Ngày 3/5/2018, Báo Câu chuyện Pháp luật đăng tải bài viết “Hòa Bình: Cần làm rõ việc chồng lấn quy hoạch Nhà máy xi măng Trung Sơn” phản ánh, nhà máy xi măng Trung Sơn thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh (Cty Bình Minh) nằm tại xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất xi măng đến năm 2020, tại Quyết định số 1065/QĐ-TTg ngày 9/7/2010.
Thế nhưng, hiện nay, UBND tỉnh Hòa Bình lại cấp phép chồng lấn nhiều dự án khác nhau vào diện tích đã được quy hoạch vùng nguyên liệu của Cty Bình Minh. Dù phía doanh nghiệp đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị về việc này nhưng UBND tỉnh Hòa Bình vẫn không giải quyết triệt để.
Huyện báo cáo không trung thực?
Nguyên nhân khiến việc Cty Bình Minh rơi vào hoàn cảnh trớ trêu trên, trước hết, trách nhiệm thuộc về công tác quản lý có phần lỏng lẻo, thậm chí, có thể đã là tiền lệ của UBND huyện Lương sơn. Cụ thể:
Ngày 20/3/2017, UBND huyện Lương Sơn có công văn số 218/UBND –TCKH báo cáo đồng ý về chủ trương để Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ xuất khẩu Minh Phong (Cty Minh Phong, Hà Nội) nghiên cứu, khảo sát và lập hồ sơ đầu tự dự án xây dựng khu tái chế và xử lý chất thải Hòa Bình với tổng diện tích 60ha, nhưng có tới 30ha chồng lấn vào diện tích thăm dò đá vôi làm nguyên liệu xi măng của Cty Bình Minh.
Để “mở đường” cho dự án này, theo lập luận của UBND huyện Lương Sơn tại báo cáo số 156/BC –UBND ngày 18/8/2017 thì, trong 70ha đang được Cty Bình Minh thăm dò, xây dựng vùng nguyên liệu có khoảng 50ha thung đá ngầm, trữ lượng đá vôi thấp, khai thác kém hiệu quả. Còn 20ha núi đá vôi tạo cảnh quan đường Hồ Chí Minh có thể đủ để cho Công ty xi măng Trung Sơn sản xuất hết thời gian hoạt động.
Việc này, UBND huyện Lương Sơn khẳng định đã đề xuất UBND tỉnh Hòa Bình kiến nghị và được Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng ý đưa 50ha thung đá ngầm nói trên ra khỏi vùng thăm dò khai thác nguyên liệu xi măng để quy hoạch cho dự án xử lý rác thải.
Tuy nhiên, xét về mặt thủ tục và quy định của pháp luật thì vùng quy hoạch này do Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt nên việc điều chỉnh quy hoạch cần phải xin ý kiến Thủ tướng.
Như vậy, UBND huyện Lương Sơn đã báo cáo thiếu trung thực hay cố tình “lờ” quyết định của Thủ tướng?
Lợi dụng dự án phân vi sinh, ông Tiến tập kết rác ngay khi chưa đầy đủ thủ tục |
Bởi lẽ, tới ngày 14/11/2017, UBND tỉnh Hòa Bình mới có văn bản số 1661/UBND – NNTN Về việc “Xin ý kiến điều chỉnh cục bộ vị trí khu vực quy hoạch thăm dò, khái thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam tại QĐ số 1065/QĐ-TTg ngày 9/7/2010 của Thủ tướng Chính Phủ”. Và hiện vẫn còn đang chờ các bộ ngành xem xét cho ý kiến.
Bài học nhãn tiền sự yếu kém quản lý
Việc vội vàng quy hoạch, cấp phép chồng lấn cho doanh nghiệp, đặc biệt, chưa xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch dẫn tới xâm phạm quyền lợi của doanh nghiệp khác, cho thấy sự nóng vội và thiếu trách nhiệm trước hết là của UBND huyện Lương Sơn.
Không phải chỉ 1 lần, cùng thời điểm đồng ý chủ trương cho Cty Minh Phong xây dựng nhà máy xử lý chất thải, UBND huyện Lương Sơn cũng đã đồng thời cho cá thể ông Vũ Hùng Tiến (Hà Nội) thuê 21ha đất, cũng chồng lấn vào vùng quy hoạch nguyên liệu nhà máy xi măng Trung Sơn làm dự án xây dựng bãi mùn thải, phân vi sinh…
Trên thực tế, xuất phát chính từ sự lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm trong quản lý, dẫn đến việc ông Tiến tự ý vận chuyển hàng trăm tấn rác thải về tập kết chôn lấp tại thung lũng Lộc Môn mà không có biện pháp đảm bảo kỹ thuật vệ sinh môi trường dù chưa được phép thực hiện dự án. Sự việc diễn ra nhiều ngày, chỉ khi Cục cảnh sát môi trường phát hiện thì chính quyền địa phương mới hay biết.
Và sự bất lực còn thể hiện ở việc, đến nay, đã hơn 1 năm, ông Tiến “một đi không trở lại” hoàn thiện các thủ tục để tiếp tục triển khai dự án, còn hàng trăm tấn rác buộc phải khắc phục vận chuyển đi nơi khác thì vẫn nằm chình ình giữa khe núi.
Về việc này, ông Nguyễn Đình Đua, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cũng đã thừa nhận do sự yếu kém của UBND huyện Lương Sơn trong công tác quản lý và tham mưu.
Chính bài học nhãn tiền này, khiến dư luận cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của UBND huyện Lương Sơn có quá nóng vội khi tham mưu, đồng ý dự án xử lý rác thải quy mô lớn của Cty Minh Phong mà chưa lường hết được các hiểm họa môi trường, cũng như mâu thuẫn tiềm tàng về mặt xã hội khác, rất có thể sẽ ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư tại địa phương.
Báo CCPL sẽ tiếp tục phân tích ở những bài viết tiếp theo.