Thế nhưng, bị can lại chối tội và khẳng định mình không liên quan, không cầm cố xe nhập lậu. Ngoài ra, do thấy hồ sơ vụ án có nhiều mâu thuẫn nên VKSND tỉnh Quảng Ninh đã 3 lần trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung.
Từ 2 siêu xe nhập lậu
Ngày 30/5/2014, trong khi làm nhiệm vụ, Phòng Cảnh sát điều tra về trật tự quản lý và chức vụ Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tạm giữ hành chính 1 xe ô tô nhãn hiệu Range Rover Sport HES do người sử dụng không xuất trình được giấy tờ hợp pháp.
Với lý do tương tự, ngày 14/7/2014, Công an TP Uông Bí (Quảng Ninh) cũng đã tạm giữ 1 xe ô tô nhãn hiệu Audi A6. Cả hai lái xe đều cho biết họ nhận quản lý giúp xe ô tô cho ông Nguyễn Trung Kiên (SN 1974, chủ hiệu cầm đồ Trung Kiên ở khu 3, phường Trưng Vương, TP Uông Bí).
Sau quá trình điều tra, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã xác định hai chiếc xe trên là xe nhập lậu của Nguyễn Văn Thành (tức Hải “lé”, SN 1982, trú tại phường Hải Hòa, TP Móng Cái, Quảng Ninh).
Từ một số lời khai, Cơ quan CSĐT cho rằng vào tháng 5/2015, Thành đã đưa 2 xe ô tô nhập lậu nói trên cho Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1974, trú tại khu 5, phường Quang Trung, TP Uông Bí) nhờ bán hộ. Nhưng sau đó, Hùng nói dối là xe mới mua, chưa có giấy tờ để dùng làm tài sản thế chấp vay ông Kiên 4,45 tỷ đồng rồi chiếm đoạt.
Sau hai lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì tại bản cáo trạng mới đây, VKSND tỉnh Quảng Ninh vẫn cho rằng ngày 24/5/2012, Hùng đưa xe Audi A6 đến hiệu cầm đồ Trung Kiên, để lại xe và viết giấy vay của anh Kiên và anh Phạm Đức Hùng (cùng là chủ hiệu cầm đồ) 2,9 tỷ đồng rồi chiếm đoạt. Sau đó, ngày 20/6 Hùng còn nhờ anh Nguyễn Ánh Dương đưa xe Range Rover Sport HES đến viết giấy vay, nhận 1,55 tỷ đồng của anh Kiên và để lại xe.
Cầm cố xe không lập văn bản
Trước cáo buộc trên, Nguyễn Mạnh Hùng đã kêu oan và khẳng định mình không hề cầm cố xe nhập lậu để vay tiền của anh Kiên. Bị can này thừa nhận có vay của anh Kiên 2,9 tỷ đồng (do tính lãi 200 triệu nên Hùng phải viết giấy vay 3,1 tỷ đồng) nhưng việc vay này không cần tài sản thế chấp. Sau đó, hai vợ chồng Hùng đã trả gần đủ (chỉ còn nợ một ít tiền lãi).
Còn đối với trường hợp anh Dương, Hùng cho rằng mình chỉ là người gọi điện giới thiệu anh Dương với anh Kiên. Còn việc anh Dương và anh Kiên trao đổi, giao dịch với nhau về việc vay tiền, đặt xe Range Rover Sport HES như thế nào thì Hùng không biết.
Khẳng định bị can Hùng bị truy tố oan, chị Trương Thị Hà (SN 1975, vợ bị can Hùng) cho hay, khi bị phát giác vụ buôn lậu và tiêu thụ xe gian, chồng chị đã bị một số người thống nhất lời khai để “đổ tội”. Việc cầm cố xe và vay tiền bắt buộc lập văn bản, giấy tờ nhưng ở vụ việc này, không có bất cứ một tài liệu nào chứng tỏ chồng chị đã đặt xe ô tô cho anh Kiên.
Giấy biên nhận vay tiền ngày 24/5/2012 chỉ thể hiện việc “vay tiền” chứ không thể hiện nội dung cầm cố xe. Giấy vay tiền ngày 20/6 thì càng không liên quan đến chồng chị vì mang tên người vay là Nguyễn Ánh Dương và cũng không có nội dung cầm cố xe.
Hơn nữa hiện cũng không có chứng cứ khẳng định Hùng nhờ anh Dương lái xe đi cầm cố, không có chứng cứ về việc Hùng nhận 1,55 tỷ do anh Dương đi đặt xe mà có…
Bình luận về chứng cứ trên, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Cty Luật TNHH Trường Lộc) cho rằng, hai tờ giấy vay trên chỉ thể hiện quan hệ vay mượn chứ không thể hiện quan hệ “cầm cố” tài sản. Vì vậy, người nhận vay tiền (Hùng, anh Dương) chỉ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ vì đây là quan hệ dân sự, không có yếu tố chiếm đoạt, càng không thể bắt bị can Hùng phải chịu trách nhiệm về số tiền 1,55 tỷ mà anh Dương ký nhận của hiệu cầm đồ.
Được biết, vào tháng 10 và tháng 12/2015, VKSND tỉnh Quảng Ninh đã hai lần trả hồ sơ yêu cầu cơ quan CSĐT điều tra bổ sung làm rõ một số vấn đề. Mới đây, ngày 13/4/2016, TAND tỉnh Quảng Ninh cũng đã có Quyết định trả hồ sơ cho VKSND tỉnh Quảng Ninh để điều tra bổ sung theo yêu cầu của chính cơ quan này.
Đáng nói hơn, tuy đã kết luận 2 chiếc xe tang vật là “xe nhập lậu” nhưng không hiểu sao, đến đầu năm 2016, cơ quan CSĐT mới khởi tố vụ án và khởi tố bị can Nguyễn Văn Thành (tức Hải “lé”), về tội “Buôn lậu”. Nhưng lúc này, bị can Thành đã kịp “cao chạy xa bay” và cơ quan CSĐT cũng không thể lấy thêm lời khai của bị can này để làm rõ một số tình tiết liên quan đến vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Chủ hiệu cầm đồ “ngờ nghệch” đến khó tin
Theo Cơ quan CSĐT thì ông Nguyễn Trung Kiên và ông Phạm Đức Hùng (chủ hiệu cầm đồ) đã nhận cầm 2 xe ô tô để cho Nguyễn Mạnh Hùng vay 4,45 tỷ đồng. Tuy nhiên, cả hai lần vay tiền này đều không có giấy tờ thể hiện việc cầm cố như thế nào, tài sản là gì, việc xử lý tài sản thế chấp ra sao…
Đã vậy, cả hai chủ hiệu cầm đồ lại tỏ ra khá dễ dãi vì ô tô không cần có giấy tờ cũng chấp nhận mặc dù theo quy định thì những loại tài sản này, người cầm cố phải chứng minh được quyền sở hữu hợp pháp và không được nhận cầm đồ đối với tài sản không rõ nguồn gốc. Đã vậy, ông Kiên còn cho một người vay nhưng lại chấp nhận để người khác viết giấy vay.
Chiếc xe Audi A6 là tang vật vụ án được định giá là 840 triệu đồng nhưng không hiểu sao, dù chưa có giấy tờ nhưng ông Kiên và ông Phạm Đức Hùng vẫn cho vay tới 3,1 tỷ đồng (tức là gấp gần 4 lần giá trị xe).