Sự ra đời của các “Nhóm nòng cốt” ở khu dân cư chính là một trong những “điều kiện cần” để hiện thực hóa điều đó.
“Dân nói pháp luật cho dân nghe”
Xác định việc xây dựng các “Nhóm nòng cốt” trên cơ sở lựa chọn những cá nhân thật sự uy tín, tâm huyết, am hiểu pháp luật, có khả năng tuyên truyền, thuyết phục và tinh thần trách nhiệm cao tại địa bàn mỗi khu dân cư được xem là khâu then chốt.
Để hoạt động, mỗi “Nhóm nòng cốt” cần có khoảng từ 7 đến 10 thành viên, các thành viên của nhóm nòng cốt hầu hết là những người gương mẫu, am hiểu về pháp luật, có uy tín trong cộng đồng dân cư. Đối với những khu vực tập trung đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo thì các nhóm thu hút đội ngũ già làng, người tiêu biểu trong cộng đồng dân cư để họ phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, cùng với “Nhóm nòng cốt” thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân sống và làm việc theo pháp luật.
Qua quá trình hoạt động có thể thấy, các “Nhóm nòng cốt” đã thật sự đóng vai trò hạt nhân, chủ đạo trong tuyên truyền và vận động nhân dân chấp hành pháp luật ở địa bàn khu dân cư.
Để nắm bắt thực trạng hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân tại các khu dân cư về một số lĩnh vực như: bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, cải cách thủ tục hành chính; hôn nhân và gia đình; khiếu nại, tố cáo; bồi thường, giải phóng mặt bằng; thực hiện dân chủ cơ sở, các “Nhóm nòng cốt” đã tích cực xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật trong mỗi tháng, hàng quý, hàng năm hoặc theo từng thời điểm cụ thể phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đặc biệt khi có những chủ trương, chính sách, quy định mới của Trung ương và địa phương thì các “Nhóm nòng cốt” sẽ tổ chức họp nhóm, phân công nhiệm vụ và bàn kế hoạch tổ chức tuyên truyền một cách cụ thể. Những khu dân cư là “điểm nóng” về vi phạm pháp luật, tập trung nhiều thanh niên hư hỏng hoặc có khả năng phát sinh các tệ nạn xã hội thì thành viên các “nhóm nòng cốt” phối hợp với lực lượng chức năng (như công an thôn, công an xã…) và gia đình tiến hành giải thích, vận động họ tự nguyện từ bỏ các tật xấu, tránh xa tệ nạn, phấn đấu trở thành người công dân tốt.
Anh Nguyễn Văn P - người dân huyện Vĩnh Tường chia sẻ: “Trước đây do ham chơi, đua đòi nên anh cũng cờ bạc, trộm cắp gia đình thường xuyên lục đục, hàng xóm xa lánh, nhưng từ khi được các bác trong “nhóm” thường xuyên đến tuyên truyền, khuyên bảo chỉ ra điều hay điều dở, gia đình động viên anh đã tu chí làm ăn. Gia đình bây giờ đã vui vẻ hơn mà bà con thôn xóm không còn xa lánh nữa”.
Chị Nguyễn Thị N, đồng bào dân tộc huyện Tam Đảo tâm sự: “Nghe các bác dân mình trong “nhóm nòng cốt” nói pháp luật hay lắm, thấy dễ nghe mà dễ hiểu lắm. Được các bác nói tôi hiểu ra nhiều điều rồi lại về nói với gia đình, bà con trong thôn cùng thực hiện theo pháp luật.”
Duy trì và phát huy
Hiện nay, Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì phối hợp với UBND, Ủy ban MTTQ các huyện, thành, thị thành lập và hướng dẫn, duy trì hoạt động mô hình “Nhóm nòng cốt” tại 87 xã, phường, thị trấn, thành lập được 870 nhóm nòng cốt trên 900 khu dân cư với tổng số trên 600 thành viên
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn xây dựng quy chế hoạt động của nhóm, kỹ năng tuyên truyền, cách làm đến từng nhóm nòng cốt để thực hiện tuyên truyền pháp luật tới các khu dân cư với nhiều hình thức, kết hợp phổ biến pháp luật với các buổi họp tổ, sinh hoạt Ban Công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể… lồng ghép với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, thông qua mạng lưới truyền thanh cơ sở, lồng ghép với các nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời vận động các hộ gia đình trên địa bàn đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa”; “Gia đình không có ma túy và tệ nạn xã hội”. Các “Nhóm nòng cốt” đã chứng minh được tính hiệu quả, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của mọi tầng lớp nhân dân, nếp sống văn hoá văn minh, trật tự an toàn xã hội ngày càng được giữ vững và phát huy.
Có thể nói, các “Nhóm nòng cốt” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tuy thời gian thành lập và hoạt động chưa phải là dài nhưng hiệu quả thì đã được chứng minh qua thực tiễn hoạt động. Sự ra đời của mô hình này đã góp phần giúp cấp ủy, chính quyền giải quyết vướng mắc ngay từ cơ sở, giảm tình trạng đơn thư vượt cấp, khiếu kiện đông người. Tỷ lệ “gia đình văn hóa”, “khu phố văn hóa” cũng nhờ đó tăng đáng kể. Đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn toàn tỉnh ngày càng hiệu quả. Phát huy tốt vai trò của nhân dân, Ủy ban MTTQ tỉnh đã góp phần không nhỏ cùng với Đảng bộ, chính quyền xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh.