Luật sư Trần Hữu Tây, người từng bào chữa cho không ít quan tham nói: “Quan chức không phải tự sát vì… sợ chết mà bởi những thứ khó hơn cả cái chết”.
Ba ngày, hai quan chức tự sát
Ngày 24/3 vừa qua, Cục Công an thành phố Đại Liên (Liêu Ninh) ra thông báo: Ông Dương Hoa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn gang thép Đặc Thù Đông Bắc - đã treo cổ tự tử tại nhà riêng. Hai ngày trước đó (22/3) Trần Ứng Xuân - nguyên Phó thị trưởng thành phố Thâm Quyến (Quảng Đông) cũng nhảy lầu chết. Việc chỉ trong 3 ngày có 2 quan chức cao cấp tự sát chết đã khiến dư luận xôn xao về vấn đề quan chức tự tìm đến cái chết.
Hồi tháng 1/2015, tờ “Thời báo Hoàn cầu”, ấn phẩm trực thuộc Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc đã đăng tải số liệu thống kê cho thấy: tỷ lệ quan chức trung, cao cấp tự sát cao hơn 30% so với tỷ lệ cư dân đô thị tự sát.
Đầu năm 2015, Ban Tổ chức trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành thống kê về tình hình quan chức “tử vong bất bình thường”, nhưng không công bố công khai.
Nhảy lầu tự sát đang là cách trốn tội của nhiều quan tham khi bị lộ |
Tuy nhiên theo một tư liệu mà tờ “Thời báo Tài chính” (Anh) có được thì năm 2012 có 12 quan chức tự sát, trong đó có 4 người do tham nhũng hoặc bị nghi ngờ tham nhũng; năm 2013 có 7 người tự sát, 2 người do tham nhũng; năm 2014 con số quan chức tự sát tăng vọt lên thành 39 người, trong đó 10 người do tham nhũng hoặc bị nghi tham nhũng.
Báo điện tử “Tài Tân” của Trung Quốc cũng tiến hành phân tích, thống kê tình hình quan chức tự sát từ 2015 trở lại đây đã có 11 người, trong đó có Thời Hy Bình - Chủ tịch Ủy ban giám sát xí nghiệp quốc doanh trung ương; Trần Hồng Kiều – Tổng giám đốc Chứng khoán Quốc Tín, Vương Phẩm Cương – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Thần Hoa, Lại Mẫn Hoa – Giám đốc Hải quan Makao, Trương Kiện Vĩ – Tổ trưởng Kiểm tra kỷ luật Tập đoàn Dầu khí Hải dương và Tiêu Văn Tôn – nguyên Thị trưởng Liễu Châu (Quảng Tây)…
Danh sách này chưa phải đã đầy đủ vì còn một số người chưa được đưa vào như Vương Thành Quân - nguyên Bí thư Thành ủy Vạn Nguyên (Tứ Xuyên) chết vì “ngã lầu” ngày 22/1/2016. Vương Thành Quân rời ghế Bí thư tháng 10/2015; trước khi chết đã gửi cho bạn bè bài thơ “Biệt Vạn Nguyên” với những ngôn từ ai oán: “Vẫy tay biệt Vạn Nguyên, bước chân sao không vững, quay đầu nhìn người thân, không nói mắt nhòa lệ, núi cao đồi nhấp nhô, thành sự sao khó vậy, sức cùng lực đã kiệt, sự nghiệp mãi chưa nên, suốt 10 năm chịu khổ, vì dân khổ cũng cam, từ nay đêm vắt trán, trong mộng thấy cõi tiên”.
80% cán bộ “mất cân bằng tâm lý nhất định”
Vì sao nhiều quan chức lại lựa chọn tự sát? Cách giải thích của các cơ quan đảng, chính quyền chính thống thường là “mắc chứng trầm cảm”. Nhân dân Nhật báo điện tử từng đăng bài chuyên luận “Phân tích về tâm lý học của quan chức tự sát”, trong đó viện dẫn kết quả điều tra vấn đề tâm lý của hơn 100 cán bộ trên toàn quốc, cho thấy:
Hơn 80% cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở đều tồn tại vấn đề “mất cân bằng tâm lý nhất định”, “mệt mỏi tâm lý” và “tâm lý ức chế”. Bài báo còn viết: “Những quan chức nặng lòng tham thì tâm lý không thể lành mạnh được”.
Báo Thanh niên Bắc Kinh cũng đưa tin, gần 3 năm nay số quan chức phải điều trị về khuynh hướng trầm cảm tăng lên rõ rệt; nhưng do lo sợ bệnh tình ảnh hưởng đến quan lộ, nên họ thường lựa chọn cách nhờ người tìm giúp bác sỹ tâm lý tư nhân chứ không tới bệnh viện khám và điều trị.
Dương Hoa, người treo cổ hôm 24/3 |
Tuy nhiên, sử gia Trung Quốc nổi tiếng Chương Lập Phàm hôm 25/3 đã phát biểu cho rằng, cách giải thích về “chứng trầm cảm” này chỉ là lớp phấn trang điểm: “Tôi cảm thấy trên thực tế nhiều quan chức lựa chọn đi con đường này (tự sát) xem đó là sự giải thoát.
Tôi nghĩ có lẽ do sức ép về tư tưởng của họ quá nặng, mỗi người đều mang trên lưng gánh nặng quá sức. Thế thì dù có chết, họ cũng bảo vệ được nhiều người có liên quan đến tội tham nhũng của họ; có thể là cấp trên, có thể là đồng sự, người nhà hay những người đồng mưu. Mình họ chết nhưng tất cả những người liên quan đều được cứu thoát”.
Luật sư Trần Hữu Tây cũng viết bài bày tỏ: Sau khi quan chức chết bất bình thường, báo chí khi đưa tin đều nhất quán cho rằng “do chứng trầm cảm”, còn dân chúng thì hiểu đó là do “tham nhũng”; mặt tốt hay mặt bi kịch, mặt oan uổng của người chết thì chẳng ai quan tâm đến: “Pháp chế hóa chống tham nhũng ngày càng yếu, những quan chức có quyền không còn tin vào trình tự pháp luật, không tin vào sự xét xử của tòa án, không tin vào tác dụng của luật sư…
Do đó, những quan chức có vấn đề nếu vụ việc bị phát hiện, người nào có chút dũng khí đều lựa chọn tự sát chứ không muốn chấp nhận bị xét xử công khai, vì việc xét xử nay đã trở nên giả dối, không giữ được công bằng, chính nghĩa nữa”.
Cũng có thứ lý luận cho rằng, dưới áp lực lớn như núi, các quan chức tự sát đều là người tốt, một trong những người giữ quan điểm này là cố nhà văn Trần Phóng, tác giả cuốn sách best seller “Thiên nộ”. Khi còn sống, ông từng viết: “Quan chức tự sát đều là những quan chức tốt, là những người trọng danh dự”.
Giáo sư Nhiếp Huy Hoa- Viện phó Viện nghiên cứu Chiến lược và phát triển quốc gia thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc - tháng 1/2015 đã viết bài “Phân tích về quan tham Trung Quốc tự sát” đăng trên “Thời báo Tài chính”, cho rằng: Do nguyên tắc nhân đạo thông dụng trên quốc tế dần dần được cơ quan tư pháp Trung Quốc chấp nhận, hiện nay hình phạt dành cho các quan chức tham nhũng trừ khi “tình tiết đặc biệt nghiêm trọng”, rất ít có án tử hình; tuy nhiên, với sự giảm thiểu số án tử hình, số quan chức tự sát lại có xu thế gia tăng.
Ông cho rằng, quan chức tự sát là sự lựa chọn mang lý tính. Từ góc độ kinh tế học, giáo sư Nhiếp phân tích: Hiệu ích của quan chức tự sát bao gồm 3 mặt: hủy bỏ tội chứng, bảo vệ đồng sự; bảo vệ lợi ích của thân nhân; tránh phải chịu tra tấn bức cung hoặc bị người khác buộc phải nhận tội.
Ông Trần Ứng Xuân nhảy lầu tự sát |
“Song quy” – ác mộng của quan tham
Câu ca “Thà đi gặp Diêm Vương, quyết không gặp lão Vương” hiện đã trở thành châm ngôn lan truyền trên quan trường. “Lão Vương” ở đây là ông Vương Kỳ Sơn - Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (UBKTKLTW)- hung thần đối với các quan chức “có vấn đề”.
Tạp chí “Nhà kinh tế học” số ra ngày 27/3/2015 đã đăng bài “Hoặc quỷ hoặc Vương” (The devil, or Mr Wang) trong đó viết: Ông Vương Kỳ Sơn thường xuyên khuyên các nhân viên của ông phải “làm cho người khác khiếp sợ”. Nhà lãnh đạo nắm trong tay đại quyền “song quy” - bắt giam cách ly người bị nghi vi phạm kỷ luật, pháp luật - trong khi thực thi phong trào “đánh hổ đập ruồi” cũng bị một số người chỉ trích đã vi phạm nhân quyền của quan chức trong quá trình điều tra.
“Song quy” là biện pháp đặc biệt và thủ pháp điều tra được cơ quan UBKTKL sử dụng. Những năm gần đây, có khá nhiều quan chức bị chết bất thường trong khi bị “song quy”, như Tiền Quốc Lương - Cục trưởng Địa chấn huyện Hoàng Mai, tỉnh Hồ Bắc. Ngày 8/4/2013 ông bị UBKTKL Huyện ủy “song quy”, đến ngày 19/6 thì chết.
Báo chí đưa tin ông chết do suy hô hấp, nhưng hình ảnh được đưa lên mạng xã hội cho thấy ông gày gò hốc hác, khắp người đầy thương tích. Gia đình Tiền nghi ngờ ông bị tra tấn bức cung trong khi bị “song quy”. Một trường hợp khác là Giả Cửu Tường, chánh án Tòa án thành phố Tam Môn Hiệp, Hà Nam bị chết sau 11 ngày bị “song quy”. Cơ quan hữu trách giải thích ông bị chứng tim đột phát, nhưng gia đình ông thì nói thi thể ông sưng phù, tím ngắt…/.