“Đột nhiên” bị loại khỏi danh sách kê khai
Sau sự cố môi trường biển, hàng trăm ngư dân của thôn Phú Hải lâm vào cảnh khốn đốn, gần 95% lao động tại địa phương này có thu nhập chính từ biển, nên khi biển bị ô nhiễm các lao động này chưa tìm được việc làm mới.
Nghị định 772 của chính phủ ban hành vào tháng 6/2016 đã hỗ trợ và giải quyết phần nào đời sống cho các lao động này vùng biển tại địa phương này. Tuy nhiên, các hộ dân tại thôn này đang rất bức xúc khi một nghị định khác được ban hành về việc hỗ trợ cho ngư dân thì họ “bỗng dưng” không có tên trong danh sách được nhận tiền và gạo.
Ngư dân Trương Công Tùng trao đổi với phóng viên |
Anh Trương Công Thiệu (36 tuổi, thôn Phú Hải) có thuyền trên 20CV, khi thực hiện nghị định 772 của chính phủ, 2 vợ chồng anh nhận được 6 triệu đồng cùng với 300 kg gạo. Nhưng khi cán bộ xã lên kê khai để nhận được hỗ trợ theo nghị định 6851 thì vợ của anh Thiệu là chị Ngô Thị Bình lại không có tên trong danh sách. Mặc dù trước đây, vợ chồng anh Thiệu và chị Bình luôn đi với nhau trên thuyền để hành nghề sập lưới.
Vợ chồng chị Hoàng Thị Thế Hải có thuyền với công xuất 24CV, nhưng khi cán bộ xã kê khai để thực hiện nghị định 6851 cũng chỉ có chồng chị, còn chị thì bị gạt ra. “Thử hỏi cái thuyền nặng cả tấn làm sao chồng tôi có thể đi một mình được, đó là chưa kể thả lưới, việc vợ chồng tôi đi biển thì ai cũng biết, giờ tôi lại bị gạt ra không rõ nguyên nhân”, chị Hải bức xúc nói.
Anh Trương Công Tùng (thôn Phú Hải) bức xúc cho hay, trước đây, khi thực hiện nghị định 772 cán bộ xã đã về kiểm tra ngư cụ của anh này đồng thời đánh số trên chiếc thuyền thúng không máy của anh Tùng. Sau đó, anh này được nhận 4,5 triệu đồng cùng với 300 kg gạo. Đến khi xã kê khai các hộ dân bị ảnh hưởng theo tinh thần nghị định 6851 thì anh không có tên.
Đó chỉ là ba trong số nhiều trường hợp tại thôn Phú có nhiều ngư dân bị loại khỏi danh sách hỗ trợ khi xã tiến hành kê khai. Người dân cho biết, sở dĩ rất nhiều ngư dân trong thôn không có tên trong danh sách nhận hỗ trợ là do bị cán bộ xã phụ trách kê khai gạch tên dù những người này đều đã được trưởng thôn và vạn trưởng đưa vào danh sách được nhận hỗ trợ.
“Quên” mời vạn trưởng họp xét duyệt hỗ trợ?
Ông Trần Đình Ba – Vạn trưởng vạn ngư nghiệp thôn Phú Hải cho hay, việc ngư dân phản ánh là có cơ sở và hoàn toàn đúng đắn vì những bất cập trong việc hỗ trợ.
Ông Ba cho biết, tại các cuộc họp xét duyệt bồi thường gần đây ở xã ông không hề được xã mời họp, mặc dù vạn trưởng là người gần với ngư dân nhất, nắm rõ thiệt hại của người dân nhất. Trong khi đó theo quy định thì vạn trưởng là người có trong thành phần xét duyệt bồi thường.
Trao đổi với PV báo PLVN, ông Lê Công Minh – Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết việc kê khai các hộ dân được hỗ trợ đã có một hội đồng gồm các ban ngành xã và thôn.
Khi PV đặt câu hỏi về việc không mời vạn trưởng đến tham dự các cuộc họp thì ông Minh nói rằng các cuộc họp trước đây đều có mời và mời cả đại diên vạn, tuy nhiên ông Minh cho rằng ông Ba không phải là vạn trưởng.
Để khách quan, PV đã gọi điện thoại cho ông Ba trước mặt chủ tịch xã, qua điện thoại ông Ba khẳng định mình là vạn trưởng thôn Phú Hải. Ông Ba còn cho biết, trong các cuộc họp chỉ mời trưởng thôn chứ ông Ba không tham dự cuộc họp.
Ông Minh vẫn khẳng định, đã có mời đại diện của vạn, và đại diện của vạn có tham dự các cuộc họp.
Trả lời câu hỏi tại vì sao khi họp lại không đưa giấy mời cho trưởng vạn mà mời đại diện vạn thì ông Minh cho hay đã gởi giấy mời cho trưởng thôn và thôn gởi lại cho vạn. Tuy nhiên, ông Ba cho hay, ông có hỏi trưởng thôn vì sao không mời ông đi họp thì trưởng thôn nói, họ chỉ mời ông, không nói mời vạn trưởng Ba.
Về những lao động bị gạch ra mà không rõ lý do, ông Minh giải thích, trong nghị định 6851 các lao động phải là lao động thường xuyên và có thu nhập chính từ biển, nhưng các trường hợp này không đi biển thường xuyên nên không nhận được hỗ trợ.
“Các lao động là vợ này phải là lao động chính và thường xuyên thì mới bổ sung vào được”, ông Minh giải thích.
Tuy nhiên các hộ dân lại cho rằng, trong suốt thời gian biển bị ô nhiễm họ vẫn đi biển thường xuyên, chỉ có thời gian biển động mới ở nhà, vì vậy nói họ không phải lao động chính và thường xuyên đi biển là thiếu cơ sở, bên cạnh đó nghề biển lắm rủi ro và thiên tai nên không phải lúc nào cũng ra khơi đánh bắt được.
Về vấn đề tại thôn Phú Hải, một lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc cho biết, huyện có nhận được thư phản ánh của người dân ở xã Lộc Vĩnh. Huyện đã yêu cầu xã Lộc Vĩnh giải trình từng trường hợp cụ thể, giao trách nhiệm cho Đảng ủy, UBND xã Lộc Vĩnh kiểm tra lại toàn bộ, nếu trường hợp nào đúng mà chưa được đưa vào thì bổ sung cho bà con.