Tại huyện Hưng Nguyên, do nước từ thượng nguồn đổ về và các công trình thuỷ điện, hồ chứa nước xả tràn nên nước sông Lam vùng hạ lưu đã dâng cao. Tính đến chiều nay, 7 xã vùng dọc sông Lam và vùng trũng Hưng Nguyên nước đã ngập vào khu dân cư, cầu qua đê và nhiều tuyến đường bị ngập sâu. Cụ thể có trên 1900 hộ dân nước đã vào nhà. Nhiều tuyến đê kênh thấp nhiều đoạn sắp bị tràn.
Tại huyện Yên Thành, mưa lớn vẫn diễn ra nên nước lũ dâng cao khiến hơn 2.700 hộ dân bị ngập sâu trong nước. Nhiều xã bị cô lập, chia cắt. Trong đó, 12 xóm ở các xã Khánh Thành, Trung Thành, Bảo thành, Công Thành, Viên Thành bị nước lũ chia cắt cô lập hoàn toàn.
Theo báo cáo của UBND huyện Nghi Lộc, đến chiều 30/10, toàn huyện có hơn 1.600 hộ bị ngập. Nhiều hộ ngập sâu ở các xã như Nghi Mỹ, Nghi Công Nam, Nghi Công Bắc...Tuyến Quốc Lộ 48 E và một số tuyến đường liên xã đã bị chia cắt hoàn toàn.
Chiều cùng ngày, ông Hoàng Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cho biết: Do mưa lớn kéo dài nhiều ngày, nhiều xã tại huyện Anh Sơn đã bị cô lập hoàn toàn, nhiều diện tích hoa màu ngập sâu. Đất sạt lở tràn vào nhà của một hộ dân ở Hội Sơn. Hiện, Huyện Anh Sơn đã chỉ đạo di dời 46 hộ dân nằm trong diện nguy cơ sạt lở đất cao.
Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Chương, mưa lũ đã khiến 2 người mất tích và 2 người bị thương. 2 người mất tích ở xã Thanh An, trên đường đi xe máy về nhà bị lũ cuốn, đến nay chưa tìm thấy. 2 người bị thương hiện sức khỏe đã ổn định.
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn. |
Nhiều khu vực ở TP Vinh đang ngập sâu. |
Tại TP Vinh, ngay từ sáng sớm nay, tại địa bàn phường Bến Thủy mưa lớn kéo dài nước dâng nhanh, rất nhiều nhà dân ngập sâu hơn 2m. Hầu hết các tuyến đường tại TP Vinh đều bị ngập. Trước tình hình đó, gần 100 cán bộ, chiến sỹ cùng các phương tiện của Lữ đoàn 873 (Cục Hậu cần Quân khu 4) đã gấp rút chóng có mặt kịp thời, cơ động bằng xuồng máy, luồn lách vào các ngõ hẻm, tiếp cận các hộ gia đình ngập sâu, có người đang bị mắc kẹt cần cứu trợ để di dời 100 người dân tránh ngập. Đến trưa 30/10, lực lượng cứu hộ đã giải cứu được các hộ dân trú tại phường Hồng Sơn đến nơi an toàn.
Trước tình hình này, Tỉnh ủy Nghệ An có Công điện khẩn số 02-CĐ/TU về việc ứng phó với thiên tai đang diễn ra trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9.
Theo Công điện, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với mưa lớn và lũ lụt trên địa bàn tỉnh thương phương châm 4 tại chỗ. Trước mắt tập trung ứng cứu nhân dân nơi đang bị ngập và bị cô lập, chia cắt; tổ chức di dời, sơ tán dân nơi có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Triển khai biện pháp cảnh báo ở các điểm giao thông bị ngập lũ, bố trí lực lượng ứng trực, kiên quyết không để người và các phương tiện lưu thông qua địa điểm nguy hiểm.
Bên cạnh đó, chỉ đạo cơ quan truyền thông, cán bộ, đảng viên, nhân dân sử dụng các ứng dụng mạng xã hội để truyền tải kịp thời, chính xác về tình hình thiên tại, ngập lũ, những nơi đang gặp nguy hiểm và biện pháp ứng cứu. Các địa phương triển khai các phuơng án, lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm đời sống nhân dân sau lũ lụt.
UBND tỉnh chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, phương tiện liên hệ, phối hợp với Quân khu 4 sẵn sàng ứng cứu kịp thời những nơi có tình huống cần hỗ trợ.