Miệt mài kêu oan sau khi mãn hạn tù…
Lá đơn kêu oan đầu tiên ông Hùng gửi đi được đề ngày 20/3/2011 (sau gần 6 tháng ra tù) cùng với rất nhiều chứng cứ như Đơn kiến nghị của ông Hùng gửi TAND Tối cao được viết từ ngày 29/7/1995; các đơn trình bày của các nhân chứng làm chứng cho tình trạng ngoại phạm của ông Hùng trong vụ nổ ngày 24/2/1995 (khiến 4 lãnh đạo xã bị thương) xảy ra tại thôn Chăm Mát, xã Thống Nhất, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.
Đặc biệt phải kể đến tờ đơn đề nghị ngày 6/7/1995 và ngày 25/7/1995 của Nguyễn Văn Tân gửi từ Trại giam Ba Sao (Nam Hà). Tại các đơn này, Tân thú nhận đã đổ tội oan cho ông Hùng và ông Nghị, nay rất ân hận. Cuối đơn, Tân viết “Tôi đề nghị VKSNDTC và TANDTC cùng các cơ quan có thẩm quyền xem xét giúp bản thân tôi, điều tra lại vụ án để làm sáng tỏ vụ án trên và trả lại tự do cho người bị oan là anh Hùng, anh Nghị càng sớm càng tốt”. Tuy nhiên, đơn tự khai nhận của Tân và đơn kêu oan của ông Hùng được gửi đi suốt 4 năm đầu vào trại nhưng không hề được hồi âm.
Sau gần 16 năm ở tù, ông Hùng được tha trước thời hạn (theo bản án ông Hùng phải chịu hình phạt hơn 18 năm). Về nhà, việc đầu tiên ông Hùng làm là mời người thân đến nhà và yêu cầu Tân phải nói về sự thật vụ án trước tất cả anh em bạn bè. Không chỉ nhận lỗi đã vu oan cho ông Hùng, Nguyễn Văn Tân còn trực tiếp đưa cho ông Hùng chút tiền xây cửa hàng tạp hóa nhỏ “gọi là bồi thường” vì đã để ông Hùng tù oan vì mình. Sự việc này cũng được rất nhiều người chứng kiến và được lưu lại bằng văn bản để ông Hùng tiếp tục hành trình kêu oan cho mình.
Nhưng dù có thêm tình tiết mới xuất hiện, thêm nhiều tài liệu liên quan làm chứng cho quá trình ngoại phạm của ông Hùng trong vụ nổ ngày 24/2/1995 được gửi đi thì các cơ quan tố tụng trung ương cũng vẫn im lặng, buộc ông Hùng, mới đây lại tiếp tục gửi tiếp đơn kêu oan.
Án điểm nhiều khả năng là một vụ án oan?
Để có thêm được những góc nhìn đa chiều về lời kêu oan của ông Hùng, PV đã tìm gặp ông Lê Thành Tựu - nguyên là điều tra viên chính trong vụ án. Sau khi phá được “vụ án để đời” này, ông Tựu cùng các điều tra viên đều nhận được Bằng khen của Bộ Nội vụ. Với ông Tựu, đó là vụ án ông ấn tượng nhất trong cuộc đời làm điều tra viên của mình.
Ông kể lại, ngay khi có tin báo, anh em điều tra tiến hành khám nghiệm hiện trường, sau đó đưa ra rất nhiều giả thiết, không loại trừ những vấn đề liên quan đến tình ái, thù oán, kinh tế… Tuy nhiên, trong quá trình rà soát đã phát hiện ra vụ nổ này có thể liên quan đến chuyện gần đây cán bộ xã có thu giữ gỗ của một số đối tượng. Từ đó, nổi lên các đối tượng như Nguyễn Văn Tân, Nghị “củ” (tức Nguyễn Văn Nghị) và Hùng O, tức Nguyễn Văn Hùng.
Vụ án đã xảy ra hơn 20 năm nhưng ông Tựu gần như nhớ từng chi tiết. Ông Tựu say sưa kể về chiến công này, trong đó, ông đặc biệt tâm đắc với việc phát hiện ra Nguyễn Văn Tân mới là đối tượng gài lựu đạn chứ không phải Hùng, còn liên tục khen Tân hiểu biết mới làm được. Tuy nhiên, trong Bản án số 18 HS/ST ngày 25/5/1995 có ghi rõ: “… Hùng bình tĩnh vòng tay phải ra sau móc quả lựu đạn ở túi quần ra rồi chuyển sang tay trái… Tay trái cầm chặt lựu đạn ấn vào lốp sau của xe máy ở phần tiếp đất, hướng sao cho mỏ vịt chèn chặt không bật được… Thấy an toàn Hùng nhẹ nhàng rút tay ra khỏi quả lựu đạn, xong rồi Hùng khom lưng đi ra khỏi cổng…”.
Có thể thấy những lời kể từ điều tra viên chính của vụ án đã thể hiện sự sai lệch bản chất khi nhầm lẫn người đặt lựu đạn? Trong khi đó, ông Hùng cho rằng vì bị đánh đập, ép cung (tưởng có thể chết được) nên ông đã đành nhận tội và buộc phải học thuộc lòng quá trình thực hiện vụ án để tiến hành thực nghiệm hiện trường.
Đây có thể được coi là một điểm mấu chốt cùng với lời thú tội “đổ tội cho Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Nghị để được nhẹ tội” của Nguyễn Văn Tân (thủ phạm vụ án) cho thấy các cơ quan tố tụng trung ương nên vào cuộc để làm rõ trắng đen. Từ đấy góp phần giải oan thân phận “kẻ giết người” cho một người dân vô tình “mắc án” mà họ đã đằng đẵng kêu oan liên tục trong 7 năm kể từ khi mãn hạn tù.