Cần 5 thông dịch viên giúp cô gái câm điếc kể tội bị cáo
Người làm chứng và cũng là nạn nhân là một cô gái độ tuổi 20, gốc Pakistan. Hai kẻ phải đối mặt với lời cáo buộc của cô là một căp vợ chồng già, ông chồng, Ilyas Ashar, một doanh nhân 84 tuổi và bà vợ Tallat Ashar, 67 tuổi.
Để có ngày 15/10/2013 là ngày tòa án Minshull ở Manchester (Anh) chính thức buộc tội cặp vợ chồng nói trên, cơ quan điều tra phải mất nhiều năm, từ năm 2009, và tốn số tiền lên tới 4 triệu bảng Anh.
Khó khăn lớn của cơ quan điều tra và tòa án là cô gái người Pakistan (không được tòa cho phép tiết lộ tên) hoàn toàn câm điếc, mù chữ, không biết tiếng Anh, chỉ hiểu tiếng Urdu là tiếng mẹ đẻ của cô.
Để nạn nhân kể tội của bị cáo, nhân viên xã hội phải mất thời gian dạy cô ngôn ngữ dấu hiệu để chuyển tải thông tin. Khi ra tòa, cô được ở một phòng riêng, được nối video với phòng xử của tòa. Hai thông dịch viên ở cạnh cô để dịch cho tòa nghe lời của cô, một người dịch ngôn ngữ dấu hiệu, một người dịch tiếng Urdu. Tại phòng xử có hai thông dịch viên khác để kiểm tra công việc của hai thông dịch viên trực tiếp dịch lời của cô gái. Phía bị cáo có riêng một thông dịch viên, tổng cộng có tới 5 thông dịch viên.
Chuyện của cô gái làm nhiều người tham dự phiên tòa vô cùng xúc động, có người không cầm được nước mắt. Cô gái bị câm điếc bẩm sinh, không được học hành, gia đình đông anh em, nghèo khổ, sống ở một ngôi làng nghèo ở Pakistan.
Lúc lên 10 tuổi, cô bé được hai vợ chồng nhà Ashar đến tận Pakistan đưa về Anh. Trong tờ hộ chiếu, tuổi của cô bị khai gian, ghi 19 tuổi thay vì 10 tuổi. Cô nhớ lại mình đã “điểm chỉ” vào tờ hộ chiếu mà không biết trong đó ghi những gì. Cô bé đến nước Anh ngày 24/6/2000.
Đến nước Anh, những tưởng cô sẽ có một cuộc sống tốt hơn ở quê nhà nhưng sự thật không phải thế. Cô bé là nạn nhân của nạn buôn bán, nhập lậu người với mục đích bóc lột sức lao động, lạm dụng tình dục và hưởng lợi từ khuyết tật của nạn nhân.
Tại Anh, cô bé 10 tuổi bị bắt làm công việc đóng gói hàng một thời gian, sau đó chuyên làm việc nhà cho gia đình Ashar và hầu hạ cả bạn bè cũng như bà con của gia đình đó.
Cô ở trong tầng hầm căn nhà, ngủ trên sàn xi măng trong một căn phòng tối tăm, lạnh lẽo, không chút tiện nghi. Cô phải làm việc nhà cả ngày, từ lau dọn nhà cửa, nấu ăn, giặt ủi, may vá. Làm việc cực nhọc không có lương, cô lại bị đánh đập nếu chủ nhà không hài lòng.
Đốn mạt hơn, ông già xấp xỉ tuổi 80 liên tục hiếp dâm cô bé. Gia đình Ashar còn dùng tên cô gái để xin tiền trợ cấp xã hội cho người khuyết tật, được hơn 30.000 bảng Anh. Tiền là của cô gái nhưng họ bỏ túi.
Năm 2009, cảnh sát đến nhà Ashar mục đích điều tra một hoạt động bất hợp pháp khác nhưng tình cờ họ gặp cô gái Pakistan ở tầng hầm. Có ý nghi ngờ đây là một trường hợp bắt người làm nô lệ, nhân viên cảnh sát tìm hiểu và phát hiện sự việc.
Cô gái được đưa ra khỏi gia đình Ashar đến sống tại một cơ sở xã hội. Cuộc điều tra tội ác của của cặp Ilyas và Tallat Ashar bắt đầu.
Đạo luật độc đáo ở nước Anh
Tòa Munshull Street xử vụ án hai lần kéo dài sáu tháng. Lần đầu bồi thẩm đoàn buộc vợ chồng Ashar hai tội đưa lậu một người vào nước Anh nhằm mục đính bóc lột và ba tội gian dối để lấy tiền trợ cấp.
Vì bồi thẩm đoàn chưa buộc Ilyas tội hiếp dâm nên tòa yêu cầu xử lại. Ngày 15/10/2013, tòa chính thức buộc Ilyad Ashar 13 tội hiếp dâm còn Tallat Ashar bị buộc hai tội đưa lậu người vào nước Anh để bóc lột và bốn tội cung cấp thông tin gian dối để lấy tiền trợ cấp.
Các luật gia nói rằng mức án dành cho hai người sẽ nặng. Riêng tội đưa lậu người vào nước Anh để bắt làm việc như nô lệ có thể bị kêu án tối đa tới 14 năm tù, chưa kể các tội khác.
Nước Anh có nhiều luật chống nạn buôn bán người, đưa lậu người vào hay ra khỏi nước Anh. Luật Ngày chống nạn nô lệ năm 2010 quy định việc dành ra một ngày, là ngày 18/10 hàng năm để tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm cho nhiều người Anh biết hàng triệu người đang là nạn nhân của nạn buôn người, bị tước đoạt các quyền tự do và phẩm giá của con người. Ngày chống nạn nô lệ còn gây ý thức về sự cần thiết phải loại bỏ các hình thức buôn bán và bóc lột người.
Trước đó, vụ án gia đình Connors được xem là vụ đầu tiên xử những kẻ vi phạm luật chống nạn nô lệ. Gia đình Connors gồm 7 người bị điều tra, trong đó hai nhân vật chính là căp vợ chồng James John và Josie Connors. Cả hai bị buộc tội giữ nô lệ thời hiện đại và cưỡng bức người lao động làm việc từ tháng 4/2010 – 3/2011.
Năm 2012, Tòa án Luton xử phạt James John Connors 11 năm tù và Josie Connors 4 năm tù. Tiền của họ kiếm được từ việc bóc lột công nhân được dùng để trả nợ lương còn thiếu của các công nhân.
Tòa nhận định gia đình Connors nhận những người nhập cư bất hợp pháp không vô gia cư hay nghiện ma túy đang trong tình trạng đói khổ tận cùng làm lao động trong công việc kinh doanh lót gạch cho họ. Những người lao động cho gia đình Connors đầu cạo trọc, mặc đồng phục, làm việc quần quật gần suốt ngày nhưng chủ cho ăn uống rất hạn chế, lắm khi không có gì ăn, phải nhịn đói và cả tháng mới được tắm nước lạnh một lần.
Họ ở chen chúc trong những nhà xe di động, chật chội, hôi hám, lạnh cóng vào mùa đông. Đã thế, họ không được chủ trả lương như đã hứa. Chủ giữ giấy tờ tùy thân và đánh đập họ tùy tiện, tàn nhẫn.
Sự việc được phát hiện khi 250 cảnh sát bố ráp bãi đậu của nhà xe lưu động Greenacres ở Little Billington. Cảnh sát giải cứu 22 người lao động, nhiều người gần chết đói, mắc bệnh thiếu vitamin C, gãy xương, người nhầy nhụa phân. Một số khác bị gãy xương, người đầy sẹo và thương tích, cả vết thương do chó cắn. Cảnh sát tiếc rằng họ đã không hành động sớm hơn để giải thoát cho những người nói rằng họ khổ hơn nô lệ của thời trung cổ.