“Nhân” nghĩa là nguyên nhân, là hạt, tức hạt giống. “Quả” là kết quả, là trái, tức là kết quả hữu hình hoặc vô hình của một hạt đã gieo trồng. Nhân và quả là hai trạng thái tiếp nối nhau mà có.
Số mệnh do chính mình nắm giữ
Phật dạy: “Muốn biết quá khứ hay tương lai của một người chỉ cần nhìn những điều người đó đang nhận hoặc đang làm ở hiện tại là có thể biết được”. Qua quy luật nhân quả, Phật dạy ta biết rằng, vận mệnh là do tự bản thân mỗi người nắm giữ, quyết định chứ không phải do thế lực nào tạo nên. Mình tự gieo nhân thì tự gặt lấy quả, tùy theo thiện ác nhiều ít nên có khác nhau.
Quan điểm này hoàn toàn khác với bói toán hay tướng số, tức “thuyết định mệnh” hoặc “thuyết túc mệnh” cho rằng vận mệnh là do trời định không thể thay đổi. Từ quan niệm nhân quả của Phật chúng ta có thể thấy, những việc hiện tại chúng ta đang nhận là do “nhân” đã trồng trước đây tạo ra. Nhân muốn hình thành nên quả thì ở giữa phải có duyên tức điều kiện.
“Nhân” đã tạo ra trong quá khứ thì không thể thay đổi được. Cái có thể thay đổi chính là “duyên”, điều kiện để tạo ra kết quả. Nói cách khác, kiếp trước ít nhiều đều làm điều xấu nhưng kiếp này từ bỏ điều xấu làm việc thiện thì ác duyên sẽ đứt. Nhà Phật khuyên người ta cách thay đổi vận mệnh một cách tích cực và sẽ nhận được phước báo.
Quả báo chia làm hai kiểu, thứ nhất là báo ứng chính và báo ứng phụ thuộc. Một người có tượng mạo đẹp xấu, thọ trường hay đoản mệnh, vận mệnh giàu hay nghèo là thuộc báo ứng chính. Môi trường xã hội tốt hay xấu, hoàn cảnh gia đình tốt hay xấu, con cái người thân tốt hay xấu là báo ứng phụ thuộc.
Về căn bản, Phật pháp nói cho ta biết lí do hình thành nên tướng và mệnh, tức công nhận có tướng và mệnh nhưng không khuyến khích người ta xem tướng, xem bói. Bởi tướng và mệnh ấy ở mỗi con người dù có xem có đoán thì cũng đã như vậy, không xem không đoán thì nó cũng đã như vậy. Chỉ có thay đổi từ gốc rễ, thay đổi nhân duyên thì mới chuyển biến, thay đổi được kết quả.
Việc chuyển biến này lại phải xuất phát từ tâm địa của mỗi người, “tâm địa” là mảnh đất tâm hồn, trong đó gieo những hạt thiện ác, sinh trưởng mầm thiện ác, cuối cùng kết thành quả thiện ác.
Phật dạy rằng tất cả đều do tâm mà sinh tạo ra, nên muốn thay đổi mình thì trước hết phải chú ý đến tâm niệm của bản thân. Vì vậy, tâm có thể tạo ra nghiệp cũng có thể chuyển nghiệp, phúc báo họa báo đều do con người tự tạo ra, đức năng thắng số, tướng tùy tâm chuyển là ý như vậy.
Nếu tâm tốt mệnh cũng tốt thì phú quý đến già, những người này được cho là thiện căn và phúc đức trước đây đều tương đối dày, nay thiện duyên lại gặp nên hưởng thụ đại phú đại quý. Nhưng họ lại tin vào nhân quả nên coi trọng đạo đức, liêm khiết công bằng, thích bố thí cứu bần, tích cực gieo thiện nhân nên không chỉ phú quý đến già mà con cháu cũng thành đạt, xum vầy êm ấm.
Nếu mệnh tốt mà tâm không tốt thì phúc biến thành tai họa, những người này trước đây có thiện căn phúc đức nay được hưởng phú quý vinh hoa. Nhưng khi được hưởng điều phú quý ấy thì lại tham lam ngũ dục, lợi dụng quyền lực, hại người lợi mình tạo ra nhiều ác nghiệp nên phú quý càng lớn thì ác nghiệp cũng càng nặng.
Nếu phúc ấy báo ứng đã hết luân chuyển đến ác báo thì không chỉ thân bại danh liệt mà gia đạo cũng gặp nhiều biến cố, không được êm ấm hòa thuận. Tâm có thể chuyển nghiệp nên mệnh có tốt đến mấy nhưng tâm không tốt thì phúc báo mĩ mãn sẽ chuyển thành tai ương bi thảm.
Nếu tâm tốt mà mệnh không tốt thì họa chuyển thành phúc, những người này trước đây tạo nghiệp ác nay nghiệp ác ấy đã gặp duyên nên bị ác báo. Nhưng do có tâm tốt, làm nhiều điều tốt nên được hạnh phúc vui sướng.
Nếu tâm và mệnh đều không tốt thì tai ương và nghèo đói: những người này trước đây làm nhiều điều xấu, gặp nhiều tai ương nhưng nay không biết hồi tâm chuyển ý phạm nhiều sai lầm nên nghèo khó suốt đời, tai ương không ngớt.
Tâm có thể chuyển được mệnh thì điều quan trọng nhất là phải tích nhân đức, mệnh được tạo ra từ tâm nên những việc tốt xấu đều do con người tự tạo ra, tin vào mệnh mà không tu tâm thì hiểm nguy cũng cận kề. Phật dạy cho người ta sống tốt hơn, cũng dăn dạy để con người tự hoàn thiện bản thân, làm người có ích cho xã hội, biết quan tâm chia sẻ để xã hội ngày một tốt hơn.
Cúng bái không cải được mệnh
Trước hết, để hiểu rõ hơn về cách cải thiện vận mệnh của Phật giáo, chúng ta cần làm rõ một số thuyết khác như thuyết tử vi, tướng mệnh. Trong những thuyết này thường có câu “nhất triều lạc địa mệnh an bài”, tức khi một đứa trẻ rời khỏi cơ thể mẹ, cất tiếng khóc đầu đời tức là vận mệnh của nó đã được định đoạt sẵn. Nó giống như cuốn sổ được viết từ trước, trong đó có may mắn có bất hạnh, có phú quý nghèo hèn, có sướng vui buồn khổ đều do cuốn sổ vận mệnh đó chi phối thống trị.
Trong tướng mệnh học, người ta căn cứ vào thời khắc sinh ra đứa trẻ, được gọi là “sinh thần bát tự” (tám chữ can chi ghi ngày, giờ, tháng, năm đứa trẻ ấy được sinh ra, từ đó có thể tính ra được số mệnh của người đó) để đưa ra một loạt các dự báo về tính cách và biến cố cuộc đời đứa trẻ sau này.
Thuyết này cũng cho rằng, phẩm cách khí chất và hành vi cử chỉ lời nói của một người quyết định vận mệnh của người đó. Những phẩm chất tính cách trên phụ thuộc vào thời khắc sinh, có được giờ sinh tốt thì vận mệnh tốt.
Tuy nhiên, tướng mệnh học không thể lý giải được tại sao đứa trẻ ấy khi sinh ra lại đúng vào thời điểm ấy, gia đình và môi trường sống ấy mà không phải là thời điểm khác, không gian khác. Tướng mệnh học cổ đại quy kết “sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên”, tức sống chết là do mệnh, giàu sang đều do trời định, tức một thế lực siêu nhiên huyền bí, thần linh cai quản.
Vì vậy, trong cuộc sống thường ngày chúng ta vẫn nghe thấy những câu phàn nàn than vãn của những người người kém may mắn: “Tại sao người khác lại may mắn hơn mình, được sinh vào gia đình giàu có, sự nghiệp thành công, còn mình thì gặp nhiều cản trở như vậy?”; “Tại sao người khác được bên nhau đầu bạc răng long còn mình lại bị người khác bỏ rơi”; “Tại sao người ta khỏe mạnh cường tráng còn mình lại bệnh tật đeo bám”…
Người tiêu cực sẽ chấp nhận những điều đã an bài như đã nói trên. Nhưng cũng không ít người suy nghĩ tích cực muốn thay đổi vận mệnh. Từ đó mới sinh ra cúng bái, đặt tên, sửa nhân tướng...theo lí lẽ của các thuyết trên.
Tuy vậy, xét về bản chất, sửa phong thủy, đặt tên, sửa nhân tướng…đều là những tác động hữu hình từ bên ngoài. Tức là dùng cái hữu hình, cái có thể thay đổi hòng cải biến vận mệnh là cái vô hình, cái đã định sẵn thì hiệu quả tuy có thể tạo được ít nhiều ảnh hưởng, có hiệu quả ngay nhưng không lâu bền. Nói cách khác, trong đông y thì đó là chữa bệnh từ ngọn mà không triệt được cái gốc. Thấy cái ung nhọt mọc ra ở đâu thì đắp thuốc ở đó mà không hiểu vì sao lại có cái ung nhọt ấy.
(Còn nữa)