“Thiên thần tóc vàng” bị người mẹ nghèo khó mang bán
Ngày 16/10/2013, trong lúc lùng sục trại Tabakou của cộng đồng người di - gan ở thị trấn Farsala miền Trung Hy Lạp, cảnh sát đã phát hiện Maria, một bé gái khoảng 4 - 5 tuổi.
Cô bé sống chung nhà với vợ chồng Hristos Salis (39 tuổi), và Eleftheria Dimopoulou (40 tuổi) cùng những đứa con của hai người này. Cảnh sát chú ý tới Maria vì bé da trắng, mắt xanh, tóc vàng trong khi vợ chồng Salis da ngăm, tóc đen.
Vợ chồng Salis không có giấy tờ chứng minh họ là cha mẹ nuôi hợp pháp của bé Maria. Kết quả xét nghiệm ADN khẳng định bé không phải con ruột của họ. Cảnh sát đã bắt giữ vợ chồng Salis và giao bé Maria cho một cơ sở từ thiện ở thủ đô Athens nuôi nấng tạm thời.
Tại cơ quan điều tra, vợ chồng Salis khai vào năm 2009, một người Bulgari đã đem bé Maria tới nhà họ bán. Mặc dù người chồng không muốn rước “một quả bom” vào nhà nhưng người vợ quyết định nhận đứa bé.
Những người láng giềng của cặp vợ chồng này khai họ biết chuyện đứa bé được bán cho vợ chồng Salis với giá 840 bảng Anh. Ngoài bé Maria, người Bulgari đó còn rao bán 5 đứa con khác. Bé kiếm tiền cho vợ chồng Salis bằng cách nhảy múa và xin tiền tại những nơi đông người.
Maria, thiên thần tóc vàng |
Thông tin về bé Maria nóng bỏng trên báo chí thế giới và các mạng xã hội. Báo chí Hy Lạp đã đặt cho Maria biệt danh “thiên thần tóc vàng bí ẩn”. Cơ quan điều tra cho rằng có khả năng Maria đã bị một đường dây buôn bán trẻ em bắt cóc rồi đưa lậu vào Hy Lạp để bán cho một gia đình giàu có với giá 22.000 bảng.
Do bị cảnh sát săn đuổi ráo riết, băng nhóm này phải bán rẻ đứa bé cho vợ chồng Salis để dễ bề trốn chạy. Giả thiết này dựa trên tài liệu lưu giữ về một đường dây buôn bán trẻ em bị phá năm 2009. Tài liệu nói tới một kẻ trung gian người Bulgaria thuê một cặp vợ chồng di - gan dò tìm xem gia đình nào muốn mua trẻ em làm con nuôi.
Có thể người Bulgaria được nhắc đến trong tài liệu là người đã bán Maria cho vợ chồng Salis. Cảnh sát cũng nói tới khả năng Maria sẽ bị vợ chồng Salis gả bán làm “cô dâu trẻ em” khi em được 12 tuổi để lấy một số tiền lớn nhờ làn da trắng và mái tóc vàng của em.
Hồ sơ về Maria được gửi cho Interpol nhưng Maria không có tên trong danh sách trẻ em bị bắt cóc đang được tìm kiếm. Cơ quan điều tra kêu gọi giúp đỡ tìm kiếm thân nhân của bé Maria.
Có tới 8.000 cuộc gọi từ nhiều nước nói rằng có thể họ biết được gốc gác của Maria, tuy nhiên không nguồn tin nào được đánh giá là chính xác.
Sáng 24/10/2013 lực lượng an ninh hai nước Hy Lạp và Bulgaria đã phối hợp hành quân ở Stara Zagora miền Trung Bulgaria để tìm bắt Sasha Ruseva và chồng là Stara Zagora, hai người mà cảnh sát cho rằng có thể giải mã điều bí ẩn của thiên thần tóc vàng.
Sasha Ruseva kể năm 2009 chị sinh đứa con thứ ba trong lúc kiếm sống bằng công việc hái thuê trái ô liu ở thị trấn Livanates, Hy Lạp. Tự thấy không thể nuôi thêm một đứa con nữa, Ruseva đã bán đứa bé sơ sinh cho một băng nhóm buôn bán trẻ em.
Một kẻ trung gian người Bulgaria tên Michalis cùng người tình của anh ta mang đứa bé rao bán quanh miền Trung Hy Lạp cho đến lúc vợ chồng Salis mua bé. Xét nghiệm ADN đã chứng minh bé Maria, thiên thần tóc vàng chính là con của Ruseva.
Cảnh sát từng “tẽn tò” vì một vụ tương tự
Sau khi báo chí thế giới đưa tin về bé Marie, cảnh sát các nước có cộng đồng di - gan cư trú đặc biệt để ý tới những đứa bé có ngoại hình thể hiện sự khác biệt về huyết thống với những người đang sống cùng nhà.
Một số người di - gan từng bị tai tiếng về chuyện bắt cóc trẻ em. Trước đó, ngày 22/10/2013, ba người di - gan ở đảo Lesbos của Hy Lạp bị bắt vì bị tình nghi bắt cóc một đứa bé mới hai tháng tuổi.
Một vụ án khác cũng liên quan đến bắt cóc và người di – gan, nhưng lại làm cảnh sát “tẽn tò”. Vụ việc xảy ra tại Ireland. Có người mật báo cho cảnh sát hai em bé tóc vàng, da trắng, mắt xanh đang sống trong hai cộng đồng di - gan là những người không có màu da, màu mắt, màu tóc giống hai em.
Trường hợp thứ nhất: Bé gái 7 tuổi ở khu di gan Tallaght, Dublin. Người nuôi bé khai rằng bé được sinh ở bệnh viện Coombe vào tháng 4/2006 nhưng bệnh viện Coombe nói không có một bé gái nào sinh ra tại bệnh viện vào ngày được bảo là ngày sinh của bé. Giấy khai sinh và hộ chiếu trình cho cảnh sát khác tên đăng ký với chính quyền địa phương.
Trường hợp thứ hai: Bé trai Iancu Muntean, 2 tuổi, ở Athlone. Trong cả hai trường hợp, người nuôi dưỡng hai bé đều quả quyết họ là bố mẹ đẻ. Tuy nhiên, vì tình nghi hai bé bị bắt cóc, cảnh sát tạm thời đưa hai bé đến nơi ở khác trong khi điều tra.
Xét nghiệm ADN cũng từng chứng minh rằng hai cháu bé ở Ireland là con ruột của hai cặp vợ chồng đang nuôi dưỡng hai bé. Hai bé đã được trả về cho bố mẹ.
Khi đó, hành động tách những đứa bé tình nghi bị bắt cóc khỏi những người đang nuôi dưỡng chúng bị lên án là kỳ thị người di - gan. Cảnh sát Ireland được yêu cầu giải trình sự việc và rút kinh nghiệm về việc này.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng cảnh sát cần phải hành động nhanh chóng khi có nghi vấn trẻ em bị bắt cóc. Trong một số vụ án bắt cóc trẻ em trên thế giới, cảnh sát đã phải hối tiếc vì đã lơ là nên không phát hiện nạn nhân ở ngay trước mắt mình.
Chuyện thiên thần tóc vàng cũng có một số tác động tích cực. Đáng chú ý nhất là chuyện cảnh sát Bồ Đào Nha tuyên bố mở lại một vụ án bị bắt cóc, 5 năm sau khi chính thức từ bỏ việc điều tra vụ này.