương Thanh Hùng là gia đình chính sách có công với Cách mạng.
Nhà cửa bị san bằng, bị đói, mệt và kiệt sức, thấy vợ và con nằm ngất lên ngất xuống, người bê bết bùn đất, anh Thiếp tìm được một tấm bạt rách mà lực lượng cưỡng chế bỏ rơi lại, căng tạm lên cho người vợ bị bệnh tim nằm trú tạm qua cơn mưa. Nhưng được một lát thì lực lượng cưỡng chế vào tịch thu. Suốt đêm 26/4, mấy chục con người vừa kêu khóc, người ngất lịm, người tưởng chừng ra điên ra dại quằn quại dưới nền những ngôi nhà vừa bị san bằng. Trẻ con bị mưa giá làm cho tím tái ôm nhau chui rúc vào những gốc cây thông bên đường để tránh tiếng sấm đầu mùa.
Nhà cửa bị san bằng, bị đói, mệt và kiệt sức... |
Ngày 27/4, thằng con nhỏ 5 tuổi của chị Đông bị cảm lạnh do phải nằm ngoài nền đất mưa gió cả đêm. Tất cả tiền bạc của cải trong nhà đã bị lực lượng cưỡng chế đem đi hết, chị Đông được một số người thương tình cho 200 ngàn đồng đi mua được một mảnh bạt nhỏ về căng dưới gốc cây cho con nằm. Người thì đông, mảnh bạt quá nhỏ cũng chỉ đủ cho bốn, năm người nằm chồng chất lên nhau, chỉ ưu tiên trẻ nhỏ và người bị ốm.
Vậy mà rạng sáng ngày 28/4, công an lại xuống tháo bạt mang đi. Bà con phẫn nộ và phản ứng lập tức 5 người trong đó có cả những người đang mang bầu bị còng tay “tống” lên đồn cảnh sát một ngày một đêm, phải viết giấy cam kết mới được thả về.
Những ngày sau không còn nhà để về, bà con không biết đi đâu, một số người có anh em bạn bè ở xã bên thì đưa con đến xin ở tạm, người không có đành đưa con vào trường tiểu học gần đó trú mưa. “Ngày nào trường không học thì tôi kê bàn cho con ngủ tạm, lúc nào học sinh học thì lại dắt con ra ngoài bãi đất để ngồi”, chị Đông cho hay. Chị kéo tay áo lau nước mắt, ôm thằng con trai nhỏ vào lòng, để lộ cổ tay bầm tím vừa bị còng bằng còng số 8, công an cho rằng chị và một số người căng bạt lên là có hành vi chống đối.
Tương tự như chị Đông, bốn người khác cũng bị còng tay bắt giam một ngày một đêm “tội” chống đối do nằm trong tấm bạt che mưa.
Riêng gia đình anh Hùng thuộc diện chính sách, có đến 3 cha con là Đảng Viên, hai liệt sĩ, cả cô và chú đều là những người đã cống hiến trong quân đội mấy chục năm, giờ về với thương tật trên người 61% nhưng hiện nay cũng không nơi ăn chốn ở, ban đêm thì xin ngủ nhờ nhà bà con, ban ngày cũng phải ngồi bên vệ đường như các gia đình trong xóm.
Gia đình anh Thiếp có 5 con, 4 đứa đang theo học phổ thông, đứa nhỏ nhất đang học mẫu giáo. Sau ngày cưỡng chế, tất cả đều phải nghỉ học vì không còn quần áo sách vở gì cả. Tình trạng này không biết kéo dài bao lâu?