Phó chủ tịch phường trắng trợn 'ăn tiền' dân chài

Ông Mên tại Trại giam An Điềm
Ông Mên tại Trại giam An Điềm
(PLO) -Trước khi vào trại giam An Điềm (thuộc tổng cục VIII, Bộ Công an) thụ án, phạm nhân Hồ Văn Mên (SN 1958, ngụ quận Thanh Khê, Đà Nẵng) vốn là Phó chủ tịch phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê), tổ trưởng tổ vay vốn, phó chủ tịch hội nông dân phường. Với 2 tội danh “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn” và “Lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản”, ông Mên bị kết án 13 năm tù. 

 Chuẩn bị bước qua tuổi 60, hiện ông Mên đã có hơn 7 năm trả giá tại trại giam nên phạm nhân này hiểu thế nào là “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Với Mên, thời gian qua đủ để ông dằn vặt và “gặm nhấm” tội lỗi mà mình đã gây ra cho bà con nghèo làng chài…

Con đường “ăn tiền” trắng trợn

Từ năm 2002, Nhà nước có chủ trương hỗ trợ giải quyết việc làm cho dân nghèo tại Đà Nẵng bằng hình thức cho vay ưu đãi từ nguồn vốn Chương trình 120, vốn xóa đói giảm nghèo và nguồn vốn phát triển nông - ngư nghiệp. 

Thời gian này, ông Mên với tư cách Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Thanh Lộc Đán (nay tách ra thành 2 phường Thanh Khê Đông và Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê), đã đại diện cho 53 hộ ngư dân địa phương, thông qua chính quyền phường, làm toàn bộ hồ sơ, dự án vay vốn cho đến khâu giải ngân để tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội vay vốn. 

Khi lấy được tiền từ ngân hàng, ngư dân không hay biết thực tế số tiền được vay trên giấy tờ là bao nhiêu nhưng vẫn trả cả lãi lẫn gốc thông qua ông Mên và cứ ngỡ đã hoàn tất nợ sau 5 năm (2002-2007). Chỉ đến khi hết hạn dự án, ngân hàng gửi danh sách đòi nợ, các hộ vay mới té ngửa: Không ngờ, số tiền vay của mình gấp đôi vốn nhận thực tế, ngoài ra họ còn nguyên khoản cả nợ gốc và lãi vay trong vòng 5 năm.

Theo hồ sơ lưu tại Trại giam An Điềm, chỉ riêng số tiền mà Hồ Văn Mên mượn danh (cả mạo danh) ngư dân để chiếm đoạt các nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình Chương trình 120 của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng NNPTNT quận Thanh Khê lên đến 1,5 tỉ đồng. 

Bằng “chiêu thức” tương tự, ông Mên đã đại diện cho hơn 100 nông hộ, vay 761,2 triệu đồng và cũng chiếm đoạt luôn. Sau 5 năm ngân hàng địa phương mới biết số tiền vay ấy đã không đến được người dân. Hầu hết những dự án, hồ sơ vay vốn ấy đều  do Mên lập “ảo”.

Hội Nông dân TP.Đà Nẵng còn phát hiện 110 triệu đồng vốn của nông hội hỗ trợ ngư dân bám biển cũng bị ông Mên “đại diện” rồi mượn danh và cả mạo danh 10 ngư hộ chiếm đoạt nốt. Thời điểm phát hiện, số nợ 70 triệu đồng tồn đọng bị ông “ẵm gọn”.

Từ những thông tin tố giác, cơ quan công an vào cuộc điều tra, bắt giam và kết luận, từ năm 2002 đến tháng 8/2008, ông Mên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tiền của nhiều cá nhân, hộ vay vốn, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội …với số tiền lên tới hàng tỉ đồng. 

Hành vi trên của ông Mên đã bị khởi tố tội “Lạm dụng chức vụ và quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản”. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 8/12/2010, Mên bị TAND TP. Đà Nẵng tuyên mức án 15 năm tù giam. Sau khi làm đơn kháng cáo, Tòa phúc thẩm đã giảm án còn 13 năm. 

Ám ảnh phiên tòa để phấn đấu cải tạo

Theo đánh giá của cán bộ Trại giam An Điềm, ngay từ ngày đầu nhập trại, Mên luôn thể hiện thái độ ăn ăn, hối lỗi và luôn chấp hành tốt các nội quy cải tạo. Chính vì thế, Mên được phân giữ vị trí trưởng ban ban trật tự tự quản trong trại (nơi tập trung những phạm nhân cải tạo tốt). 

Mên tâm sự, thời gian thụ án từng ngày trôi qua, Mên mới thấm thía hết câu: “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Hơn hết, Mên luôn bị phiên tòa của 6 năm về trước ám ảnh, khiến thời gian trả án cứ “dài dằng dặc” vì luôn bị lương tâm cắn rứt. 

Mên kể, vào cuối năm 2010, lần xét xử sơ thẩm, phiên tòa đã bị vây kín đặc bởi những ngư dân làng chài Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê). Phần lớn trong số họ đều nước mắt ngắn nước ngắn dài mỗi khi đứng lên trả lời các câu hỏi của HĐXX. 

“Gia đình tôi đang lâm cảnh túng quẫn, không ai muốn ông Mên phải ngồi tù, chỉ mong ông có thể trả lại tiền cho chúng tôi để trả nợ ngân hàng”, câu nói trong nấc nghẹn của bà Nguyễn Thị Hường (SN 1965, Xuân Hà, Thanh Khê), người bị lừa gần 100 triệu đồng khiến ông nhớ mãi.

Trầm ngâm giây lát, ông Mên kể tiếp, khi bà Hường dứt câu, bà Lê Thị Thu Hương (SN 1967, ngụ tổ 34, phường Thanh Khê Tây) nối tiếp bộc bạch nỗi lòng. 

Ông Mên biết, bà Hương là người đầu tiên tố giác ông gửi đơn ra tòa để khởi kiện, đòi món nợ 290 triệu vào năm 2008. Nhưng thay vì “căm ghét” ông, trong phiên tòa hôm đó, bà Hương đã khóc như mưa: “Tôi một đời buôn thúng bán bưng làm chi có tiền nhiều, rứa mà nghe ông Mên thỏ thẻ, tui đi vay nóng cả 4-5 lần để có số tiền 290 triệu đồng đưa ông.

Bây giờ, tháng mô tui cũng trả lãi 8 triệu đồng, trễ vài ngày giang hồ vác giáo mác đến đòi chặt làm 3 khúc. Mong tòa thương xót, xét xử để đòi lại công bằng cho tụi, cho gia đình tui còn có thể sống tiếp.”

Tương tự, bà Hồ Thị Kim Thuỷ (ở phường Thanh Lộc Đán, Thanh Khê) bị ông Mên mạo danh hội viên hội nông dân để vay vốn dự án đánh bắt hải sản từ quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm. 

Mỗi câu nói mếu máo của bà Thủy như nhát dao cứa tim gan ông cho tới tận bây giờ: “Mong tòa xem xét, cứu vớt chúng tôi, ngư dân bám biển, nhọc nhằn lắm với có tiền sinh sống, tiền làm ra chúng tôi phải chắt chiu từng đồng để trả dần tiền vay. Nhưng đến nay lại nhận thông tin, cả vốn lẫn lãi vẫn còn nguyên, lãi mẹ lại đẻ thêm lãi con thế này, gia đình tôi chỉ có nước bỏ xứ mà đi”.

Ông Mên cho biết, tiền ông lừa của mọi người, khi đó đều dùng vào việc bù lỗ cho các lần tham gia đánh bắt xa bờ của gia đình. Nói lừa tiền tỉ nhưng ngày ra tòa, gia đình ông vẫn thuộc diện khó khăn. Vợ con ông đã phải bán hết nhà cửa, đi thuê phòng trọ ở cho đến nay, cốt để giúp ông khắc phục một phần hậu quả. Thế nhưng, tất cả đều chỉ như “muối bỏ bể”. 

Trong khi đó, ảnh hưởng từ “cơn bão” vỡ nợ của ông Mên khiến cả phường Thanh Khê Đông lâm cảnh túng quẫn, có hộ treo biển bán nhà, có người bỏ làng biệt xứ để trốn nợ.

Tuy vậy, tại phiên phúc thẩm, bà con vẫn nhiều người viết đơn xin giảm án cho ông. Ân tình đó, chưa bao giờ ông quên. 7 năm ở Trại giam An Điềm, mỗi lần vợ con lên thăm, chưa bao giờ Mên thôi hỏi tin tức về nạn nhân của chính mình. 

Ông Mên bộc bạch, hễ nghe ai đó đã vực dậy được cuộc sống, hoàn thành việc trả nợ, bản thân ông như trút đi nỗi lòng đang đè nặng mỗi mỗi đêm. Hiện tại, ông Mên đưa ra quyết tâm cải tạo tốt để hi vọng được giảm án, sớm ra tù. Ông Mên bảo rằng, nếu sức khỏe cho phép, ông sẽ cố gắng làm lụng để trả món nợ với bà con làng chài./.

Đọc thêm

Công an Kon Tum cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Đối tượng lừa đảo qua mạng nhắn tin, dẫn dụ bị hại. (Ảnh: Công an tỉnh cung cấp)
(PLVN) - Phòng An ninh mạng - Công an tỉnh Kon Tum và Ngân hàng ACB chi nhánh Kon Tum đã kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo hơn 500 triệu đồng với chiêu giả danh người Mỹ muốn chuyển tiền về Việt Nam đầu tư.

Sơ thẩm vụ 'Trốn thuế' ở Phú Giáo (Bình Dương): VKS đề nghị phạt tiền với 3 bị cáo

VKS đề nghị HĐXX phạt tiền các bị cáo về tội “Trốn thuế”.
(PLVN) - Hôm qua (12/12), TAND huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) mở phiên sơ thẩm với bị cáo Nguyễn Thị Phương Huệ (SN 1967), Trần Thanh Tài (SN 1997, con trai bà Huệ, cùng ngụ huyện Phú Giáo) và Võ Đức Quang (SN 1993, ngụ Chơn Thành, Bình Phước) về tội “Trốn thuế”. Cả ba bị cáo buộc trốn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi khai giá mua bán đất thấp hơn giá thực tế.

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gỗ trái phép

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gỗ trái phép
(PLVN) -  Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) phối hợp với Trạm Kiểm lâm số 3, Công an xã Tả Van và Ban Chỉ huy Quân sựu xã Tả van (thị xã Sa Pa) vừa bắt quả tang 01 đối tượng vận chuyển trái phép gỗ pơ mu.

Truy tố ông Trần Đình Triển

Ảnh minh họa
(PLVN) - VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Đình Triển (SN 1959, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.