Bộ Tài chính đã phải “lên dây cót” các bộ, ngành và địa phương hòng tránh tình trạng “té nước” theo xăng, điện…
Nhiều mặt hàng lăm le tăng giá
Tại các chợ Hà Nội, với lý do xăng tăng giá ảnh hưởng đến phí vận chuyển, các mặt hàng thực phẩm cũng rục rịch nhích giá, dù mức nhích giá không cao. Các bác tài xe ôm cũng bắt đầu vin lý do tăng giá xăng để mặc cả với khách hàng. Các dịch vụ phải dùng đến điện như gội sấy, rửa xe… cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng giá.
Tại các cửa hàng thực phẩm, giá một số thực phẩm đông lạnh đã được cộng thêm một chút vì chi phí điện tăng cao. Trong khi đó, một doanh nghiệp (DN) vận tải chuyên chạy tuyến Hà Nội – Thanh Hóa cho biết, DN này mới giảm giá cước vận tải trước Tết Nguyên đán Ất Mùi, và giờ dù giá xăng tăng hơn 1.600 đồng/lít ảnh hưởng đến chi phí của DN nhưng chưa thể tăng giá cước ngay được bởi thời điểm đầu năm nhu cầu đi lại ít, nếu không giữ giá rất có thể sẽ mất khách. Tuy nhiên, ông này cho biết DN đang tính toán tăng giá hợp lý, vì thế nào thì từ 1/5 giá xăng cũng tăng thêm 2.000đồng/lít tiền thuế môi trường.
Điện tăng giá, có lẽ ngành thép là cảm nhận rõ nhất. Đợt tăng giá điện lần này khiến DN sản xuất thép sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, trong bối cảnh giá thép trong nước ngày càng giảm theo thế giới, thị trường cạnh tranh gay gắt bởi cung đã vượt cầu tới 50%.
Đại diện Công ty Thép Pomina cho biết, hiện giá điện chiếm đến 30% giá thành sản xuất. Giá điện tăng lên 7,5% khiến công ty này phát sinh thêm khoảng 2,5 tỷ đồng tiền điện mỗi tháng. Trong khi đó, công ty chủ yếu làm hàng xuất khẩu, đơn hàng đã thỏa thuận nên giá điện tăng cũng khó tăng giá xuất khẩu được.
Trong khi đó, ông Lê Anh Tuấn – chủ một công ty cơ khí cho biết, điện tăng giá 7,5% khiến DN chi thêm khoảng 50 triệu tiền điện một tháng, trong khi công ty còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, mà một trong số đó là khách hàng chưa thể có khả năng chi trả.
“Tiền hàng khách nợ đọng lại, nhưng tiền điện DN phải trả từng tháng cộng với rất nhiều thứ phải chi phí khác. DN đang ráo riết tìm biện pháp cải tiến kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu vào” – ông Tuấn nói.
Theo đó, DN phải tìm giải pháp kỹ thuật tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất, đầu tư công nghệ mới sử dụng năng lượng ít hơn, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu, năng lượng… Đồng thời, cân đối các khung giờ để sắp xếp khung giờ sản xuất hợp lý hơn.
Kiểm soát chặt, xử lý nghiêm việc tăng giá tùy tiện
Theo Tổng cục Thống kê, với việc điều chỉnh giá bán điện tăng 7,5%, có thể tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 0,46%. Trong khi đó, dự báo nếu giá xăng tăng khoảng 5% sẽ trực tiếp làm CPI tháng 4 tăng thêm 0,2% và gián tiếp làm CPI 2 tháng tiếp theo tăng thêm 0,48%.
Bộ Tài chính – cơ quan quản lý giá – cũng nhận định rằng, việc tăng giá điện, xăng cùng thời điểm có thể gây tác động nhất định đến chi phí sản xuất, giá thành và giá bán một số hàng hóa, dịch vụ. Để tránh tình trạng “té nước theo mưa” khi giá xăng, giá điện tăng, Bộ này vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tăng cường bình ổn và quản lý giá sau đợt tăng giá điện, xăng.
Trong công văn do Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu ký, Bộ Tài chính yêu cầu các tỉnh, thành phố thường xuyên theo dõi, nắm tình hình diễn biến giá cả thị trường, trước hết là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, sữa, gas, cước vận tải…, kịp thời có biện pháp thích hợp để bình ổn giá theo quy định của pháp luật. UBND cấp tỉnh cũng chỉ đạo các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhất là các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải và các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có sử dụng nhiều năng lượng điện, nhiên liệu xăng dầu phấn đấu cải tiến công nghệ, áp dụng mọi biện pháp tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao năng suất lao động... để giảm giá thành, hạn chế tác động của việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu đến giá bán sản phẩm.
Đối với việc kê khai giá những mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, tiếp tục rà soát định mức và đơn giá các yếu tố hình thành giá, đánh giá tình hình thị trường và tác động của tăng giá điện, xăng dầu đến giá thành và giá bán sản phẩm đầu ra, dừng các trường hợp kê khai tăng giá bất hợp lý không do tác động trực tiếp hoặc tăng giá cao hơn tỷ lệ tác động của việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu vừa qua...
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn, trước hết là đối với những mặt hàng thiết yếu như cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh, gas…
Đối với trường hợp tự ý tăng giá với mặt hàng không chịu tác động trực tiếp của việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu hoặc tăng giá cao hơn tỷ lệ tác động của việc điều chỉnh giá thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.